MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ rút QE: Chuyện đâu có tệ (Kỳ 1)

07-06-2013 - 07:34 AM | Tài chính quốc tế

FED sẽ sớm đưa ra quyết định liên quan? Trong trường hợp FED rút dần quy mô chính sách nới lỏng định lượng (QE), đó có phải là dấu hiệu xấu đối với thị trường?

Kỳ 1: Dư địa tiếp tục QE không còn nhiều

Từ tháng 11/2012, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu thăng hoa với việc chỉ số Dow Jones, chỉ số Nasdaq và chỉ số S&P 500 liên tiếp lập kỉ lục. 

Nhưng bước vào tháng 5/2013, tháng “bán chứng khoán và đi chơi”, lời nguyền về sự khốn cùng đã ứng nghiệm cùng với sự xuất hiện thông tin về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị thu hẹp gói kích thích kinh tế. FED sẽ sớm đưa ra quyết định liên quan? Trong trường hợp FED rút dần quy mô chính sách nới lỏng định lượng (QE), đó có phải là dấu hiệu xấu đối với thị trường?

Một tháng lại đây, các quan chức FED liên tục “bắn tin” về khả năng giảm quy mô gói kích thích kinh tế. Sau khi Chủ tịch FED ở San Francisco, ông John Williams, nhận định vào mùa hè này, qui mô QE sẽ bị thu hẹp lại một chút, vào ngày 4/6 vừa qua, Chủ tịch FED ở Kansas, ông Esther George, đã hối thúc FED giảm tốc độ mua trái phiếu. 

Trước đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Kinh tế Hạ viện, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, cho biết có thể cắt giảm tốc độ QE trong một vài cuộc họp tới nếu thị trường việc làm bộc lộ sự cải thiện thực sự và bền vững. Vị quan chức có tiếng nói quan trọng nhất ở định chế đóng vai trò ngân hàng trung ương của Mỹ này cũng không loại trừ khả năng rút lại QE vào dịp Lễ Lao động của Mỹ (ngày thứ hai của tuần đầu tiên trong tháng 9, năm nay là ngày 2/9).

Tín hiệu rõ ràng đã được bắn đi, chỉ có điều về mặt chính thức, các văn kiện của FED vẫn gắn việc rút QE với điều kiện kinh tế phục hồi tốt. Thực tế này phần nào phản ánh tâm lý mâu thuẫn của FED: Muốn rút QE, nhưng lại lo ngại hành động này sẽ giáng đòn mạnh vào thị trường tài chính. Thực tế cho thấy thông tin áp dụng QE luôn là liều thuốc gây hưng phấn đối với thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Ngược lại, cứ mỗi khi xuất hiện đồn đoán về việc rút QE, thị trường tài chính lại có những phản ứng tiêu cực. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong tháng 5 phần nào cho thấy điều đó. 

Gần đây nhất, trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 (hôm 3/6), mặc dù Hiệp hội Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) công bố chỉ số ngành chế tạo nước này gây thất vọng, một lần nữa làm dấy lên nối lo ngại về sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ lại tăng điểm. Nguyên nhân nằm ở chỗ các nhà đầu tư cho rằng số liệu xấu sẽ hối thúc FED không rút QE trước thời hạn, tạo tâm lý tích cực cho hoạt động mua vào. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là cuối cùng FED sẽ phải rút QE. Thời gian “lưỡng lự” của FED trong vấn đề này có thể không còn nhiều.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ về tổng thể đã chuyển biến tích cực, thị trường chứng khoán vươn tới mức cao kỉ lục, giá nhà đất hồi phục mạnh mẽ, tuy một số chỉ số còn trong tình trạng lúc tốt lúc xấu, nhưng về cơ bản không có nguy cơ kéo lùi sự phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó, QE chỉ là chính sách tiền tệ cấp tiến phi điển hình, phi thông thường nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính, kinh tế lớn. Nói một cách khác, QE được ví như một loại thuốc kích thích tiêu dùng để cứu sinh mạng của người mắc bệnh cấp tính, một khi người bệnh đã thoát hiểm, bệnh tình chuyển biến tốt, đương nhiên, không cần lệ thuộc vào nó nữa.

Thứ hai, ba lần thực thi QE của FED khiến quy mô bảng cân đối kế toán của Mỹ phình lên nhanh chóng, tới nay lên tới 3.300 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với cuối năm 2008. Nếu mỗi tháng, FED tiếp tục mua vào 85 tỉ USD trái phiếu như hiện nay, tới đầu năm 2014, bảng cân đối kế toán của Mỹ sẽ tăng thêm 1.000 tỉ USD. FED không thể không tính tới rủi ro đến từ sự bành trướng quá mức của bảng cân đối kế toán.

Thứ ba, QE khiến lãi suất xuống thấp và giải phóng một lượng lớn tiền ra thị trường, mang đến hiệu quả rõ rệt đối với sự phồi phục của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng nếu tiếp tục thực hiện QE, rủi ro tài chính sẽ tăng theo. Đối với thế giới bên ngoài, QE khiến dòng tiền nóng cuộn chảy mạnh mẽ hơn, không chỉ gây ra bong bóng tài sản, mà còn dẫn tới chiến tranh tiền tệ toàn cầu và rủi ro từ sự biến động mạnh của tỉ giá hối đoái, nhất là đối với các thị trường mới nổi. Nếu Mỹ không dừng đúng lúc, thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn, khi đó, lợi bất cập hại.

Rõ ràng, những “di chứng” của QE ngày một lớn. Do đó, ngay trong nội bộ FED, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc cắt giảm quy mô QE. Vấn đề là kể từ khi FED đưa ra QE1 vào tháng 12/2008 tới nay, kinh tế Mỹ đã quá lệ thuộc vào việc bơm tiền, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Hiệu ứng về sự giàu có xuất hiện không chỉ khiến doanh nghiệp tăng mạnh đầu tư mà người tiêu dùng cũng mạnh dạn móc hầu bao mua sắm. Do vậy, nếu rút QE, niềm tin của thị trường sẽ bị tổn thương, khiến thị trường chứng khoán và giá nhà đất đảo chiều, giáng đòn mạnh vào sự hồi phục kinh tế vốn chưa ổn định.

Theo Hà Ngọc

huongnt

Tin Tức

Trở lên trên