MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng hồi giáo: Một mô hình độc

08-08-2012 - 13:48 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi một loạt ngân hàng Mỹ phải đóng cửa thì không một ngân hàng Hồi giáo nào sụp đổ hoặc cần chính phủ tái cấp vốn.

Cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra từ năm 2008 khiến nhiều ngân hàng quốc tế lao đao, trừ các ngân hàng hồi giáo. Thậm chí trong khi một loạt các ngân hàng ở Mỹ phải đóng cửa thì không một ngân hàng Hồi giáo nào sụp đổ hoặc chính phủ phải tái cấp vốn. Vì vậy các ngân hàng này đang nhận được nhiều sự ngưỡng mộ và quan tâm của thế giới. 

Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các ngân hàng này vẫn là một điều gì đó khá mới mẻ đối với thế giới bên ngoài.

Ngân hàng không có lãi suất

Theo tín ngưỡng Hồi giáo, có 4 nguyên tắc mà các ngân hàng phải tuân thủ: không được phép có lãi suất trong giao dịch; chia sẻ rủi ro; hoạt động dựa trên tài sản thực và hợp đồng được thỏa thuận rõ ràng.

Đối với vấn đề cho vay lấy lãi, kinh thánh Coran có đoạn: “Allah cho phép trao đổi mua bán nhưng cấm cho vay lấy lãi”.

Do đó, các ngân hàng sẽ không kiếm lợi nhuận trực tiếp từ lãi suất mà thực hiện gián tiếp thông qua việc mua bán hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, nếu bạn muốn vay tiền mua xe hơi thì sau khi ký hợp đồng, ngân hàng sẽ mua chiếc xe đó rồi bán cho bạn với giá cao hơn. Chênh lệch giữa 2 mức giá mua-bán đó chính là lợi nhuận mà ngân hàng thu được và điều đó là được phép trong đạo Hồi.

Hiện tại, trong quá trình hòa nhập với cộng đồng quốc tế, các ngân hàng Hồi giáo cũng được phép có lợi nhuận từ việc thu phí các hoạt động như chuyển khoản, thẻ tín dụng, môi giới.

Các dịch vụ thanh toán quốc tế của họ cũng đã đạt các chuẩn quốc tế như thanh toán bằng tín dụng thư. “So với các ngân hàng khác thì giao dịch với các ngân hàng Hồi giáo cũng không có rủi ro khác biệt”, ông Lê Phúc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP.HCM, cho biết.

Chia sẻ công bằng giữa rủi ro - lợi nhuận giữa người dân và giới ngân hàng cũng là một đặc điểm hữu ích giúp các định chế này sống sót trong thời kỳ khủng hoảng. Trong giai đoạn khó khăn, ngân hàng sẵn sàng cho vay không lợi nhuận để giúp doanh nghiệp vượt khó. Đối với người gửi tiền, khi đã gửi tiền, họ được đối xử giống như cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi của ngân hàng và do đó sẵn sàng chia sẻ rủi ro-lợi nhuận với doanh nghiệp mình đang sở hữu.

Điều đó có nghĩa, họ sẽ chấp nhận có lợi nhuận thấp hơn nếu ngân hàng gặp khó trong thời kỳ khủng hoảng và hưởng lãi cao hơn nếu ngân hàng hoạt động tốt. Việc san sẻ rủi ro-lợi nhuận này cũng giúp các ngân hàng Hồi giáo ít nhiều tránh được nguy cơ mất thanh khoản như các đồng nghiệp.

Các ngân hàng Hồi giáo cũng rất cẩn trọng. Ví dụ, họ rất coi trọng công tác thẩm định dự án, không tài trợ cho các doanh nghiệp mà tỉ lệ nợ/tổng tài sản hơn 30%, khuyến khích các dự án đầu tư vào y tế và các tiện ích. 

Đồng thời, các ngân hàng Hồi giáo không được phép đầu tư vào các sản phẩm phái sinh phức tạp như hợp đồng hoán đổi nợ xấu, quyền chọn... vốn rất phổ biến ở phương Tây (và được xem là thủ phạm chính gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008). Do đó, rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng Hồi giáo được đánh giá là thấp hơn so với các ngân hàng thông thường.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn

Tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng Hồi giáo gần đây diễn ra rất nhanh. Tổng tài sản của khu vực này từ năm 2008 đến nay đã tăng hơn gấp đôi, lên mức 1.100 tỉ USD (theo Financial Times). Hiện tại với dân số Hồi giáo hơn 1 tỉ người, cùng với đó là nhu cầu sử dụng các công cụ tài chính tuân theo giáo lý đạo Hồi khiến cho tiềm năng phát triển của khu vực này được xem là khá lớn.

Hiện tại, tốc độ phát triển của khu vực tài chính Hồi giáo được dự báo khoảng 15-20%/năm và sức hút từ khu vực này khiến các ngân hàng lớn trên thế giới đã tìm cách xâm nhập thị trường này. 

Một số ngân hàng bước đầu đã gặt hái thành công như HSBC của Anh, Citibank của Mỹ. Ngân hàng HSBC Amanah (ngân hàng chuyên phục vụ người Hồi giáo của HSBC) ước tính sẽ tăng tưởng 60% doanh thu trong các năm tới. Tuy nhiên cũng có nhiều ngân hàng phải cuốn gói khỏi khu vực này như Deutsche Bank hay Credit Agricole do không thể cạnh tranh.

Một lý do khiến các ngân hàng toàn cầu thất bại tại đây cũng đến từ các điều luật ép buộc các ngân hàng phải hoạt động theo giáo lý đạo Hồi. 

Ví dụ, Qatar là quốc gia buộc các ngân hàng phải chấp nhận chọn 1 trong 2 hình thức hoạt động: hoặc tuân thủ triệt để giáo lý đạo Hồi, hoặc hoạt động như một ngân hàng bình thường. Quy chế này đã khiến rất nhiều ngân hàng quyết định rời bỏ quốc gia này. Chỉ có ngân hàng HSBC Amanah vốn đề ra tiêu chí tuân thủ triệt để tinh thần của đạo Hồi mới có thể thành công tại đây.

Với mô hình hoạt động khá độc và không dễ bị lấn sân, ngân hàng Hồi giáo đang được xem là một sự bổ sung cho các mô hình ngân hàng phương Tây, đặc biệt sau khi thế giới đã phát chán với hậu quả mà họ gây ra.

“Có thể chúng ta sẽ không nghi ngờ gì về việc giới tài chính Hồi giáo sẽ có một tương lai tươi sáng. Một hệ thống tài chính vốn dựa trên các giá trị đạo đức hơn là sự tham lam và nỗi sợ hãi sẽ giúp họ có một vị thế cao hơn nữa trên toàn cầu”, Giáo sư Rodney Wilson thuộc Đại học Durham, nhận định. 

Theo Nhịp cầu đầu tư

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên