MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý từ một quỹ đầu tư vào Nga

05-07-2015 - 22:35 PM | Tài chính quốc tế

Báo "The Indipendent" mới đây cho rằng các quỹ tập trung vào một lĩnh vực hay một quốc gia duy nhất dễ phải hứng chịu những thay đổi bất thường trên thị trường họ đầu tư.

Điều này là hiển nhiên song thường bị lãng quên. Thời gian lý tưởng để đầu tư vào các quỹ này thường là sau thời gian thị trường tương ứng suy giảm. Hãy xem lĩnh vực công nghệ sinh học. Lĩnh vực này trong nhiều năm đầu tư không có lợi song rút cục vài năm trước nó cũng có bước ngoặt và kể từ đó luôn được chú ý.

Mới đây, Nga được xem là một trong những địa điểm không nên đầu tư nhất. Song không có gì ngạc nhiên khi quỹ đầu tư Neptune Russia & Greater Russia, do Robin Geffen quản lý vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường đầy biến động này và trong năm nay đã đạt lợi nhuận tới 17%.

Các nhà đầu tư có thể được tha thứ vì đã không chọn Nga làm điểm đầu tư do đất nước này đã phải đối mặt với một đồng tiền đổ vỡ, giá dầu lao dốc, suy thoái kinh tế, xung đột tiếp tục diễn ra ở Ukraine và bị quốc tế trừng phạt. Đã nảy sinh lo ngại rằng đồng ruble suy yếu có thể khơi mào cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2014. Đến cuối năm 2014, lãi suất chủ chốt được Ngân hàng TƯ Nga đẩy lên mức 17% nhằm chống lạm phát tăng cao.

Ông Geffen và James Dowey, kinh tế gia trưởng tại Neptune, cho rằng Ngân hàng TƯ Nga thực sự đã xử lý tăng lãi suất rất tốt. Nay họ dự đoán lái suất sẽ tích cực bị cắt giảm trong suốt thời gian còn lại của năm nay, có thể tới 5%. Quan điểm của họ cũng trái ngược với các số liệu đồng thuận, theo đó Nga sẽ không tăng trưởng GDP trong năm 2016, và tăng trưởng GDP 1% năm 2017. Neptune dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga là 2% trong năm tới, và lên đến 3% năm 2017.

Ông Dowey cũng cho rằng giá dầu giảm không bất lợi cho các doanh nghiệp Nga như nhiều người dự tính. Khi giá dầu giảm, đồng ruble mất giá giúp bù đắp sự suy giảm lợi nhuận của các công ty ở mức độ nào đó. Chi phí của doanh nghiệp dầu khí trong môi trường đồng nội tệ suy yếu được bù đắp bằng khoản thu từ người mua nước ngoài sở hữu các đồng tiền mạnh. Như vậy, rất nhiều doanh nghiệp có thể duy trì lợi nhuận. Có lẽ số phận của Nga không hoàn toàn dựa trên giá dầu tăng.

Trong khi đó, ông Geffen cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không leo thang, vì cả 2 bên đều có lợi khi giải quyết nó dù ông thừa nhận không có cơ hội Nga trả lại Crimea.

Trong nhiều năm gần đây, quỹ Neptune Russia & Greater Russia hoạt động không hiệu quả. Theo ông Geffen, điều này là do quĩ không tập trung vào các yếu tố cơ bản (triển vọng của các công ty cụ thể), mà chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề chính trị và kinh tế. Ông có xu hướng mua các công ty với tầm nhìn từ 3-5 năm, và khi các chỉ số cơ bản tự tái khẳng định, ông cho rằng quỹ có thể phục hồi mạnh mẽ.

Theo quan điểm của ông Geffen, thị trường chứng khoán Nga có giá trị rất tốt dựa trên hầu hết các chỉ số. Các điều kiện chao đảo cùng với việc giá trị bị đánh giá cực thấp thường tạo ra cơ hội trên thị trường.

Theo Duy Trinh

Tin Tức

Trở lên trên