MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt

31-01-2015 - 11:07 AM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng trung ương Nga (BoR) ngày 30/1 khiến thị trường bất ngờ khi tuyên bố hạ lãi suất chủ chốt từ 17% xuống 15% nhằm ngăn chặn hoạt động kinh tế trong nước giảm sút mạnh.

BOR cho rằng rủi ro từ việc kinh tế tăng trưởng chậm lại hiện lớn hơn những rủi ro bắt nguồn từ sự mất giá của đồng ruble.

Song song với quyết định cắt giảm lãi suất, BoR đưa ra dự báo kinh tế Nga sẽ giảm ở mức 3,2% tính trên cơ sở hàng năm trong sáu tháng đầu năm 2015.

Ngay sau động thái hạ lãi suất của BoR, đồng ruble đã giảm xuống khoảng 80 ruble đổi 1 euro và khoảng 71 ruble đổi 1 USD.

Trước khi BoR công bố quyết định về lãi suất, phần lớn các nhà kinh tế đều dự báo BoR sẽ giữ nguyên lãi suất để kiểm soát lạm phát, bất chấp việc lãi suất ở mức cao không tránh khỏi ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư tại nước này.

Theo giới quan sát, việc Nga hạ lãi suất cho thấy việc gia tăng lãi suất thời gian qua đã không mang lại kết quả như mong đợi. Mục đích của việc tăng lãi suất là ngăn chặn đà tăng giá của đồng USD và euro đối với đồng ruble, nhưng điều này đã không thực hiện được.

Trong năm 2014, BoR đã nhiều lần tăng lãi suất cơ bản, trong đó gần đây nhất là hôm 15/12/2014, BoR đã tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5 điểm phần trăm - từ 10,5% lên 17%/năm, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với ba vấn đề "đau đầu" gồm lạm phát phi mã, đồng nội tệ phá giá mạnh và giá dầu liên tục phá đáy. Đặc biệt là mức giảm giá đồng ruble gần đây đã không còn song hành với mức giảm giá dầu mỏ thế giới.

Theo thống kê của BoR, một năm qua, Cơ quan này đã chi tổng cộng hơn 82 tỷ USD, bao gồm 76 tỷ USD và 5,4 tỷ euro (tương ứng 6,38 tỷ USD), khi ngân hàng này liên tục mua ruble trên thị trường ngoại hối.

Đồng ruble cuả Nga đã hứng chịu áp lực trong một thời gian dài do các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraine và đà sụt giảm mạnh của giá dầu thô. Trong năm 2014, đồng ruble đã sụt tới 41% so với đồng USD và 34% so với đồng euro và khoảng 150 tỷ USD đã bị rút ra khỏi Nga. Đà giảm giá nghiêm trọng của đồng ruble đã đẩy tỷ lệ lạm phát chính thức của Nga lên 11.4% vào thời điểm cuối năm ngoái.

Giờ đây, khi buộc phải hạ lãi suất xuống mức 15% để cứu vãn làn sóng phá sản của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, có lẽ Nga đã chấp nhận để đồng ruble mất giá thêm nữa.

Mới đây, hôm 28/1, Thủ tướng Nga Medvedev đã thông qua “chương trình chống khủng hoảng”, có hiệu lực trong vòng một năm, gồm 60 biện pháp cứu nền kinh tế quốc gia thoát cơn bĩ cực. Theo đó, Nga dự kiến chi ra 2,3 nghìn tỷ rúp (35 tỷ USD) để chống khủng hoảng. Tiền lấy từ ngân sách, được tích lũy từ xuất khẩu năng lượng khi giá dầu còn ở mức cao. Kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 35 tỷ USD có lẽ là giải pháp sơ cứu nền kinh tế đang bị tổn thương./.

Theo Nguyễn Chiến

PV

Chinhphu.vn

Trở lên trên