MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người giàu tại Mỹ là ai?

21-01-2012 - 07:47 AM | Tài chính quốc tế

Người giàu tại Mỹ làm việc nhiều trong lĩnh vực tài chính, họ kết hôn với nhau và quan tâm nhiều đến chính trị.

Mitt Romney không phải triệu phú đầu tiên ra tranh cử Tổng thống Mỹ, ông cũng chẳng phải người giàu nhất trong số người đã làm việc này. Trước đây, ông Ross Perot cũng đã dành hàng tỷ USD kiếm được từ dữ liệu máy tính để chạy đua trên chính trường Mỹ trong những năm từ 1992 đến 1996. Từ đó đến nay, rất nhiều người mà tài sản gia đình họ có được từ dầu mỏ, thể thao, in ấn, luật, đồ uống đã tung tiền để tham gia vào chính trị.

Thế nhưng ông Romney, người kiếm được hơn 200 triệu USD từ các vụ mua bán doanh nghiệp là ứng viên Tổng thống đầu tiên từ thế giới tài chính. Ông là minh chứng điển hình cho thay đổi của giới giàu Mỹ. Nhóm 1% người giàu nhất Mỹ không chỉ dành được nhiều hơn của người khác mà còn xuất thân khá nhiều từ giới tài chính.

Thu nhập trung bình của hộ gia đình thuộc nhóm 1% này đạt 1,2 triệu USD vào năm 2008. Số liệu từ Fed cho thấy tính theo giá trị tài sản ròng chứ không phải thu nhập, để lọt được vào nhóm 1% giàu nhất, cần có tối thiểu 6,9 triệu USD vào năm 2009, thấp hơn 23% so với năm 2007.

1% người giàu nhất kiếm được hơn một nửa thu nhập từ lương thưởng, 25% từ hoạt động kinh doanh riêng và số còn lại đến từ lợi suất, cổ tức, thu nhập từ cho thuê tài sản. Phân tích về thuế từ giáo sư Jon Bakija thuộc đại học Williams College và 2 giáo sư khác cho thấy khoảng 16% trong nhóm 1% giàu nhất làm việc trong ngành y; 8% làm việc trong ngành luật.

Đáng chú ý, nếu người làm việc trong ngành tài chính chỉ chiếm chưa đầy 8% trong nhóm 1% giàu có nhất vào năm 1979, đến năm 2003, con số đã lên mức 13,9%.

Giáo sư Steve Kaplan thuộc đại học University of Chicago cho rằng tình hình của ngành tài chính giúp giải thích khá nhiều cho việc bất ổn tăng cao. Ông Kaplan nhấn mạnh rằng tỷ lệ thu nhập vào túi 1% người giàu nhất lên mức cao nhất trong 80 năm là 23,5% vào năm 2007 và đến năm 2009 xuống mức 17,6% khi thị trường tài chính thế giới xuống dốc. Nếu chỉ tính với 0,1% người siêu giàu, xu thế này còn rõ ràng hơn, tỷ lệ thu nhập vào nhóm 0,1% đạt 12,3% vào năm 2007 nhưng rơi xuống 8,1% vào năm 2009.

Giáo sư Kaplan và Joshua Rauh thuộc đại học Northwestern University chỉ ra chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư, luật sư doanh nghiệp, chuyên gia quản lý quỹ đầu tư và chứng khoán đã thay thế giới điều hành doanh nghiệp trong vị trí người có thu nhập cao nhất. Năm 2009, 25 nhà quản lý quỹ đầu cơ kiếm được hơn 25 tỷ USD, cao gấp gần 6 lần so với tất cả giám đốc điều hành công ty trong S&P 500 cộng lại.

Dù nhóm 1% ngày một giành được nhiều tài sản tại phần lớn các nước, báo cáo gần đây của OECD cho thấy xu thế bắt đầu sớm hơn và đã lan rộng hơn nữa. Tỷ lệ bất bình đẳng tại nhóm nước nói tiếng Anh tăng cao hơn, giá trị xã hội và chính trị đóng vai trò không nhỏ. Vai trò của lĩnh vực tài chính tại các nước nói tiếng Anh cũng tác động không nhỏ, trong nhóm 1% người giàu, tỷ lệ người làm việc trong ngành tài chính tại Anh nhiều hơn tại Mỹ.

Nhóm 1% người giàu nhất tại Mỹ không thay đổi nhiều về cấu trúc, khoảng ¾ hộ giàu có nhất trong năm này sẽ vẫn như vậy trong năm tiếp theo. Dù tỷ lệ qua thời gian có thể thay đổi nhưng phần đông người thuộc nhóm 1% giàu hiện nay sẽ vẫn trong nhóm 10% giàu của 1 thập kỷ sau đó. Cha mẹ giàu đẻ ra con cái giàu. Ngoài ra, trình độ học vấn cao và nền tảng gia đình ổn định giúp giữ gìn được tài sản. Khoảng 72% trong số con cái nhóm 1% nhà giàu có bằng đại học và hơn nửa có bằng sau đại học, con số cao gấp 2 đến 3 lần so với nhóm 99% còn lại.

Người giàu thường kết hôn với người giàu. Giáo sư Bakija và nhiều giáo sư cùng làm nghiên cứu với ông tìm hiểu được rằng trong thời gian từ năm 1979 đến năm 2005, tỷ lệ hôn thê của nhóm 1% xuất thân từ tầng lớp bình dân giảm nhẹ, từ 7,9% xuống 6,4%. Tỷ lệ hôn thê làm việc trong ngành tài chính, bất động sản và luật tăng từ 3,5% lên 8,8%.

Xét về mặt chính trị, Gallup tìm hiểu được rằng nhóm 1% người giàu nhất thường ủng hộ Đảng Cộng hòa nhiều hơn so với Đảng Dân chủ. Kết quả cuộc khảo sát với 104 gia đình giàu có tại khu vực Chicago cho thấy vấn đề thâm hụt ngân sách đang khiến họ lo lắng nhất, sau đó đến thất nghiệp trong khi đối với phần đông dân cư, điều ngược lại mới đúng. Ông Keith Whitaker, người đại diện ngân hàng Wells Fargo tư vấn cho gia đình giàu có, cho biết nhiều trong số này đồng cảm với phong trào “Chiếm phố Wall”.

Bob Perkowitz là hiện thân của những yếu tố khác biệt. Doanh nhân giàu có Bob Perkowitz dành khá nhiều thời gian cho tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Bao lâu nay ông luôn phản đối việc giảm thuế cho người giàu và ủng hộ cho Tổng thống Barack Obama vào năm 2008. Ông đồng cảm với người thuộc phong trào “Chiếm phố Wall” ở điểm các tập đoàn hiện đang có quá nhiều quyền lực.

Gần như tất cả người giàu đều quan tâm đến chính trị. Khoảng 68% đóng góp cho các cuộc vận động tranh cử, gần nửa có mối liên hệ với thành viên Quốc hội Mỹ và khoảng 20% đóng góp đều đặn cho ứng viên Tổng thống. Nhìn chung họ đóng góp với mục đích giúp công việc kinh doanh thuận lợi hơn.

Ngọc Diệp

ngocdiep

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên