MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nào tại Nhật đang “khát” nhân lực?

24-11-2015 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Những ngành chăm sóc sức khỏe, xây dựng, và vận tải đang trong tình trạng quá khan hiếm người làm.

Tháng 9/2015, báo Ashahi đưa tin Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông báo chính phủ đặt mục tiêu nâng GDP Nhật lên mức 600 nghìn tỷ yên vào năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn các chủ doanh nghiệp Nhật phản đối mục tiêu này và khẳng định chính phủ Nhật đã quá “hão huyền” bởi để làm được việc đó, kinh tế Nhật cần tăng trưởng mỗi năm ít nhất 3%, thành tích mà suốt ¼ thế kỷ đã trôi qua Nhật vẫn chưa có lại được bất kể đã cố gắng rất nhiều.

Đó là chưa kể đến việc Nhật cần đến một gói kích cầu quy mô khoảng 110 nghìn tỷ yên và bổ sung thêm vài triệu lao động vào nền kinh tế. Đầu tháng này, một nhóm chuyên gia kinh tế và học giả đã đề xuất đảng cầm quyền nâng lương tối thiểu cho người lao động thêm 18 yên/giờ với lý do khi lương cao hơn sẽ thu hút thêm nhiều người làm.

Trên thực tế, một câu chuyện tương tự từng xảy ra tại Seattle, Mỹ mới chỉ năm ngoái. Khi một số công ty nâng lương tối thiểu lên 15USD/giờ, lập tức thất nghiệp trong vùng hạ xuống. Điều này khác hẳn với lý thuyết của nhiều chuyên gia kinh tế rằng khi lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với thất nghiệp tăng.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, Nhật không thể tăng được GDP nếu không cải thiện chất lượng của lực lượng lao động. Dù số lượng vị trí cần tuyển luôn cao hơn số lượng người tìm việc làm, nhưng thực tế đang tồn tại một sự không tương xứng giữa vị trí còn trống và nhân sự cần việc. Hay nói một cách khác, những người chưa có việc làm không có đủ kỹ năng cần thiết để làm công việc mà nước Nhật đang cần.

Cũng tháng 9/2015, báo Toyo Keizai đưa tin hiện nay tại Nhật lĩnh vực xây dựng và an sinh xã hội vô cùng thiếu nhân lực. Trong khi đó, từ năm 1990 cho đến trước năm 2011, nhu cầu đối với nhân lực ngành xây dựng và hạ tầng đang giảm bởi số dự án ngày một ít hơn, dẫn đến số người được đào tạo trong ngành này giảm theo.

Năm 2011, nước Nhật đối diện với thảm họa động đất, sóng thần. Hàng loạt công trình, đường sá, trường học bị phá hủy. Thời điểm đó, ước tính nước Nhật cần đến nửa triệu lao động ngành xây dựng trong khi đến hơn 20% người lao động ngành xây dựng đã ngoài 60 tuổi. Và trong 1 thập kỷ nữa, ước tính Nhật thiếu đến 1 triệu lao động ngành xây dựng trừ khi có thêm công nhân nhập cư được tuyển dụng.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, một báo cáo của Bộ Lao động Nhật cho thấy từ nay đến năm 2025, nhóm ngành chăm sóc sức khỏe sẽ cần thêm ít nhất 2,53 triệu lao động. Hiện tại ngành vốn đã đang đối mặt với vấn đề công việc quá vất vả trong khi mức lương quá thấp. Số lượng người bỏ nghề rất cao.

Ngành vận chuyển cũng đang thiếu nhân lực trầm trọng. Ngay ở thời điểm hiện tại, Nhật đang thiếu đến hơn 100 nghìn người vận chuyển hàng hóa. Ngành thiếu nhân lực đến nỗi nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe phải kiêm luôn cả nghề vận chuyển hàng.

Thị trường việc làm Nhật hiện nay còn đang đối diện với một vấn đề khác: Nhiều người lao động có tay nghề rời bỏ công việc vì nhiều lý do cá nhân. Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Lao động Nhật, hiện có khoảng 10 triệu vị trí công việc không có người làm ở Nhật. Rất nhiều trong số đó là các y tá xin nghỉ việc để sinh con và sau đó không quay lại làm việc. Ngoài ra là những người xin nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ già, thường họ thôi việc khi đã ngoài 40 tuổi, chính vì thế sau đó khả năng quay lại thị trường việc làm khá thấp.

Hiện nay, quan điểm về tuyển dụng của giới doanh nghiệp và chính phủ Nhật cũng có nhiều bất đồng. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy với cùng một mục tiêu là bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lao động, 76% doanh nghiệp Nhật muốn tuyển lao động nước ngoài. Trong khi đó chính phủ vẫn rất cương quyết phản đối việc nới lỏng chính sách nhập cư để có thêm người lao động.

Như vậy, khi chính phủ quyết tâm phản đối như vậy thì họ cần phải có nhiều biện pháp thu hút lao động người Nhật làm việc. Đó là lý do mới đây Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công bố chương trình hỗ trợ cho cha mẹ của người lao động giúp họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, chính phủ Nhật cũng cần phải khuyến khích các công ty tuyển dụng lao động tuổi trung niên và người già về hưu.

Nhiều chuyên gia trên thị trường lao động cũng cho rằng chính phủ Nhật cần có thêm các chính sách để lôi kéo phụ nữ đi làm ngay cả sau khi họ lập gia đình và sinh con. Chắc chắn rằng phần lớn lao động nữ sẽ chỉ làm việc bán thời gian và cố gắng hạn chế thu nhập dưới 1,03 triệu yên/năm để không phải đóng thuế.

Theo số liệu từ Mitsubishi UFJ Research Institute, hiện có khoảng 3,24 triệu phụ nữ Nhật đang kiếm việc làm toàn thời gian và cũng con số tương đương đang tìm việc làm bán thời gian. Tận dụng tốt được lực lượng lao động này là yếu tố quan trọng để giúp cho nước Nhật cân bằng được thị trường lao động và phát triển kinh tế.

 

Theo Ngọc Thúy

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên