MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Đức trầm lặng trên đất Mỹ

16-02-2015 - 09:14 AM | Tài chính quốc tế

Người gốc Đức ở Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên lịch sử khiến họ trở nên trầm lặng và có xu hướng dấu đi gốc gác của mình.

Nội dung nổi bật:

- Người Mỹ gốc Đức là nhóm thiểu số lớn nhất ở nước Mỹ (nếu bạn chia nhóm Hispanics thành người Mỹ gốc Mexico, Mỹ gốc Cuba…). Tuy nhiên, họ không nổi tiếng như những nhóm khác dù vượt trội về số lượng.

- Các công ty được thành lập bởi người Mỹ gốc Đức cũng tự xem nhẹ xuất thân của họ. Đó là Pfizer, Boeing, Steinway, Levi Strauss hay Heinz.

-  Thu nhập trung bình của các hộ gia đình gốc Đức đạt 61.500 USD – cao hơn 18% so với mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ có bằng đại học cũng cao hơn người Mỹ đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp hơn. 97% chỉ nói tiếng Anh khi ở nhà.


Tọa lạc trên một con sườn núi tuyết phủ trắng xóa nhìn xuống song Sheboygan, Waelderhaus là một ngôi nhà có kiến trúc giống với kiểu nhà gỗ của người Áo. Biệt thự nhỏ này được xây dựng bởi gia đình Kohler từ những năm 1920 và được coi là nơi tưởng nhớ quê hương của tổ tiên - John Michael Kohler – người đã di cư đến Mỹ năm 1854, khi ông mới 10 tuổi.

John Michael chuyển đến Sheboygan, kết hôn với con gái của một người Đức nhập cư khác và sau đó thừa kế xưởng đúc của bố vợ. Ông biến xưởng đúc lưỡi cày ngày đó thành nhà sản xuất thiết bị vệ sinh và bồn tắm lớn nhất nước Mỹ. Herbert Kohler, cháu trai của người sáng lập, hiện là ông chủ và có công việc làm ăn phát đạt đến mức có thể thoải mái theo đuổi niềm đam mê đối với golf. Tập đoàn Kohler là chủ sở hữu của Whistling Straits, sân golf sẽ đăng cai cúp Ryder năm 2020.

Người Mỹ gốc Đức là nhóm thiểu số lớn nhất ở nước Mỹ (nếu bạn chia nhóm Hispanics thành người Mỹ gốc Mexico, Mỹ gốc Cuba…). Theo số liệu của cơ quan thống kê, năm 2013, có 46 triệu người Mỹ thừa nhận họ có gốc Đức – nhiều hơn so với các nhóm gốc Ireland (33 triệu) hay Anh (25 triệu). Ở miền Bắc nước Mỹ, nhóm này cũng có số lượng vượt trội. 41% người Wisconsin có gốc Đức.

Mặc dù vượt trội về số lượng, họ không nổi tiếng như những nhóm khác. Ai cũng biết chính trị gia Michael Dukakis là người Mỹ gốc Hy Lạp, dòng họ Kennedy đến từ Ireland và Mario Cuomo có gốc Italy. Ít ai chú ý rằng Chủ tịch Hạ viện John Boehner và Rand Paul (thượng nghị sĩ đến từ Kentucky) là người gốc Đức.

Các công ty được thành lập bởi người Mỹ gốc Đức cũng tự xem nhẹ xuất thân của họ. Đó là Pfizer, Boeing, Steinway, Levi Strauss hay Heinz. Đâu đó trên website của các công ty này chỉ có những dòng vắn tắt như “Steinway & Sons được thành lập năm 1853 bởi Henry Engelhard Steinway – một người nhập cư gốc Đức – trên phố Varick. Những công ty nhấn mạnh gốc Đức như Kohler là trường hợp hiếm hoi.

Những người di cư từ Đức sang Mỹ ưa chuộng và thích nghi với văn hóa Mỹ rất nhanh, giống như hương vị quế trong một chiếc bánh Apfelkuchen. Họ nhập khẩu cây thông giáng sinh và những quả trứng dùng trong lễ phục sinh. Đổi lại, họ mang đến cho nước Mỹ bánh quy cây, các loại xúc xích và món dưa bắp cải. Họ xây những nhà thờ theo thuyết Luti ở bất cứ nơi nào họ đặt chân tới. Người Đức ở Wisconsin đã tạo nên nhà trẻ đầu tiên của nước Mỹ hay thành lập câu lạc bộ thể hình ở Milwaukee, Cincinnati và nhiều thành phố khác.

Sau khi cách mạng không thành công ở Đức năm 1848, những người Đức “vỡ mộng” tẩu thoát sang Mỹ và truyền bá những tư tưởng tiến bộ. “Chủ nghĩa Đức, chủ nghĩa xã hội và bia đã tạo nên sự khác biệt cho Milwaukee”, nhà sử học John Gurda nhận định. Milwaukee là thành phố lớn duy nhất ở Mỹ có thị trưởng theo phái chủ nghĩa xã hội trong nhiều thập kỷ. Hai trong số đó – Emil Seidel và Frank Zeidler – là người gốc Đức. Giống như ở nhiều nước khác có nhiều người Đức định cư, ngành đồ uống ở đây nằm trong tay người Đức. Những “ông trùm” bia như Jacob Best, Joseph Schlitz, Frederick Pabst và Frederick Miller đã biến Milwaukee thành phố nổi tiếng về bia nhất thế giới.

Rüdiger Lentz, giám đốc Viện nghiên cứu Aspen, đưa ra nhận xét người gốc Đức khác biệt hoàn toàn so với các nước châu Âu khác. Nhiều người nhập cư gốc Italy và Ba Lan thuộc tầng lớp trung lưu và nhanh chóng đi theo con đường chính trị. Trong khi đó, người Đức nhập cư thường là những nông dân nghèo khổ.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất, ở nhiều vùng của nước Mỹ xuất hiện phong trào chống Đức. Thậm chí một số người Đức bị đánh khi họ xuất hiện trên phố. Các trường học cũng bị cấm dạy tiếng Đức. Những cuốn sách viết bằng tiếng Đức bị đốt cháy, đồng thời những người gốc Đức buộc phải mua trái phiếu chiến tranh để chứng tỏ lòng yêu nước. Chiến tranh kết thúc, nhiều người gốc Đức ngừng nói tiếng mẹ đẻ và thay tên đổi họ.

Đến chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào chống Đức lắng xuống mặc dù khoảng 10.000 người gốc Đức bị bắt giữ. Tuy nhiên, nạn tàn sát người Do Thái khiến người Mỹ gốc Đức có một lý do khác để giấu đi gốc gác của họ.

Ngày nay, nhóm này có được thành công trong thầm lặng. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình gốc Đức đạt 61.500 USD – cao hơn 18% so với mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ có bằng đại học cũng cao hơn người Mỹ đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp hơn. 97% chỉ nói tiếng Anh khi ở nhà.

Người Đức đã đồng hóa và tích lũy của cải mà không cần bất cứ trợ giúp chính trị nào như hầu hết các nhóm thiểu số khác. Nhóm vận động hành lang chỉ có khoảng 100 thành viên vận động cho các chính sách thương mại và đầu tư cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa chung.

5 năm trước, một bảo tàng nhỏ bé ra đời ở Washington, DC. Giám đốc bảo tàng nhận định chưa bao giờ người gốc Đức phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Điệu kèn sôi động của lễ hội bia đã vang lên trên khắp nước Mỹ. Không chỉ có bia, họ cũng mặc quần áo truyền thống và bán những sản phẩm mang đậm văn hóa Đức.

Ngày 9/2 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Chủ đề lớn nhất sẽ là cuộc chiến ở Ukraine, thương mại xuyên Đại Tây Dương, nền kinh tế hụt hơi của Eurozone và hội nghị G7 sắp diễn ra ở Bavaria. Không giống như những người gốc Ấn đặc biệt chú ý đến sự kiện tân Thủ tướng của họ tới thăm Mỹ, chuyến thăm của bà Merkel sẽ không phải là chủ đề quan tâm của những người gốc Đức.

Thu Hương

Thu Hương

Economist

Trở lên trên