MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhà trí thức” mang tên George Soros

27-12-2012 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Cái ông giỏi nhất là hiểu được mình phải làm gì trong cái thế giới mà ông cho rằng không thể nào hiểu nổi.

George Soros coi Isaiah Berlin là người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tư duy của ông, vì thế hãy nhìn người đàn ông này qua lăng kính của một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Berlin: “Con nhím và Con cáo” (Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Con cáo biết nhiều thứ, Con nhím chỉ biết một thứ quan trọng nhất”-ND).

Với công chúng, Soros là một con cáo thiên tài. Nhà quản lý quỹ đầu cơ George Soros thành công là nhờ khả năng chơi vô số canh bạc chỉ trong một ngày. Lúc làm từ thiện, chất “cáo” của Soros ẩn trong chiếc ô “Xã hội mở” và số tiền rải ra để “làm cách mạng” ở hàng chục quốc gia.

Nhưng về mặt tri thức, Soros lại là một con nhím “chỉ biết một thứ quan trọng nhất”. Hơn nửa thế kỷ nay, ông đã chiêm nghiệm, gọt dũa và truyền bá nhiều phiên bản của tư tưởng lớn này. Phiên bản mới nhất của ông là “tầm quan trọng của tri thức không hoàn hảo như là một động cơ hoặc một yếu tố quyết định lịch sử."

Tư tưởng lớn

Trong nhiều năm qua, dù cho sức mạnh tài chính và công việc từ thiện của ông có được công chúng ngưỡng mộ, cứ mỗi lần ông diễn đạt thành văn cái “tư tưởng lớn” của mình là lại vấp phải chỉ trích. Nhưng với chính Soros, “tư tưởng lớn” này liên hệ chặt chẽ với hào quang của ông trước công chúng. Ông tin rằng chính nền tảng tri thức đã giúp ông thành công trên mọi lĩnh vực.

Và mừng cho ông, sau chừng ấy thời gian phấn đấu để được công chúng coi là một “trí thức”, sóng gió hiện nay với kinh tế thế giới cuối cùng cũng khiến chúng ta phải tiếp thu tư tưởng của Soros.

"Tình thế hiện nay là cơ hội để người ta hiểu” tri thức không hoàn hảo sẽ gây ra hậu quả xấu như thế nào. “Chúng ta đã có 25 năm thịnh vượng thi thoảng có bị ngắt quảng bởi khủng hoảng tài chính. Cứ mỗi lần như thế, chính phủ lại can thiệp bằng cách đẩy mạnh tín dụng và cho vay, cho đến khi mọi thứ trở nên không bền vững. Thế là vụ đổ vỡ năm 2008 xảy đến, hệ thống tài chính thực sự đã sụp đổ và phải “thở bằng máy”

Soros coi chu kỳ bùng nổ-suy thoái ấy là ví dụ thực tế cho lý thuyết của mình: “Tất cả là vì một niềm tin mù quáng rằng thị trường tài chính có xu hướng quay về mức cân bằng."

Đương nhiên, “tư tưởng lớn” của Soros cũng có chút mâu thuẫn: Bản thân ông cũng tin tưởng tuyệt đối và đầy nhiệt thành rằng hiểu biết của chúng ta về thế giới là không đầy đủ. Ông chắc chắn vào việc không thể chắc chắn về điều gì!

Ngoài đời thực, Soros điều chỉnh tư tưởng của mình bằng cách không ngại ngần áp dụng lý thuyết “tri thức không hào hảo” cho chính bản thân mình. Các bạn làm ăn nói thiên tài đầu tư của ông không phải là năng lực tiên tri lúc nào cũng đúng. Đó là khả năng biết khi nào mình sai rồi cắt lỗ, và biết khi nào mình đúng rồi xuống tiền gấp đôi.

Soros đặc biệt ưa thích tìm ra lỗi sai của chính mình. “Năm 1997, tôi nghĩ chủ nghĩa tư bản toàn cầu là không bền vững,” ông nhớ lại. “Nhưng nó vẫn chạy tốt thêm được 11 năm!"

Soros cho rằng mình quen với những biến động chính là nhờ “tuổi thơ dữ dội” khi Phát xít Đức xâm lược Hungary năm ông 13 tuổi. Gia đình Soros sống sót và cậu bé George học được cách đối phó với những thay đổi mang tính cách mạng. “Tôi được cha dạy cho đấy, ông cũng từng là tù binh chiến tranh ở Nga thời Thế chiến thứ nhất. Gia đình tôi có cả một lịch sử nhiễu loạn. Điều đó cho tôi lợi thế khi giải quyết những tình huống chẳng liên quan gì tới cái sự “cân bằng” mà họ vẫn tụng niệm."

Nền tảng của thành công

Hàng thập kỷ nay Soros vẫn bảo vệ tư tưởng của mình trước công chúng. Nhưng “tư tưởng của tôi bị mọi người quay lưng, họ coi đó chỉ là những lời khoa trương của một kẻ đầu cơ tốt số.” Khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, người ta trân trọng Soros hơn với tư cách một nhà tư tưởng.

Đương nhiên, Soros không tự giam mình trong thế giới trừu tượng triết học. Có lẽ ông đã nổi tiếng là người có quan điểm chính trị tự do, và ông thích nhất là dấn thân vào các cuộc tranh luận về chính sách công trên toàn thế giới, đặc biệt là khi ông cho rằng ý niệm về tri thức không hoàn hảo của mình có thể áp dụng được hoặc các giá trị của một xã hội mở đang lâm nguy.

Gần đây ông bị chủ đề liên minh Châu Âu cuốn hút và người ta vẫn hay trích dẫn câu nói của ông, nước Đức “hoặc nên lãnh đạo [Châu Âu], hoặc cuốn gói [khỏi liên minh Châu Âu]”. Đó là cách ông tóm tắt ý kiến của mình rằng hoặc Đức phải gánh lấy trách niệm lãnh đạo EU bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nước yếu hơn và duy trì mức lạm phát cần thiết cho nền kinh tế, hoặc nước này “cuốn gói” khỏi eurozone và để các nước còn lại thực hiện những điều trên. Cho đến nay, nước Đức vẫn chưa có động tĩnh gì, nhưng tư tưởng của Soros đã thu hút được sự chú ý của cả công chúng lẫn giới tinh hoa Châu Âu.

Ngay sau đó, giới truyền thông lại săn đón Soros sau những nhận xét của ông về Trung Quốc. Cả người Trung Quốc lẫn cộng đồng đầu tư toàn cầu đều đồng ý rằng thách thức lớn nhất cả về kinh tế lẫn chính trị của đất nước này là chuyển từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Nhưng Soros cho rằng bước chuyển này sẽ gian nan hơn so với dự kiến.

"Trung Quốc đã hưởng lợi quá nhiều từ toàn cầu hóa và họ đã phát huy hết khả năng của mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư,” ông nói.

"Tiêu dùng mới chiếm có 1/3 GDP và đang tiệm cận tới giới hạn của sự bền vững”, ông nói. “Vì thế họ phải thay đổi. Sẽ là hạ cánh cứng đấy. Để tăng tiêu dùng, phải tăng thu nhập hộ gia đình. Nhưng kinh tế tăng trưởng chậm lại nên thấp nghiệp tăng và mọi người đều lo ngại, thế là họ còn tiết kiệm nhiều hơn. Vì thế cả ba khu vực đều yếu đi: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng."

Một trong những năng lực nổi trội nhất của Soros là nhanh chóng nhận ra ai sẽ hưởng lợi từ kịch bản này. Đó là lối tư duy rất đắc dụng với ông chủ một quỹ đầu cơ.

Soros phân tích tình hình tại Trung Quốc như sau: "Mánh duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định tuyệt vời nhất là định giá thấp đồng tiền, làm thế là tương đương với áp thuế lên người lao động Trung Quốc. Nhưng người ta không cảm thấy mình đang bị đánh thuế. Vì kinh tế tăng trưởng quá nhanh, nên dù người lao động có không được hưởng mấy thành quả, họ vẫn cứ hài lòng."

Khi ấy, kẻ thắng cuộc là tầng lớp trên vì họ giàu lên rất nhanh khi kinh tế cất cánh. Tuy vậy, nếu kinh tế giảm tốc là động lực này mất ngay, “người ta sẽ không còn chấp nhận cái thực tế đó nữa." Soros cho rằng kết quả tất yếu sẽ là xung đột và khủng hoảng.

Với Soros, công trình mà ông trân trọng nhất trong đời mình không phải là gia sản mà ông đã tích góp, cũng không phải sự ủng hộ nhiệt thành đối với xã hội mở, mà chính là đã nảy ra “tư tưởng ớn” kể trên.

"Cố gắng hiểu được phải làm gì khi sinh ra trong một thế giới là ta không tài nào đoán định được,“ ông nói, “là thứ khiến tôi thích thú mà cũng bận tâm nhất."

Minh Tuấn

tuannm

Foreign Policy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên