MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2025, Kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới

07-05-2008 - 15:37 PM | Tài chính quốc tế

Vị trí đứng đầu nền kinh tế thế giới sẽ về tay Trung Quốc năm 2025. Nói cách khác, vị thế lớn của kinh tế toàn cầu đến năm 2050 thuộc về những nước mới nổi.

Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers mới đây công bố báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế các nước mới nổi năm 2050(The World in 2050). Trong đó công ty công bố dự đoán về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi, sự "chuyển ngôi" trong vị thế đứng đầu kinh tế toàn cầu, một số những khó khăn và thách thức của kinh tế các nước mới nổi, vấn đề nguồn nhân lực của các nước này.

Nhóm nước mới nổi có tên E7 bao gồm những nước sau: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Mêhyco, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonexia. Đến năm 2050, quy mô của những nền kinh tế nhóm E7 sẽ lớn hơn quy mô kinh tế nhóm G7 hiện nay khoảng từ 25 đến 75%. Trong bản nghiên cứu mới nhất này, PWC mở rộng nghiên cứu thêm 13 nước mới nổi nữa, cụ thể đó là Việt Nam, Nigeria, Philippin, Ai Cập, Bangladesh, Pakistan, Malaysia, Thái Lan, Iran, Argentina, Nam Phi, Saudi Arabia, Ba Lan.

Nhóm những nước mới nổi này sẽ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều các nước thuộc OECD(Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) trừ các nước như Mehyco, Hàn Quốc với tiềm năng phát triển nhanh. Điều sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên là Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc sẽ đứng đầu trong nhóm về tốc độ phát triển. Nguyên nhân chính như sau:

Chính sách một con hiện nay của Trung Quốc sẽ khiến dân số nước này già đi rất nhanh trong khoảng 45 năm tới. Trong khi đó, theo tính toán của Liên Hợp Quốc, độ tuổi của lực lượng lao động Ấn Độ sẽ vẫn tăng với một mức độ vừa phải.

Trình độ học thức và năng suất lao động của người Ấn Độ hiện nay nhìn chung thấp hơn Trung Quốc. Tuy nhiên nếu Ấn Độ có thể duy trì được khung thể chế chính sách phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và dần dần vượt qua những rào cản văn hóa giúp cho người phụ nữ nông thôn được học hành, Ấn Độ có thể làm được hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của mình.

Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Mỹ vào khoảng năm 2025 để trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và quy mô tăng trưởng bằng khoảng 130% quy mô kinh tế Mỹ vào năm 2050.

Năm 2050, kinh tế Ấn Độ sẽ bằng khoảng 90% quy mô của kinh tế Mỹ.

Quy mô kinh tế của những nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) không kể đến Canada và Australia sẽ thay đổi như sau:

Năm 2050, quy mô kinh tế Nhật Bản sẽ nhỏ hơn Brazil và không lớn hơn nhiều so với Nga và Mêhyco. Kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt qua kinh tế Nhật Bản lần lượt vào năm 2010 và năm 2025.

Năm 2050, kinh tế Đức, Anh và Pháp sẽ có quy mô nhỏ hơn kinh tế Nga, Mêhyco và Indonexia.

Nước Anh sẽ để mất vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn trên thế giới năm 2004. Năm 2050, Anh sẽ chỉ còn đứng ở vị trí thứ 10, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Indonexia. Tính theo phương pháp cân bằng sức mua(PPP), quy mô kinh tế của Anh năm 2050 sẽ chỉ bằng 1/10 quy mô kinh tế Trung Quốc.

Một số công ty trong nhóm các nước OECD(Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) có thể coi nhưng sự tăng trưởng của nhóm E7 như một thách thức. Tuy nhiên điều này có thể có lợi.

Về lâu về dài, sự đi lên của nhóm E7 và nhóm G7 sẽ có lợi chung và hỗ trợ nhau thay vì cạnh tranh bởi mỗi nhóm nước sẽ đi theo hướng phát triển với lợi thế cạnh tranh riêng. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi để phát triển cũng sẽ khiến nhiều nước gặp phải những khó khăn nhất định.

Những nước thuộc nhóm E7 có sức hấp dẫn lớn hơn nhiều so với nhóm G7 bởi thu nhập bình quân đầu người tại các nước này thấp hơn, vì thế sức mua đồng tiền cũng tăng lên. Tuy nhiên những nước này cũng nên chú ý nhiều hơn tới quá trình xóa đói giảm nghèo.

Mức sống thay đổi, nhu cầu hàng hóa thay đổi

Tính theo phương pháp tính ngang giá sức mua (PPP) mức sống trung bình tại Ấn Độ hay Indonexia năm 2050 không thấp hơn so với Hàn Quốc ngày nay. Tương tự như vậy, mức sống trung bình tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil năm 2050 sẽ tương đương với mức sống tại Anh, Pháp hay Đức hiện nay.

Như vậy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tại những nước này sẽ tương tự như nhu cầu hàng hóa tại các nước thuộc OECD(Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) hiện nay.

Kết luận, ba nền kinh tế chủ chốt của thế giới vào năm 2050 là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Nhóm những nền kinh tế lớn tiếp theo là Brazil và Nhật Bản. Tuy nhiên khoảng cách giữa nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai là khá lớn.

Người thắng kẻ thua trong nhóm các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế)

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới vào năm 2020. Những thành phố thuộc các thị trường mới nổi với tầng lớp trung lưu ngày một giàu lên có sức mua tăng. Những thị trường này có khả năng tiêu thụ tốt hàng hóa và dịch vụ từ các nước phương Tây.

Trong lĩnh vực tài chính, sẽ rất khó để có thể chỉ ra được công ty nào sẽ là kẻ thắng người thua. Thị trường mới nổi của nhóm các nước E7 mang đến cơ hội tốt để phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Tại Trung Quốc hay Ấn Độ, những công ty chuyên cung cấp dịch vụ tài chính sẽ phát triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng tương tự như việc các ngân hàng Nhật Bản phát triển tốt trong thời gian qua.

OECD là gì?

OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia.

Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Trang web chính thức: http://www.oecd.org/

Ngang giá sức mua (Purchasing Power Parity - PPP)

Ngang giá sức mua là lý thuyết được phát triển vào năm 1920 bởi Gustav Cassel. Đây là một phương pháp điều chỉnh tỉ giá hối đoái giữa hai tiền tệ để cân bằng sức mua của hai đồng tiền này.

Lý thuyết ngang giá sức mua chủ yếu dựa trên quy luật giá cả, và giả định rằng trong một thị trường hiệu quả, mỗi loại hàng hoá nhất định chỉ có một mức giá.

Công thức tính ngang giá sức mua một cách tương đối như sau:

S=P1/P2

Trong đó

"S" là tỉ lệ trao đổi giữa đồng tiền 1 với đồng tiền 2

"P1" là giá cả của hàng hoá X tính bằng đồng tiền 1

"P2" là giá cả của hàng hoá X tính bằng đồng tiền 2

Ngang giá sức mua thường được hiểu là ngang giá sức mua tuyệt đối để phân biệt với lý thuyết ngang giá sức mua tương đối_một lý thuyết dự đoán mối quan hệ về tỉ lệ lãi suất giữa hai quốc gia và những sự biến đổi của tỉ giá hối đoái của tiền tệ hai nước đó.

Một tỉ giá hối đoái ngang giá sức mua sẽ cân bằng sức mua của hai loại tiền tệ khác nhau tại mỗi quốc gia với một giỏ hàng hoá nhất định. Loại tỉ giá hối đoái đặc biệt này thường được sử dụng để so sánh chất lượng cuộc sống của người dân tại hai hay nhiều quốc gia khác nhau.


Khánh Nguyên
Theo PWC

ngocdiep

Trở lên trên