MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Nhật cải thiện tầm vóc như thế nào?

28-03-2016 - 11:07 AM | Tài chính quốc tế

Từ năm 1969 đến 1985, số lượng các công trình thể thao công cộng ở Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần, bình quân 2000 người/nhà thể chất, 70% người trưởng thành tham gia hoạt động thể thao ít nhất mỗi tuần một lần.

Nhật Bản, việc cấp dưỡng trong trường học được xem là một phần quan trọng trong công tác giáo dục. Năm 1946, trong điều kiện vật chất thiếu thốn nghiêm trọng, để bảo đảm dinh dưỡng cho thiếu niên nhi đồng, Chính phủ Nhật Bản đã khích lệ các trường học thực hiện cung cấp bữa trưa cho học sinh, trong đó thực phẩm cho học sinh bắt buộc phải phù hợp tiêu chuẩn dinh dưỡng của Chính phủ đưa ra và được các chuyên gia về dinh dưỡng chế biến.

Năm 1954, Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật Cấp dưỡng trong trường học, quy định việc đầu tư kinh phí và tiêu chuẩn thực hiện cấp dưỡng trong trường học. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản, năm 1975 tỉ lệ thực hiện cấp dưỡng trong trường tiểu học đạt 93%, đến năm 2012 đã đạt 99,2%.

Tiêu chuẩn dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh được thay đổi nhiều lần, với thực đơn ngày càng phong phú, trong đó mỗi ngày một cốc sữa luôn là yêu bắt buộc do Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản đưa ra. Sữa bò được Chính phủ Nhật Bản xem là thực phẩm bổ sung canxi hoàn hảo nhất. Năm 1954, Nhật Bản đưa ra “Luật Phát triển ngành chế biến sữa”, nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm sữa trong nước.

Năm 1964, Bộ Giáo dục và Khoa học và Bộ Nông lâm Nhật Bản đã phối hợp xây dựng Sách lược cung cấp sữa trong trường học, tăng cường cung cấp sữa cho học sinh. Theo yêu cầu, các trường tiểu học và trung học mỗi năm cần cung cấp sữa trong 195 ngày, trong đó học sinh tiểu học mỗi ngày 200 ml sữa, học sinh trung học mỗi ngày 300 ml.

Năm 1952, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Cải thiện chất lượng dinh dưỡng và việc điều tra tình trạng dinh dưỡng quốc dân được tiến hành mỗi năm một lần.

Từ năm 1950 đến năm 1985, lượng hấp thụ canxi trong một ngày của người dân Nhật Bản tăng từ 270 mg lên 553 mg, lượng hấp thụ protein động vật tăng từ 17 g lên 40 g, lượng tiêu thụ sữa tăng từ 11,7 g lên 116,7 g. Hiệu quả của việc cải hiện dinh dưỡng được thể hiện rõ rệt qua sự thay đổi về chiều cao của người Nhật.

Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1985, chiều cao học sinh Nhật Bản đã có bước nhảy vọt, chiều cao trung bình của học sinh nam và nữ 12 tuổi lần lượt tăng 14 cm và 13,6 cm. Đến năm 1985, chiều cao trung bình của nam, nữ sinh 17 tuổi đã đạt 170,2 cm và 157,6 cm.

Từ thời kì Minh Trị, Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm đến việc rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường thể chất cho thanh thiếu niên. Sau chiến tranh thế giới thứ II, ngoài việc tăng thời lượng môn thể dục, đưa ra mục tiêu “rèn luyện suốt đời”, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống hoạt động thể dục ngoại khóa thanh thiếu niên với 3 hình thức chính là các câu lạc bộ thể thao trong trường học, các đoàn thể thao thiếu niên và câu lạc bộ thể thao của địa phương.


Phát sữa chua trong bữa ăn cho học sinh.

Phát sữa chua trong bữa ăn cho học sinh.

Năm 1990, tỉ lệ xây dựng sân vận động, nhà thể chất và bể bơi trong cơ sở hạ tầng thể dục thể thao các trường học đạt 96,2%, 97,6% và 72%. Theo điều tra năm 2013 của Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản, tỉ lệ nam nữ thanh thiếu niên tham gia các câu lạc bộ thể thao là 84,9% và 59,9%, ngoài thời gian các môn thể dục ở trường, tỉ lệ học sinh trung học tập luyện thể thao trên một giờ mỗi ngày là 80,5% với nam và 55,6% với nữ.

Năm 1961, Nhật Bản ra Luật Phát triển thể dục thể thao, nhằm hướng đến Olympic Tokyo, nhưng phải đến sau Olympic Tokyo 1964 người Nhật mới có nhận thức sâu sắc về sự “thua kém về năng lực thể chất giữa người Nhật và trình độ của thế giới”.

Tháng 12/1964, nội các Nhật Bản ban hành Sách lược tăng cường thể lực và sức khỏe quốc dân, quyết định phát động phong trào tăng cường thể lực quốc dân, chú trọng đẩy mạnh phổ cập thể dục thể thao trong cộng đồng, tiêu biểu là việc đẩy mạnh xây dựng các công trình thể thao công cộng. Từ năm 1969 đến 1985, số lượng các công trình thể thao công cộng ở Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần, bình quân 2000 người/nhà thể chất, 70% người trưởng thành tham gia hoạt động thể thao ít nhất mỗi tuần một lần.

Theo Tuấn Dũng (tổng hợp)

Báo Chính Phủ

Trở lên trên