MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân gì khiến Anh bị tụt hậu so với các nước G7?

25-04-2012 - 18:04 PM | Tài chính quốc tế

Hôm nay (25/4), Tổng cục thống kê Anh công bố tỷ lệ tăng trưởng GDP quý I giảm 0,2% sau khi giảm 0,3% trong quý trước trong khi giới phân tích dự báo nước này sẽ tăng trưởng 0,1%.

Hầu hết các nhà kinh tế đều hi vọng nền kinh tế 2,4 nghìn tỷ USD của Anh sẽ có được sự tăng trưởng khiêm tốn vào đầu năm 2012, nhưng họ đã thất vọng bởi sản lượng xây dựng sụt giảm mạnh nhất 3 năm cùng với khu vực dịch vụ tăng trưởng yếu ớt và sản lượng công nghiệp sụt giảm.

Kinh tế Anh đã suy giảm 7,1% trong giai đoạn 2008 – 2009 và sự phục hồi là rất chậm chạp do phải đối mặt với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ eurozone, cắt giảm chi tiêu chính phủ, tỷ lệ lạm phát cao và khu vực ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Số liệu được công bố hôm nay cho thấy sản lượng giảm 4,3% so với mức đỉnh của quý I/2008, đồng thời nền kinh tế cũng chỉ tăng trưởng 0,4% kể từ khi chính phủ mới lên lãnh đạo đất nước vào quý II/2010.

Sản lượng khu vực dịch vụ - khu vực đóng góp hơn 3/4 GDP - chỉ tăng 0,1% trong quý I sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó. Sản lượng công nghiệp cũng giảm 0,4% trong khi sản lượng xây dựng giảm 3% - mức suy giảm mạnh nhất từ quý I/2009.

Như vậy, kể từ khi suy thoái bắt đầu, GDP của nước Anh luôn luôn đứng sau các nước còn lại trong khối G7, ngoại trừ Italia.

Hơn nữa, diễn biến tỷ lệ thất nghiệp ở Anh cũng xấu hơn nhiều so với các nước còn lại.


Vậy, nguyên nhân là gì? Có thể đưa ra một vài câu trả lời cho câu hỏi này. Một số chuyên gia kinh tế tin rằng nước Anh đã mở cửa quá nhiều đối với khu vực tài chính trong suốt thời kỳ bong bóng, đồng thời thị trường tài chính sụp đổ cũng tạo nên cú sốc mạnh cho nền kinh tế. Một số khác lại cho rằng nguyên nhân khiến sản lượng của nước Anh sụt giảm, đặc biệt là trong những quý gần đây chính là các chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Cả hai lập luận trên đều có một vài điểm có lý. Một nguyên nhân khác nữa có thể là sự thay đổi quá mạnh mẽ trong chính sách tài khóa và tiền tệ đã không thể trợ giúp cho tăng trưởng sản lượng trong những năm gần đây mặc dù những chính sách này vẫn có tác dụng trong dài hạn.

Bảng bên cạnh được thực hiện bởi Bruce Kasman đến từ J.P. Morgan cho thấy rất rõ ràng sự khác biệt trong chính sách tiền tệ và chính sách ngoại hối của Anh so với các nền kinh tế lớn khác trong thời kỳ từ năm 2007 trở lại đây. Sự điều chỉnh trong lãi suất, tỷ giá hối đoái mậu dịch (TWI) và tài sản của ngân hàng trung ương ở Anh đều mạnh mẽ hơn nhiều so với các nước còn lại, trong đó có cả Mỹ.

Ngược lại, quan điểm ủng hộ các hoạt động kinh tế ở Anh đã giảm đi rất nhiều so với các nước khác trong suốt thời kỳ suy thoái. Mặc dù chính sách tài khóa của Anh đã được nới lỏng trong thời kỳ 2008 – 2009, nước này lại thắt chặt tài khóa trong giai đoạn 2010 – 2011. Trong suốt 4 năm qua, tỷ lệ điều chỉnh tài khóa (được đo bằng sự thay đổi trong cân bằng ngân sách ban đầu điều chỉnh theo ảnh hưởng của diễn biến nền kinh tế) của Anh là 1,1% GDP. Tỷ lệ này gần bằng với tỷ lệ 1,4% của khu vực đồng euro nhưng thấp hơn rất nhiều so với con số 4,3% GDP của Mỹ hoặc 4,9% GDP của Nhật. 

Nước Anh cũng đã cố gắng hỗ trợ nền kinh tế thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái và ít sử dụng chính sách tài khóa hơn so với nước Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như chính sách của nước Mỹ đã tỏ ra có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ GDP. Đồng bảng Anh giảm giá khiến tỷ lệ lạm phát ở Anh tăng cao từ đó làm suy giảm tiêu dùng nhiều hơn là thúc đẩy xuất khẩu. 

Thu Hương

huongnt

CNBC, FT

Trở lên trên