MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên thay GDP bằng một chỉ số khác? (P2)

27-02-2014 - 12:36 PM | Tài chính quốc tế

Những thứ như bộ máy tìm kiếm, ứng dụng, từ điển mở… thường có giá bằng 0, không có giá thị trường và do đó không được tính vào GDP nhưng lại đem lại những giá trị khổng lồ.

Hãy nhớ rằng một sản phẩm có rất nhiều loại

Năm 1998, ở Mỹ có tổng cộng 185 kênh truyền hình, 141 loại thuốc giảm đau và 87 thương hiệu nước giải khát. Năm 1970, chỉ có 5 kênh truyền hình, 5 loại thuốc giảm đau là 20 loại đồ uống. Đặc biệt hơn, trong khi năm 1998 có tới hơn 400 loại máy tính và gần 5 triệu website, chỉ cách đó vài thập kỷ, những thứ này không hề tồn tại. 

Đứng sau những so sánh gây sốc này là sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ với những cải tiến liên tiếp. Và, rõ ràng là có thể coi những cải tiến này là nhân tố chủ chốt thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, vì không phản ánh đầy đủ sự đa dạng về chủng loại của các mặt hàng, chỉ số GDP đã đánh giá thấp vai trò của sáng tạo và cải tiến. 

Khó có thể tìm thấy những số liệu kinh tế thống kê đầy đủ một sản phẩm có bao nhiêu loại trên thị trường. Những con số mà bài viết này vừa trích dẫn được lấy từ Báo cáo thường niên năm 1998 của Fed chi nhánh Dallas – một trong những nguồn số liệu hiếm hoi cho đến ngày nay. 

Điều này cũng là dễ hiểu, bởi các cơ quan chính thức không hề quan tâm đến chi tiết này. Trong các khảo sát để thu thập số liệu, họ chỉ hỏi các nhà sản xuất giày về sản lượng giày (số đôi giày được sản xuất ra) và giá cả của chúng thay vì hỏi họ sản xuất ra bao nhiêu loại. Họ gộp chung số lượng tất cả các loại: giày cao gót, giày chạy, giày đi bộ, bốt cao cổ, sandal và giày sneaker. 

Chỉ số GDP cũng thất bại trong việc tính toán phúc lợi người tiêu dùng (consumer welfare). Ví dụ, những chiếc xe tự lái không được dùng tới vẫn có thể khiến GDP tăng lên giống như các xe khác, thậm chí là nhiều hơn. Các nhà thống kê học đã tính toán chỉ số giá cả lạc quan (hedonic price index) để tính đến những lợi ích khi tài xế có thể ngồi ra ghế sau và thư giãn. Chỉ số GDP cũng không bao giờ tính đến đóng góp của xe tự lái cho sự an toàn – số vụ tai nạn giảm đáng kể. 

GDP không tính đến những giá trị mà sự tùy biến theo nhu cầu của khách hàng mang lại. Giống như các nhà kinh tế học của Fed chi nhánh Dallas năm 1998 đã viết, chúng ta sẽ không nhìn thấy tốc độ tăng trưởng hoặc sản lượng tăng lên, nhưng sự tùy biến sẽ có lợi cho nước Mỹ. Khi nhà sản xuất cố gắng đoán xem khách hàng muốn gì, các nguồn lực sẽ bị lãng phí. Khi có nhiều sản phẩm được tùy biến hơn, chúng ta không phải tốn tiền vào quần áo sẽ nằm im trong tủ vì không phù hợp. Hàng hóa không còn nằm im trên kệ.” Lời nhận định năm 1998 vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay, khi đã xuất hiện các chương trình truyền hình theo yêu cầu và quần áo thiết kế không chỉ dành riêng cho giới nhà giàu. 

Chủng loại hàng hóa chỉ là thứ đơn giản nhất thể hiện độ phức tạp của nền kinh tế, đặc biệt là khi hầu hết hàng hóa đều đi qua chuỗi cung ứng toàn cầu như ngày nay. Các bộ phận được sản xuất ở nhiều nước, chuyển đi khắp thế giới, được đóng gói ở 1 nơi và sau đó lại được phân phối ra toàn cầu. Đây là quy trình chung của tất cả các sản phẩm, từ những thứ đơn giản như một chiếc áo sơmi cho đến những thứ phức tạp như một chiếc iPhone. 

Trong khi đó, GDP không phản ánh được mức giá sụt giảm khi thuê ngoài (outsourcing). Giá nhập khẩu bị đội lên trong khi khối lượng nhập khẩu bị hạ xuống so với thực tế. Thêm vào đó, các số liệu thống kê xuất nhập khẩu không tính đến những giá trị được tạo thêm nhờ outsource. Cán cân thanh toán của Mỹ chỉ tính đến giá trị cuối cùng của chiếc iPhone khi nó được nhập khẩu về từ Trung Quốc. 

Theo Yuqing Xing - giáo sư đến từ một viện nghiên cứu ở Tokyo, phương pháp ghi nhận hoạt động thương mại truyền thống không thể phản ánh đầy đủ giá trị và tạo nên một bức tranh bị bóp méo về quan hệ thương mại song phương. 

Phản tác dụng

Năm 1987, nhà kinh tế học Robert Solow cho rằng bạn có thể nhìn thấy thời đại máy tính thông qua các số liệu về sản lượng. Số liệu thống kê chính thức cho thấy sản lượng đã tăng trưởng mạnh mẽ suốt từ giữa những năm 1990 cho tới 2001 và sau đó chậm lại. Anh chứng kiến GDP tăng trưởng quanh mốc 0% kể từ năm 2008 tới nay, nhưng thị trường lao động vẫn tăng trưởng. Như vậy, chỉ số GDP đã không phản ánh được năng suất gia tăng.

Điều này dẫn đến một vấn đề khá nghiêm trọng khi sử dụng GDP làm thước đo tăng trưởng kinh tế. Tính toán sản lượng của công nhân trong nhà máy là công việc khá dễ dàng bởi có thể đếm số xe hơi hoặc tủ lạnh, đinh ốc hoặc lò vi sóng được đưa ra thị trường từ các nhà máy. Tuy nhiên, bạn tính năng suất của các y tá, kế toán, người thiết kế vườn, nhạc sĩ, lập trình viên… như thế nào? Cách duy nhất là đếm xem họ có bao nhiêu người và phục vụ được bao nhiêu người. Tuy nhiên, cách này lại không tính đến chất lượng dịch vụ - thứ quan trọng hơn số lượng. 

Ngày nay, vấn đề đã được giải quyết khá ổn thỏa. Như chuyên gia công nghệ Kevin Kelly đã nói, bất cứ công việc nào có thể đo lường được năng suất đều là công việc mà chúng ta muốn máy móc làm thay. Nói một cách ngắn gọn, sản lượng chỉ là từ dành cho những con robot. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với ông. Paul Krugman đã viết trên New York Times rằng rất nhiều công việc đang được thay thế là công việc đòi hỏi kỹ năng cao và cũng đem lại mức thu nhập cao. Mặt trái của công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến lao động chân tay. “Tôi vẫn thường tự hỏi liệu các cải tiến có thể ảnh hưởng đến phần lớn người lao động. Câu trả lời hay gặp vẫn là không, nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong khoảng 2 thế kỷ nữa”. 

Krugman đã đúng. Trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp, các nhà máy đã ảnh hưởng tiêu cực đến những thợ thủ công lành nghề.

Những con robot của ngày nay sẽ có những ảnh hưởng tương tự như các nhà máy của thế kỷ 19. Robot là một loại thiết bị vốn mới và ban đầu giá trị của chúng sẽ chảy vào túi của những người chủ sở hữu. Tuy nhiên, sau cùng thì người lao động mới là bên được lợi. Lợi ích thuộc về những người có năng suất cao hơn. 

Hàng hóa dịch vụ vô hình

Một vấn đề nữa của chỉ số GDP là làm cách nào để tính toán giá trị của các hàng hóa và dịch vụ vô hình, những thứ như bộ máy tìm kiếm, ứng dụng, từ điển mở… Những thứ này thường có giá bằng 0, không có giá thị trường và do đó không được tính vào GDP. 

Mặc dù ngành in đĩa nhạc thu về ít doanh thu hơn, điều này không có nghĩa là có ít người nghe nhạc hơn. Chênh lệch giữa mức giá mà người tiêu dùng phải trả và giá trị họ thu được được gọi là “thặng dư của người tiêu dùng”. Và, khi hàng hóa và dịch vụ vô hình phổ biến hơn, thặng dư ngày càng tăng.

Theo ước tính của Brynjolfsson và JooHee Oh – hai giáo sư đến từ MIT, trong suốt 1 thập kỷ người dùng được sử dụng những dịch vụ trực tuyến miễn phí như Facebook, Wikipedia, Craigslist và Google, mỗi năm có khoảng 300 tỷ USD không được tính đến trong GDP. Chuyên gia kinh tế trưởng của Google cũng thừa nhận rằng dịch vụ tìm kiếm của hãng đem đến 150 tỷ USD mỗi năm cho người dùng. 

Nhà kinh tế học Michael Mandel từng lập luận rằng dữ liệu nên được thống kê là một loại hàng hóa dịch vụ. Bộ phận này có thể đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2012. 

Thu Hương

huongnt

Foreign Affairs

Trở lên trên