MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng cần bao nhiêu vốn (2): “Sống” chưa đủ, còn phải “làm”

29-05-2011 - 09:41 AM | Tài chính quốc tế

Liệu ngân hàng đơn giản chỉ cần đủ vốn để tồn tại trong khủng hoảng mà không mất thanh khoản hay họ nên có đủ vốn để hấp thụ thua lỗ và vẫn tiếp tục cho vay.

Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về hệ thống ngân hàng toàn cầu.

“Lớp lót phản chu kỳ kinh doanh”

“Tấm đệm vốn” còn có hai “lớp lót” nữa.

Thứ nhất là phần thặng dư mà các ngân hàng xuyên quốc gia hàng đầu phải chịu do khả năng tàn phá to lớn nếu chúng sụp đổ.

Thứ hai là “lớp lót phản chu kỳ kinh doanh” (countercyclical buffer), “lớp lót” này sẽ “dày thêm” khi kinh tế bùng nổ (khiến bong bóng chậm phồng lên hơn) và “mỏng đi” khi bong bóng vỡ. Nó sẽ đảm bảo ngân hàng có thặng dư vốn trên mức tối thiểu để ghi giảm nợ xấu. Nó sẽ không chỉ giúp ngân hàng mà còn toàn bộ nền kinh tế vì giúp ngân hàng duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy đình ngay cả khi tiếp tục cho vay.

Các quy định “phản chu kỳ kinh doanh” dần trở nên phổ biến kể từ khi NHTW Tây Ban Nha sử dụng chúng để kiềm chế cơn sốt bất động sản lan tràn tại nước này trước khủng hoảng.

Cuối cùng thử nghiệm của TBN không giúp nước này tránh được vỡ bong bóng bất động sản và khủng hoảng ngân hàng, nhưng nếu không có chúng, tình hình có lẽ còn tồi tệ hơn. Ý tưởng thì hay nhưng thực hiện lại khó, chủ yếu là vì NHTW và cơ quan giám sát ngân hàng phải đủ dũng cảm để “cất rượu đi khi bữa tiệc đến cao trào”.


Không dễ chặn kẻ “lách luật”

Thị trường tài chính cũng lắm tin đồn. Tín dụng có thể chảy xuyên biên giới hay xuất phát từ các “ngân hàng bóng” (shadow bank), khiến cố gắng dùng quy định về vốn để ngăn chặn bong bóng của NHTW càng thêm phức tạp, James Mason từ Roubini Global Economics nói.

Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Hai thập kỷ trước, Bộ Tài chính Nhật không cho ngân hàng cho vay dùng bất động sản làm tài sản thế chấp nhằm chọc thủng bong bóng tài sản, nhưng sau đó bong bóng này nổ tung và để lại hậu quả thảm khốc. Nỗ lực ấy là quá muộn để có thể thay đổi điều gì, nhưng rút cục thì nó cũng bị các công ty cho vay mua nhà “lách” vì dù sao thì các công ty này cũng chẳng phài ngân hàng.

Ở Mỹ và Châu Âu, sự tăng trưởng ấn tượng của các quỹ trên thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng bóng trong vài thập kỷ trước khủng hoảng chủ yếu phản ánh việc rủi ro được chuyển khỏi ngân hàng để tránh né các quy định về vốn (xem đồ thị 2).

Xu hướng này đảo ngược trong khủng hoảng nhưng nay lại tiếp diễn khi quỹ đầu cơ các sản phẩm có thu nhập cố định và tài sản thay thế tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với ngân hàng.

Một giải pháp là mở rộng định nghĩa về ngân hàng và ngành ngân hàng để bao gồm tất cả những tổ chức cho vay. Anil Kashyap từ ĐH Chicago nằm trong số những người cho rằng cơ quan điều tiết nên áp đặt các quy định về vốn lên thị trường repo, bộ phận ít nhận được chú ý của thị trường tài chính thế giới (cho đến khi nó đột ngột dừng hoạt động).

Quyết định ngân hàng cần bao nhiêu vốn nên là một quy trình toán học tương đối đơn giản, nhưng vẫn có bất đồng sâu sắc ngay cả về số vốn ngân hàng cần nắm giữ để tồn tại được trong cuộc khủng hoảng trước chứ chưa nói đến cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Vài tháng gần đây bất đồng lại càng sâu sắc hơn sau khi hai nghiên cứu giàu sức thuyết phục được công bố, một của David Miles từ NHTW Anh và một của một nhóm các nhà kinh tế bao gồm Anat Admati và các cộng sự của bà tại ĐH Stanford và Martin Hellwig từ Việ Max Planck tại Bonn.

