MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ muốn “cứu vãn danh dự” cho Kim Jong Un?

04-04-2013 - 12:22 PM | Tài chính quốc tế

Có vẻ như Mỹ đang muốn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một cơ hội để tránh bị “mất mặt”.

CHDCND Triều Tiên vừa gia tăng cấp độ đe dọa đối với nước Mỹ khi tuyên bố đã phê chuẩn một đạo luật cho phép quân đội sử dụng một “lực lượng tấn công hạt nhân tinh nhuệ, nhỏ gọn hơn và đa dạng”. Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ đang muốn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một cơ hội để tránh bị “mất mặt”.

Theo tin từ Bloomberg, thông tin trên vừa được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát đi vào sáng sớm ngày hôm nay (4/4). Tuy nhiên, bản tin của KCNA không nêu rõ loại vũ khí mà Bình Nhưỡng dự kiến sử dụng là loại gì. Ngoài ra, trong ngày hôm qua Triều Tiên cũng yêu cầu người Hàn Quốc rút khỏi Kaesong, khu công nghiệp chung giữa hai miền.

Trong một diễn biến khác, đáp trả những lời đe dọa của chính quyền Kim Jong Un, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua tuyên bố sẽ cử một hệ thống phòng thủ tên lửa tới Guam trong một vài tuần tới như một động thái cảnh báo với Triều Tiên.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục gia tăng trong mấy ngày gần đây. Phía Triều Tiên viện dẫn “chính sách thù địch ngày càng tăng của Mỹ”, bao gồm việc Washington sử dụng máy bay ném bom tầm xa trong các cuộc tập trận với Hàn Quốc, như lý do xác đáng cho hành động của mình.

Trong một tuyên bố phát đi qua đường email, phát ngôn viên của Nhà Trắng Caitlin Hayden nói rằng, lời đe dọa mới nhất của Triều Tiên “là động thái tiếp theo trong một loạt dài những tuyên bố gây hấn chỉ có tác dụng khiến Triều Tiên bị cô lập thêm”.

Mặc dù căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên leo thang và Liên hiệp quốc áp dụng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, các quan chức Mỹ và Triều Tiên trong tuần này nhấn mạnh rằng, họ chưa nhận thấy những động thái báo hiệu sự chuẩn bị cho chiến tranh từ phía Triều Tiên. Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói, Seoul chưa phát hiện thấy những cuộc di chuyển bất thường của quân đội Triều Tiên.

Tuy nhiên, sáng nay, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên có vẻ như đã di chuyển tên lửa tầm trung có khả năng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản sang bờ biển phía Đông nước này. Theo Yonhap, còn chưa rõ liệu tên lửa này có mang đầu đạn hay không, nhưng nguồn tin dự báo, Bình Nhưỡng có thể thực hiện một vụ phóng vào khoảng giữa tháng 4 nhân kỷ niệm ngày sinh nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Phát biểu tại Washington hôm qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng, chính quyền Kim Jong Un là một “mối nguy hiểm và đe dọa thực sự và rõ ràng đối với các lợi ích của đồng minh” của nước Mỹ, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như của Mỹ.

Theo Bloomberg, một số quan chức đề nghị không cho biết danh tính của Mỹ nói rằng, ông Hagel đưa ra bình luận trên để tạo cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un một cơ hội cứu vãn danh dự bằng cách giảm nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, để tận dụng cánh cửa đã mở ra này, Kim Jong Un có thể tự hào mà nói rằng những lời đe dọa của Bình Nhưỡng đã buộc các nước lớn phải thừa nhận sức mạnh quân sự của Triều Tiên và dừng các hành vi gây hấn lại.

Tuy nhiên, cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Triều Tiên bắt đầu từ tháng trước phải đến cuối tháng 4 này có thể mới kết thúc.

Ông David Maxwell, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Georgetown, Mỹ, cho rằng, Triều Tiên có thể đang tiến tới một vụ thử tên lửa hơn là thực hiện một dạng tấn công nào đó, nhưng một động thái gây hấn bằng quân sự vẫn có khả năng xảy ra. Theo ông Maxwell, nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, có vẻ như “hiểu rõ hơn về hiện thực và việc mình có thể tiến xa tới đâu.”

Giới phân tích không rõ liệu Triều Tiên có khả năng giảm kích cỡ thiết bị đủ để triển khai một đầu đạn hạt nhân hay không. Cho đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 3 vụ thử hạt nhân trong lòng đất.

Tuần này, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tái khởi động tất cả các sơ sở hạt nhân ở Yongbyon. Đây là các cơ sở bị đóng cửa từ 6 năm trước theo thỏa thuận giải trừ vũ khí với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Theo An Huy

huongnt

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên