MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ từng tạo sức ép buộc Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ vào thập niên 1930

23-06-2010 - 16:00 PM | Tài chính quốc tế

Tuy quan điểm và vị thế của những người đứng đầu kinh tế Mỹ hiện nay và thập niên 1930 khác nhau, nhưng họ cùng muốn một điều: Đồng USD yếu.

Cuối tuần qua, Trung Quốc, trước áp lực không ngừng từ phía Mỹ về việc chấm dứt chế độ neo tỷ giá với đồng nhân dân tệ, đã thông báo sẽ chấp thuận linh hoạt tỷ giá và sau đó nói thêm sẽ vẫn giữ tỷ giá ở mức căn bản ổn định.

Vấn đề đồng nhân dân tệ đã ám ảnh quan hệ Mỹ – Trung dài hơn người ta tưởng. Vào thập niên 1930, vấn đề neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD cũng từng gây ra nhiều bất đồng giữa 2 nước, tất nhiên khi đó vị thế của 2 bên đảo ngược.

Theo đạo luật năm 1934 được thông qua do sức ép chính trị từ các công ty sản xuất bạc, chuyên gia ngành ngân hàng và những người chịu trách nhiệm kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính Mỹ buộc phải mua bạc và đẩy giá bạc lên cao.

Hành động này ảnh hưởng lập tức đến đồng nhân dân tệ, khi đó được neo vào bạc, bao lâu nay vẫn được tích trữ tại Trung Quốc, dù nước này không có nguồn cung bạc tại nội địa. Giá bạc cao, bạc từ nội địa Trung Quốc bị buôn lậu ra khỏi biên giới nước này và bán tại nước này, nguồn cung tiền sụt giảm, giảm phát xảy ra, tín dụng và kinh tế đi xuống.

Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải đề nghị chính phủ Mỹ thay đổi chính sách. Ông Henry Morgenthau, khi đó đang giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã hết sức thông cảm bởi ông cho rằng đạo luật năm 1934 cùng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Thế nhưng chính ông cũng không có nhiều khả năng thay đổi.

Tháng 10/1935, cựu đại sứ Trung Quốc Alfred Sze đã nói với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Morgenthau rằng nước ông đang bỏ chế độ bản vị bạc và sẽ bán dự trữ bạc cho Mỹ thay cho việc bán dự trữ đó trên thị trường thế giới. Ông Harry Dexter White, cựu tư vấn kinh tế cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ủng hộ ý tưởng thế nhưng với điều kiện Trung Quốc cam kết neo đồng nhân dân tệ vào đồng USD.

Những gì diễn ra thời kỳ đó trái ngược hoàn toàn với hiện tại. Thế nhưng mục tiêu vẫn giống nhau: giảm giá đồng USD.

Thập niên 1930, Trung Quốc sử dụng đồng bảng trong các hoạt động thương mại nhiều hơn so với hiện nay. Khi đồng bảng hạ giá so với đồng USD, đồng nhân dân tệ vì thế hạ xuống theo. Việc neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD đồng nghĩa đồng nhân dân tệ này mạnh hơn và hàng xuất khẩu từ Mỹ có tính cạnh tranh tốt hơn.

Nếu là bây giờ, chính phủ Trung Quốc hẳn sẽ chẳng đưa ra hành động nào. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Morgenthau trả lời đại sứ Trung Quốc: “Chúng tôi có những chính trị gia, công chúng và tương lai riêng để nghĩ tới. Chúng tôi sẽ không đầu tư 65 triệu USD và chính phủ các bạn neo đồng tiền vào đồng bảng Anh. Các bạn đang chơi bài và tính ăn gian.”

Cuối cùng, khi Tổng thống Mỹ lúc đó chấp thuận, cựu Bộ trưởng Tài chính Morgenthau chấp thuận đề nghị từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên thay cho việc mua 100 triệu ounce bạc, Bộ trưởng Morgenthau chỉ đồng ý mua một nửa. Thỏa thuận được hoàn tất.

Cựu Bộ trưởng Morgenthau vẫn lo lắng rằng Trung Quốc sẽ có thể thực hiện thỏa thuận tương tự với Anh để đổi lấy chế độ neo đồng nhân dân tệ vào đồng bảng Anh.

Đến tháng 5/1936, đại sứ K.P. Chen của Trung Quốc lại đề nghị Mỹ mua thêm bạc và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ liên tục than phiền rằng đồng nhân dân tệ đang mất giá đúng theo hướng của đồng bảng Anh.

Với những lời lẽ có thể khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ hiện nay Tim Geithner hài lòng, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Morgenthau nhấn mạnh nước Mỹ cần Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ.

Ông Chen hứa chấm dứt hệ thống neo đồng nhân dân tệ vào đồng bảng, như vậy ông thừa nhận khi đó đã tồn tại hệ thống neo vào đồng bảng Anh. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cuối cùng đã đồng ý về thỏa thuận mua thêm 75 triệu ounce bạc, hoạt động mua được thực hiện trong từng tháng cho đến tháng 1/1937. Chi tiết không được công bố.

Ông Charles Schumer, thượng nghị sỹ bang New York và bao lâu nay luôn phản đối chế độ neo tỷ giá vào đồng USD, một lần nữa đe dọa áp dụng hạn ngạch đối với hàng Trung Quốc nếu đồng nhân dân tệ không nâng giá mạnh.

Cùng với Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, năm 2006 ông giải thích rằng một trong những nguyên tắc của thương mại tự do là tỷ giá các đồng tiền nên được thả nổi. Quy tắc này vào thập niên 1930 hẳn sẽ khiến cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Morgenthau và cựu tư vấn kinh tế cho Bộ Tài chính Mỹ White, những người đã dành nhiều công sức để thuyết phục chính phủ các nước khác chấp nhận neo tỷ giá đồng USD, để phục vụ tốt hơn cho thương mại thế giới.

Điểm chung giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện nay và thập niên 1930 là họ đều yêu cầu đồng USD yếu.

Ngọc Diệp
Theo FT


ngocdiep

Trở lên trên