Họ cho rằng ngân hàng cần số vốn cổ phần lớn gấp 2-3 lần so với đề xuất hiện nay vì thiệt hại khổng lồ mà xã hội phải gánh chịu nếu chúng sụp đổ. Hơn nữa, họ cho rằng làm vậy không gây nhiều tác dụng phụ như người ta tưởng.

“Sống sót” thôi chưa đủ, còn phải “làm việc” được

Tranh luận còn xoay quanh việc liệu ngân hàng đơn giản chỉ cần đủ vốn để tồn tại trong khủng hoảng mà không mất thanh khoản hay họ nên có đủ vốn để hấp thụ thua lỗ và vẫn tiếp tục cho vay.

Nếu nhắm tới mục tiêu trên thì số vốn hiện nay có lẽ là ổn. Trong khủng hoảng, ngân hàng Mỹ hấp thu số lỗ tương đương 7% tài sản. Vì không phải hấp thu ngay một lúc và một số bộ phận của ngân hàng vẫn cho lợi nhuận nên đặt tỷ lệ an toàn vốn ở mức 7% là vừa. Tuy vậy, theo nghiên cứu của Kashyap, nếu mục tiêu là đảm bảo ngân hàng không chỉ sống sót mà còn đủ sức tiếp tục cho vay, thì tỷ lệ an toàn vốn phải được tăng lên khoảng 15%.

Vài thập kỷ qua cơ quan điều tiết có xu hướng yêu cầu số vốn quá thấp. Nay họ đã nhận ra sai lầm. Nhưng phần lớn các cơ quan điều tiết và NHTW vẫn không sẵn sàng yêu cầu ngân hàng giữ tỷ lệ vốn trên 10%.

Trừ Thụy Sỹ, nước đang đề xuất các yêu cầu về vốn cao nhất trong các nước giàu, và Anh, nước đang cân nhắc mức vốn cổ phần tối thiểu 10%, dường như sẽ không có nước phát triển nào yêu cầu “tấm đệm vốn” phải lên tới 15-20% tài sản.

Nguyên nhân là vì vốn khá “đắt”. Tiêu chuẩn về vốn tăng làm giảm lợi nhuận cổ đông và hạn chế đà tăng trưởng của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Ấn Độ và Indonesia (vốn có tăng trưởng tín dụng 20-25%/năm).

Ông Aditya Puri, Giám đốc điều hành HDFC, một trong những ngân hàng tư nhân tăng trưởng nhanh nhất Ấn Độ, cho rằng vì ngân hàng ông làm ăn quá có lãi nên chỉ cần sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại chứ không cần tăng quá nhiều vốn. ICICI, ngân hàng lớn thứ hai Ấn Độ, cũng vậy. Dù vậy, State Bank of India, ngân hàng lớn nhất và thuộc quyền kiểm soát của chính phủ, có lẽ sẽ phải hỏi ý kiến cổ đông để huy động thêm vốn.

Tăng yêu cầu về vốn ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng?

Ít ai không cho rằng tăng yêu cầu về vốn sẽ làm giảm tăng trưởng, nhưng giảm đến đâu lại gây nhiều tranh cãi.

FED New York tính toán rằng cứ tăng tỷ lệ an toàn vốn thêm 1%, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại 0,09%/năm. Ủy ban Basel và NH Thanh toán quốc tế cho rằng tác hại chỉ bằng một phần ba và sau một thời gian nó sẽ biến mất. OECD đưa ra kết quả nằm trong khoảng rộng tới mức chấp nhận được cả hai. Và Viện Tài chính Quốc tế, một tổ chức của các ngân hàng, cho rằng tác động lớn hơn cả chục lần.

Dù vậy vẫn chưa rõ điều đó có ý nghĩa gì mấy không. OECD cho rằng vì tác động tới tăng trưởng chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng, NHTW có thể bù đắp lại bằng cách nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ.

Cũng không nên nhìn nhận chi phí một cách độc lập. Ngân hàng có thể mua bảo hiểm giúp họ hoàn toàn tránh hoặc giảm nhẹ được thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Minh Tuấn

ngocdiep

Economist, DĐDN

Trở lên trên