MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Mỹ đã thay đổi thói quen tiêu dùng?

17-07-2012 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Số liệu công bố ngày 16/7 của chính phủ Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 6 tiếp tục suy giảm làm gia tăng lo ngại về khả năng đánh mất đà hồi phục yếu ớt vừa tạo dựng thời gian qua.

Cụ thể, doanh số bán lẻ tại một số lĩnh vực then chốt chiếm khoảng 2/3 khối lượng của toàn bộ nền kinh tế đã giảm sút trong tháng qua, bao gồm: ôtô giảm 0,4%, motor và xe phân khối lớn giảm 0,6%, điện tử và đồ gia dụng giảm 0,8%, vật liệu xây dựng giảm 1,6%, xăng dầu giảm 1,8%, các lĩnh vực quan trọng khác giảm trung bình 0,1%.

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp con số này giảm sút và là hiện tượng chưa từng xảy ra kể từ sau khủng hoảng kinh tế 2008. Như vậy, kể từ tháng 6/2009 – thời điểm được coi là xấu nhất của giai đoạn khủng hoảng tài chính qua đi cho đến nay, kinh tế Mỹ vẫn đang loay hoay tìm kiếm lối thoát khỏi vũng lầy trì trệ. Nhiều lần mọi thứ đã tưởng như hồi sinh nhưng bản thân nội tại kinh tế nước này vẫn còn những vấn đề chưa tìm ra lời giải. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ngoan cố đứng trên ngưỡng 8% đã kéo dài 41 tháng liên tiếp chính là điểm mấu chốt khiến doanh số bán lẻ tại nền kinh tế số 1 thế giới chưa thể bứt phá.

Một cuộc điều tra khảo sát những doanh nghiệp bán lẻ trên diện rộng vừa qua tại Mỹ cho thấy chỉ có 39% số doanh nghiệp được hỏi nhận thấy doanh số đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng của lạm phát, giảm gần một nửa so với 60% số doanh nghiệp khẳng định điều đó cách đây 3 tháng.

Người Mỹ có thói quen mua sắm trước khi có tiền. Thậm chí đã có lúc số nợ trung bình của các hộ gia đình Mỹ bằng 133% tổng thu nhập của họ - tỷ lệ cao nhất thế giới, tức là họ sẵn sàng chi tiêu vượt quá cả khả năng trang trải. Nếu bỏ qua yếu tố rủi ro thì điều này là vô cùng cần thiết cho một quá trình chấn hưng kinh tế sau suy thoái, thông qua kích thích tiêu dùng lành mạnh.

Nhưng rõ ràng là, để biến thói quen này trở thành một công cụ hỗ trợ kích thích kinh tế thì điều các chính sách cần hướng tới là khơi thông yếu tố việc làm, bởi chỉ có việc làm mới khiến người dân củng cố niềm tin để nâng cao tiêu dùng. Trong tháng 6, các công ty chỉ tạo mới 80.000 việc làm, giảm 20% so với ước tính của các nhà phân tích nhưng có một tiến bộ nhỏ so với mức 77.000 trong tháng 5 và 68.000 trong tháng 4. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này là chưa đủ để tạo ra một thay đổi đáng kể.

Cục dự trữ liên bang FED hơn ai hết hiểu rõ điều đó và đang tìm mọi cách để vực dậy thị trường việc làm tại Mỹ. Hiện các nhà phân tích kinh tế và đầu tư đều đang chờ đợi những động thái mới của FED trong tuần này nhằm cụ thể hóa những kế hoạch trên giấy, gần nhất có thể là một chương trình mua lại trái phiếu chính phủ nhằm tăng lượng cung tiền.

Số liệu báo cáo doanh số bán lẻ yếu ớt một lần nữa tạo thêm sức ép cho các chính sách mà chính phủ của tổng thống Obama đang theo đuổi để chấn hưng nền kinh tế Mỹ. Chắc chắn đây là sẽ là một công cụ mà đối thủ trong cuộc chạy đua chiếc ghế tổng thống với ông Obama - Mitt Romney - ứng cử viên Đảng cộng hòa sử dụng để phản biện và bác bỏ quan điểm của đương kim tổng thống.

Hồng Liên

hangnt

Economist, Bloomberg

Trở lên trên