MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà sáng lập Uniqlo: “Nếu sống chết vì lợi nhuận, bạn sẽ thất bại”

05-10-2015 - 14:07 PM | Tài chính quốc tế

Với khởi đầu từ một cửa hàng nhỏ của gia đình ở miền quê của Nhật, Tadashi Yanai đã vươn lên đứng đầu ngành bán lẻ toàn cầu nhờ triết lý cung cấp sản phẩm hoàn hảo và không làm tất cả vì lợi nhuận.

Ngày 6/8/2015, độc giả của New York Times (NYT) rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên họ nhận được thư ngỏ từ một doanh nhân Nhật. Bài báo được đăng kín 2 trang của New York Times.

Doanh nhân giàu nhất nước Nhật Tadashi Yanai viết: “Những người tiêu dùng Mỹ yêu quý, nước Mỹ là một đất nước tuyệt vời. Nó mang đến cơ hội cho nhiều người. Tôi đã tin vào điều đó khi tôi mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật cách đây 31 năm. Tôi đã có tham vọng sẽ mang ý tưởng của mình đến nước Mỹ và thật hạnh phúc khi nay tôi đã làm được điều đó.”

Thực tế, đó không phải lần đầu tiên doanh nhân Tadashi Yanai thể hiện tham vọng chinh phục nước Mỹ. Từ tháng 8/2012, trong cuộc gặp gỡ của ông với phóng viên WSJ tại văn phòng của mình tại Tokyo, ông đã tuyên bố: “Người Mỹ cho rằng cotton là tốt nhất, tôi sẽ phát minh ra loại vải tốt hơn thế, nó sẽ thay đổi cách tiêu dùng và mặc quần áo của cả nước Mỹ.”

Vậy Tadashi Yanai đã phát minh ra cái gì? Ông sản xuất ra loại vải heat tech (giữ nhiệt) giúp giữ ấm nhiệt độ cơ thể cực tốt. Và gần đây ông đã tung ra dòng sản phẩm siêu nhẹ mà theo ông, nó nhẹ đến nỗi người ta còn không biết người ta đang mặc nó trên người.

Khi phóng viên hỏi ông liệu ông có mặc sản phẩm do ông sản xuất ra trong cuộc sống thường ngày, lập tức ông cởi cúc áo sơ mi để cho thấy ông đang mặc sản phẩm đồ lót nam của Uniqlo.

Ông có đủ lý do để tự hào về “đế chế” kinh doanh quần áo lớn nhất châu Á mà mình đã tạo ra. Với mục tiêu doanh thu 50 tỷ USD vào năm 2020, Uniqlo sẽ vượt xa tất cả các đối thủ khác như H&M, Gap hay Inditex (công ty sở hữu thương hiệu Zara). Tính toán của Forbes năm 2015 cho thấy, ông Tadashi là người giàu nhất nước Nhật với tổng tài sản 24 tỷ USD. Ông đồng thời được coi là 1 trong 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Tập đoàn Uniqlo của ông không chỉ thành công với sản phẩm quần áo sáng tạo công nghệ Nhật mà họ còn rất nổi tiếng về cách điều hành. Quản lý cửa hàng của Uniqlo tốt đến nỗi hàng tháng công ty phải tổ chức các khóa học quản lý cửa hàng cho các quản lý ngành bán lẻ khắp nơi trên thế giới.

Quản lý cấp cao của một tập đoàn may mặc châu Âu đã phải thốt lên: “Uniqlo quá thành công. Họ biết trân quý tất cả mọi khách hàng. Họ đối xử với khách hàng ít tiền tử tế gấp 3 lần so với sự đối xử mà người đó nhận được từ các hãng bán lẻ khác.”

Uniqlo đang xâm chiếm thị trường Mỹ với tốc độ khủng khiếp. Mỗi năm hãng mở thêm từ 20 đến 30 cửa hàng mới tại gần như tất cả các thành phố lớn. Chính tại quê hương của thương hiệu Gap, Uniqlo đang đặt mục tiêu “đánh bật” Gap để có thể cung cấp được sản phẩm may mặc cho mọi người dân Mỹ.

Nói về tính cách của người sáng lập ra thương hiệu Uniqlo, ông Naoki Takizawa, giám đốc phụ trách sáng tạo của Uniqlo, nhận xét: “Tôi thường nghĩ đến từng đối tượng khách hàng nhất định, dáng người, mức thu nhập, phong cách ăn mặc của họ để thiết kế sản phẩm. Thế nhưng Yanai bảo tôi rằng hãy dẹp lối suy nghĩ đó đi, hãy nghĩ đến iPhone của Apple, sản phẩm của anh phải hoàn hảo đến không thể tuyệt vời hơn được nữa. Và nó sẽ phục vụ cho tất cả mọi đối tượng khách hàng. Chính vì vậy slogan của Uniqlo luôn là 'Dành cho mọi người'.”

Triết lý kinh doanh “Không làm tất cả vì tiền”
Triết lý kinh doanh “Không làm tất cả vì tiền”

“Đế chế” Uniqlo hiện nay có 836 cửa hàng tại Nhật, 416 cửa hàng tại Trung Quốc, 39 cửa hàng tại Mỹ và 27 cửa hàng tại châu Âu. Trung bình cứ mỗi tuần có một cửa hàng của Uniqlo được mở tại một địa điểm nào đó trên thế giới. Thế nhưng khởi đầu của đế chế lại chỉ từ một cửa hiệu gia đình nhỏ 2 tầng tại tỉnh Yamaguchi của Nhật. Cửa hàng chủ yếu bán đồ cho những người làm tại một khu mỏ trong vùng.

Ký ức của những ngày tuổi thơ chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí ông, ông kể lại: “Ngày đó, Nhật vẫn là một nước bị chiếm đóng, rất nghèo và lạc hậu. Bố mẹ tôi mở cửa hàng quần áo ở tầng 1 và chúng tôi sống trên tầng 2 của ngôi nhà. Cà phê và socola khi đó là món hàng xa xỉ và khiến nhiều người Nhật thèm muốn.”

Công việc kinh doanh cũng chẳng thể được duy trì mãi mãi. Một ngày nọ, khu mỏ đóng cửa, sinh kế của cả thị trấn mất đi, cuộc sống vì thế cũng lao đao theo. Chàng thanh niên Tadashi Yanai nhận ra rằng không có ngành nghề nào kinh doanh thuận lợi mãi mãi, rồi sẽ có những ngành phải đóng cửa. Chứng kiến những đứa trẻ trong thành phố cứ lần lượt ra đi cùng với bố mẹ, Yanai cũng có nhiều suy nghĩ.

Bố của Yanai muốn anh tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình bởi anh là con trai duy nhất, nhưng Yanai luôn muốn đi ra khỏi thị trấn để tìm hiểu về thế giới bên ngoài, sau đó mới quyết định sẽ làm gì với đời mình. Yanai muốn được làm việc cho những tập đoàn lớn của Nhật.

Chàng thanh niên Yanai khăn gói lên thủ đô, theo học chuyên ngành kinh tế và chính trị tại đại học Waseda danh tiếng của Nhật. Ở thủ đô, Yanai tiếp nhận và cảm thụ nhiều hơn về văn hóa Mỹ, anh nghe nhạc jazz, chơi pachinko.

Cuối thập niên 1960, các cuộc biểu tình tại Nhật liên tiếp nổ ra. Người Nhật phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam và sự quy phục của chính phủ Nhật với Mỹ khi đó. Việc học tại trường đại học bị tạm ngưng đến 18 tháng. Không chịu nằm yên chờ đợi trong mệt mỏi, Yanai lên đường đi du lịch nước ngoài, điểm dừng chân cuối cùng là Anh. Khi đến Anh, Yanai rất sốc vì anh không thể hiểu được người ta đang nói thứ tiếng Anh gì. Nỗ lực học ngoại ngữ nhờ thế lên cao hơn nữa.

Sau khi tốt nghiệp năm 1971, Yanai làm việc cho tập đoàn Aeon trong 9 tháng và sau đó trở lại với cửa hàng ở quê hương của cha mình. Từ trước cả khi lên thủ đô học, chàng thanh niên Yanai đã có quan điểm kinh doanh rất khác với cha. Sau này khi đã học và làm việc cho Aeon, anh càng chắc chắn rằng mình đã đúng. Anh cho rằng cha anh đã đặt nặng quá nhiều vào việc kiếm tiền khi kinh doanh. Cha Yanai thường nói với anh: “Làm kinh doanh mà không chú trọng đến kiếm tiền chẳng khác nào người không có đầu.” Đối với anh, đó là một cách nhìn thiển cận, lạc hậu và nó hạn chế sự phát triển của con người.

Trở lại quê hương và bắt đầu phụ giúp gia đình quản lý công việc kinh doanh, Yanai bắt đầu có tâm lý so sánh với công việc trước đó tại Aeon. Dù không làm ở đó lâu, nhưng Yanai đã thu lượm được rất nhiều kinh nghiệm quản lý và điều hành. Chàng thanh niên trẻ đã nhanh chóng nhìn ra những sai lầm trong kinh doanh dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả, thua lỗ. Anh đã quyết định nói chuyện thẳng thắn với cha mình, ông ngồi yên nghe anh và sau đó ông đã giao lại toàn bộ công việc kinh doanh cho Yanai quản lý. Cha Yanai nói: “Từ hôm nay, tất cả là của con.”

Kể từ giây phút đó, niềm đam mê kinh doanh bùng cháy trong Yanai, anh lao vào học hỏi “như điên”. Anh đọc ngấu nghiến sách khởi nghiệp của người sáng lập tập đoàn Panasonic, tập đoàn Honda. Anh cũng mua thêm cả sách dạy kinh doanh của người phương Tây dù khi đó sách này còn rất hiếm và đắt. Anh đặt ra mục tiêu mỗi tháng phải hoàn thành được bao nhiêu quyển sách và rồi ghi chép lại tất cả những điều hay mà anh đã học được.

Sau nhiều tháng, Yanai đã bắt đầu cảm nhận được mình muốn làm gì với công việc kinh doanh của gia đình. Anh khẳng định rằng chỉ có thể tồn tại được trên thị trường nếu kinh doanh sản phẩm quần áo giá rẻ dành cho đại chúng. Khi đó, thị trường vẫn luôn quan niệm rằng “của rẻ là của ôi”, nhưng Yanai quyết tâm thay đổi điều này. Và Yanai đã thành công.

 

 

 

 

Theo Ngọc Thúy

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên