MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Myanmar - Chiến trường mới của các đại gia?

12-06-2013 - 19:48 PM | Tài chính quốc tế

Á. Hàng loạt tập đoàn quốc tế đều đang lên kế hoạch tiếp cận với thị trường Myanamar – nơi thiếu vắng các nhãn hàng đã phổ biến trên toàn cầu sau nhiều năm bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Các “ông lớn” của phương Tây đang háo hức đổ xô đến Myanmar. Tuy nhiên, rất có thể họ sẽ phải đặt ra câu hỏi “Liệu nơi đây có đủ rộng lớn cho tất cả chúng ta?”. Myanmar – đất nước có 60 triệu dân - được coi là một "mỏ vàng" đầy ắp đang chờ người khai phá. 

Thời gian gần đây, Myanmar nổi lên như một điểm nóng mới ở châu Á. Hàng loạt tập đoàn quốc tế đều đang lên kế hoạch tiếp cận với thị trường Myanamar – nơi thiếu vắng các nhãn hàng đã phổ biến trên toàn cầu sau nhiều năm bị cô lập với thế giới bên ngoài. 

Mặc dù Myanmar là một thị trường sơ khai, các công ty vẫn gặp phải những đối thủ sừng sỏ. “Bối cảnh ở Myanmar hiện nay giống như Trung Quốc cách đây 20 năm”, Hellmut Schütte – giáo sư tại trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc châu Âu (China Europe International Business School) và cũng là một đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á vừa diễn ra tại Myanmar – nhận định.  Theo ông, những cơ hội như Myanmar còn rất ít, bởi vậy các tập đoàn đa quốc gia luôn muốn là người đầu tiên đặt chân đến đây. 

Mặc dù người Myanmar vẫn chưa được phép sở hữu thẻ tín dụng, MasterCard và Visa đã bước vào cuộc đua khốc liệt nhằm thiết lập vị trí dẫn đầu tại thị trường này. Tại thời điểm hiện tại, hầu hết các giao dịch ở Myanmar đều được thực hiện bằng tiền mặt. Chỉ có một vài nhà hàng và khách sạn chấp nhận thẻ quốc tế. Cả Visa và MasterCard đều chưa có văn phòng và nhân viên ở Myanmar. Tuy nhiên, cả hai đều đang cố gắng xây dựng quan hệ với các nhà quản lý và ngân hàng đại phương. Các bước quảng bá thương hiệu cũng đang được triển khai. Ở thủ đô Naypyitaw, một tấm biển quảng cáo cho MasterCard được dựng lên, bất chấp người dân địa phương không thể sử dụng những tấm thẻ này. 

Một cuộc chiến nóng bỏng giữa Coca – Cola và Pepsi cũng đang xảy ra trên thị trường đồ uống. Tuần trước, Coca-Cola vừa thông báo sẽ đầu tư 200 triệu USD vào Myanmar trong 5 năm tới. Coca – Cola đã trở thành thương hiệu đầu tiên của Mỹ  bắt đầu sản xuất sản phẩm tại Myanmar kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ cách đây 1 năm. Buổi lễ khai trương nhà máy có sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và một số ca sĩ nhạc pop.  

Trong khi đó, mặc dù chưa có nhà máy sản xuất ở Myanmar, PepsiCo cũng đã phối hợp với đối tác địa phương để triển khai khâu phân phối sản phẩm. Indra Nooyi - CEO của PepsiCo – đã từng là đại sứ thương hiệu của Pepsi tại Myanmar. Ông cũng đóng vai trò chủ tịch của tại sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới lần này. 

Tuy nhiên, trong khi hầu hết các thương hiệu phương Tây chưa đặt chân đến Myanmar, các nhà đầu tư sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các thương hiệu nội địa cũng như một vài thương hiệu châu Á đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Hơn nữa, đây vẫn là thị trường chưa phát triển đầy đủ và do đó nảy sinh những rắc rối xung quanh các vấn đề như cơ sở hạ tầng hay hệ thống luật pháp. 

Không chỉ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Myanmar còn ẩn chứa nhiều tiềm năng ở các lĩnh vực khác. Bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới (PricewaterhouseCoopers, Deloitte, Ernst & Young và KPMG) cũng đang rục rịch chuẩn bị khai phá thị trường này. Tất cả đều đã lập văn phòng đại diện ở Myanmar, trong đó KPMG là kẻ dẫn đầu khi mở văn phòng tại Yangon từ tháng 9 năm ngoái. Hiện nay, KPMG có 15 nhân viên hoạt động ở Myanmar, trong đó có 12 người là dân bản địa. 

Hầu hết các lãnh đạo công ty đều nhận ra được rằng bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt, tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Myanmar sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người. Ví dụ, đại diện của các công ty công nghệ đến từ nước Mỹ (Google, Hewlett-Packard, Microsoft hay Cisco) đều đã gặp mặt các lãnh đạo cấp cao của Myanmar trong chuyến thăm hồi đầu năm nay. Jamie Harper, Chủ tịch phụ trách các thị trường mới ở Đông Nam Á của Microsoft, khẳng định ông ủng hộ liên minh với các công ty công nghệ khác để cùng nhau hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ ở Myanmar. 

Tương tự như vậy, các lãnh đạo của Visa và MasterCard đều nhận định cơ sở hạ tầng trong thanh toán điện tử phát triển sẽ giúp ích rất nhiều cho các hãng thẻ. “Luôn luôn có sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu lớn khi cùng nhau khai thác một thị trường mới. Tuy nhiên, cuối cùng thì chúng tôi đang hướng tới cùng một lợi ích. Càng thúc đẩy được nhiều người chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, miếng bánh chia nhau sẽ càng lớn”, Stephen Kehoe – người phụ trách bộ phận quan hệ doanh nghiệp của Visa cho biết. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên