MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ "hất cẳng" đồng đô la Mỹ trong các Startup ở Trung Quốc

02-10-2015 - 11:30 AM | Tài chính quốc tế

Số lượng Startup ở Trung Quốc vẫn đang bùng nổ, thu hút nguồn vốn khổng lồ đổ vào thị trường. Nhưng điều khác biệt ở đây là các Startup Trung Quốc bây giờ muốn nhận tiền đầu tư bằng đồng Nhân dân tệ, thay vì USD.

Số lượng StartupTrung Quốc vẫn đang bùng nổ, số tiền đầu tư được rót ngày càng nhiều với tốc độ chóng mặt dù xuất hiện nhiều lo lắng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang giảm tốc và tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường chứng khoán.

Nhưng có một điều đang thay đổi – các Startup Trung Quốc không còn muốn đồng đô la Mỹ nữa.

Trước đó trong tuần, nhà đầu tư Rui Ma đã chia sẻ với Tech in Asia: “Hôm nay tôi đã đến X-lab và họ nói với tôi khá nhiều rằng họ chỉ có một vài công ty mà họ biết được thiết lập để gọi vốn bằng đồng USD. Cụ thể, có khoảng 5 công ty như vậy trong số 600 dự án trong danh mục”.

X-lab là chương trình đào tạo chuyên sâu về kinh doanh của Đại học Thanh Hoa, cái nôi cho ra đời hàng chục ý tưởng khởi nghiệp được nhận vốn đầu tư.

Trên khắp Trung Quốc, các Startup đang tìm kiếm nguồn vốn bằng đồng nhân dân tệ - RMB, từ các nhà đầu tư trong nước và một vài công ty đầu tư mạo hiểm - VC toàn cầu. Xu hướng này dần thay thế mô hình gây quỹ bằng USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài đã thống trị hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ 21.

Theo bà Rui - đối tác đầu tư mạo hiểm lớn nhất Trung Quốc của quỹ 500 Startups, xu hướng ưa chuộng vốn đầu tư bằng nhân dân tệ là điều “khá rõ ràng”. Bà Rui liệt kê hai lý do chính đằng sau nó.

Thứ nhất, các dự án khởi nghiệp của Trung Quốc được “định giá cao hơn hoặc nhận được nhiều vốn hơn” bằng đồng nhân dân tệ so với USD. Thứ hai, những dự án khởi nghiệp sẽ có cơ cấu pháp lý đơn giản hơn vì không bắt buộc phải thành lập một hệ thống cổ phần đặc biệt theo quy định của pháp luật, được gọi là VIE, để hợp thức hóa việc chuyển USD từ nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế.

Rui Ma
Rui Ma

Thêm nữa, bà Rui cho rằng: “Đang tồn tại niềm tin thị trường vốn bằng đồng nhân dân tệ sẽ giúp ích nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp non trẻ với rủi ro thua lỗ lớn, hoặc các Startup công nghệ đạt được thanh khoản linh hoạt hơn, đồng thời, các dự án được định giá cao hơn.”

Vì vậy khi một Startup Trung Quốc nói “Rót tiền cho tôi” với nhà đầu tư mạo hiểm, họ muốn nhìn thấy tờ giấy bạc với gương mặt của Mao Trạch Đông chứ không phải Benjamin Franklin.

Am hiểu địa phương

Một yếu tố khác trong việc chuyển đổi này là để tránh các nhà đầu tư hiểu lầm.

“Đối với những công ty chú trọng thị trường Trung Quốc, các quỹ nhân dân tệ hợp lý hơn. Các nhà đầu tư chú ý đến họ ở trong nước, khách hàng cũng ở trong nước.” Ken Xu, Quỹ đầu tư Gobi Partners có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết.

Gobi Partners vừa lập một quỹ mới nhằm vào các dự án khởi nghiệp của Trung Quốc – và ngân quỹ của họ đầy màu hồng của đồng nhân dân tệ, chứ không phải màu xanh của USD.

Quỹ mới nhất của Gobi trị giá 600 triệu nhân dân tệ (khoảng 94,1 triệu USD), tập trung vào các giai đoạn huy động vốn ban đầu của các Startup Trung Quốc: Vòng Ươm mầm, tiền Series A, Series A. Giá trị đầu tư trung bình sẽ vào khoảng 10 triệu Nhân dân tệ (tương đương 1,57 triệu USD).

“Các VC đầu tư bằng Nhân dân tệ ở Trung Quốc đang bước vào thời kỳ vàng son. Trước đây, phần lớn những dự án khởi nghiệp của Trung Quốc đều lựa chọn USD vì thành phần nhà đầu tư, tiềm lực vốn và cơ hội thoái vốn. Hiện nay, với vai trò nổi bật hơn của các nhà đầu tư tổ chức địa phương và lợi nhuận hứa hẹn từ thị trường trong nước, ngày càng nhiều công ty thực sự thích gây quỹ từ Nhân dân tệ,” Don Jiang, đối tác tại Gobi, giải thích.

Rui dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục vì các VC hàng đầu theo nhận định của bà đang tích lũy dòng vốn bằng nhân dân tệ nhiều hơn hẳn so với các quỹ đầu tư nhàn rỗi bằng USD. Trước đây, nếu một VC đầu tư vào thị trường Trung Quốc có cả USD và nhân dân tệ, họ luôn muốn nguồn vốn của 2 đồng tiền cân bằng.

Không phải tất cả dự án khởi nghiệp ở Trung Quốc đều theo xu hướng này. “Một số người chưa đưa ra quyết định vì năm nay những vòng huy động vốn lớn lĩnh vực công nghệ vẫn được thực hiện bằng USD – nhưng nhiều người tin rằng nó sẽ nhanh chóng chuyển sang đồng nhân dân tệ.” Rui cho biết thêm. Sự phát triển mạnh của các VC như vậy sẽ giúp thúc đẩy xu hướng nhân dân tệ hóa trong các vòng gọi vốn giai đoạn sau của các Startup.

Cùng tồn tại

Nhưng đây không phải tình huống một mất một còn. Keen, đối tác của Gobi, thấy được tương lai cùng tồn tại của hai đồng tiền này. “Lý tưởng nhất, các quỹ USD và nhân dân tệ có thể cùng tồn tại hiệu quả,” anh nói.

“Đối với Gobi Partners, các quỹ đầu tư bằng nhân dân tệ tập trung tài trợ vào giai đoạn ươm mầm và giai đoạn trước vòng gọi vốn Series A, trong khi các quỹ USD được dùng trong vòng gọi vốn Series A và hỗ trợ các hoạt động tài chính theo sau ở các vòng gọi vốn sau này. Hai loại quỹ này không bài trừ lẫn nhau, và thực sự đang bổ trợ cho nhau.”

Ken Xu đến từ Gobi Partners
Ken Xu đến từ Gobi Partners

Anh đưa ra ví dụ của Line0, một doanh nghiệp giao thực phẩm khởi nghiệp trong phân khúc siêu tập trung đang bùng nổ của Trung Quốc. Line0 nhận vốn đầu tư Ươm mầm từ Gobi bằng nhân dân tệ, và sau đó thu hút USD từ Sequoia Capital và Gobi Partners trong vòng gọi vốn Series B. Tiếp đến tập đoàn công nghệ Tencent cũng tham gia vòng series B bằng hàng túi USD.

“Bằng cách này, các quỹ nhân dân tệ cung cấp vốn đầu tư ban đầu, sau đó các công ty còn trụ được sẽ có đà vững chắc với quỹ USD. Các công ty đầu tư tư nhân có nguồn vốn từ cả 2 đồng tiền cũng có thể chen chân vào các thương vụ lớn và chia sẻ phần lời. Nếu một công ty Trung Quốc có hoạt động đáng kể ở nước ngoài hoặc được định giá cực cao, các quỹ USD vẫn là lựa chọn tốt nhất”, Ken giải thích rõ.

Bất tiện

Có nhiều tiện ích khác khiến đồng nội tệ trở nên hấp dẫn hơn. Đó là nhanh chóng, vì tiền có thể được nhận ngay lập tức thay vì đợi chuyển đổi tiền.

Thêm vào đó, nó giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí pháp lý. Số tiền cho việc thiết lập hệ thống VIE để quản lý quyền sở hữu nước ngoài không hề rẻ vì nó quá phức tạp – về cơ bản nó phải đi đường vòng để lách các quy định của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế đầu tư nước ngoài từ việc nắm giữ cổ phần trực tiếp trong các lĩnh vực quan trọng.

Khi muốn chen chân vào ngành công nghệ cao, nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với rất nhiều hạn chế. Có thể kể đến là công ty phải được thành lập theo mô hình VIE bất kể quy mô như thế nào, dù là Alibaba hay một công ty vô danh khởi nghiệp từ ứng dụng trên iPhone.

Một số Startup Trung Quốc cho biết chi phí hiện thời để thiết lập một hệ thống VIE khoảng 250.000 USD. Tệ hơn nữa là sau đó, bạn sẽ phải chờ khoảng một tháng tiền mới xuất hiện trong tài khoản mình.

Bạn có thể đoán được điều gì đang đến (Nguồn: RottenTomatoes)
Bạn có thể đoán được điều gì đang đến (Nguồn: RottenTomatoes)

Nếu bạn đang huy động 1 triệu USD, nghĩa là bạn vừa bàn giao một phần tư số tiền đó cho cả tá luật sư.

Hệ thống VIE lại là một trở ngại khi thoát vốn. Một Startup dựa trên đồng USD phải tháo gỡ hệ thống VIE trước khi được mua lại bởi công ty Trung Quốc hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước – Một cơn nhức đầu do liên quan đến các chi phí tài chính và bôi trơn khác.

Vì trở ngại này, các chuyên gia nói rằng một vài công ty khởi nghiệp của Trung Quốc trước đây đã huy động vốn bằng USD có thể xem lại vị trí của của họ, tháo gỡ hệ thống VIE và IPO ở Trung Quốc. Cách làm này khác hoàn toàn với hướng phát triển thường gặp ở các công ty muốn niêm yết tại các sàn chứng khoán hàng đầu như NYSE hay NASDAQ.

Các công ty VIPshop, YY hay Momo từng thực hiện thành công theo giải pháp này trong vài năm gần đây.

Hủy niêm yết

Giữa xu hướng biến chuyển này, một số công ty công nghệ đã niêm yết của Trung Quốc cũng đang muốn thay đổi vị trí của họ.

“Các nhà đầu tư địa phương hiểu rõ các công ty trong nước hơn.” Ken nói. “Đó là lý do tại sao ít nhất 24 công ty Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài đã quyết định hủy niêm yết và quay trở lại với thị trường nước mình”.

Theo dữ liệu từ Dealogic, khoảng 32 tỷ USD giá trị giao dịch liên quan đến các công ty Trung Quốc muốn hủy niêm yết ở Mỹ và chuyển sang thị trường Trung Quốc đại lục.

Thông tin phản hồi từ nhiều công ty niêm yết ở nước ngoài nói rằng các nhà đầu tư ngoại không hoàn toàn thấu hiểu việc kinh doanh của họ và điều này dẫn đến giá cổ phiếu lẫn hiệu quả thấp hơn. Đó là lý do tại sao trong lúc thị trường trong nước bất ổn, họ vẫn muốn quay trở lại.” Anh nói thêm.

Một trong những con rùa biển tiềm năng (trong tiếng Hoa, “hai gui” là tiếng lóng dùng để chỉ những người Trung Quốc ở nước ngoài quay về quê hương) là Qihoo, công ty phần mềm và cổng thông tin điện tử đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây để trở thành công cụ tìm kiếm lớn thứ hai Trung Quốc.

Qihoo có ngành nghề kinh doanh đa dạng, phức tạp và gây chiến với các nhà đầu tư và nhà phê bình nước ngoài. Đáng chú ý nhất là tranh luận trên truyền thông với những nhà đầu tư chuyên bán khống cổ phiếu cáo buộc họ đưa ra số liệu giả tạo và tuyên bố rằng Qihoo đã được định giá quá cao.

Vội vàng hủy niêm yết đã trờ thành làn sóng hồi đầu năm nay, đặc biệt khi thị trường Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục từ tháng Ba đến tháng Bảy. Sau sự cố vỡ thị trường chứng khoán vào tháng Tám, vẫn có thể thấy được sự nhiệt tình dành cho thị trường trong nước không suy giảm – thậm chí Chỉ số tổng hợp Thượng Hải vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện nay người ta nghĩ rằng các nhà đầu tư người Hoa sẽ có cái nhìn đúng hơn về các mô hình kinh doanh cũng như thấu hiểu nguyên tắc hòa hợp giữa sản phẩm và thị trường – điều này sẽ dẫn đến định giá cao hơn trong dài hạn. Nếu đúng như vậy đáng lẽ đã có nhiều công ty Trung Quốc vươn mình ra những thị trường lớn hơn bên kia Thái Bình Dương. Nhưng sự thật cho thấy điều trái ngược.

Rui nhận thấy sự chuyển dịch sang huy động vốn từ nhân dân tệ và nhà đầu tư trong nước là phù hợp hơn cho các công ty khởi nghiệp – ít nhất vào thời điểm hiện tại. “Hầu hết mọi người vẫn tin rằng cơ hội là dành cho các công ty nhỏ chứ không phải doanh nghiệp lớn. Dù sao đi nữa những người khổng lồ chưa chắc hủy niêm yết được ngay lập tức vì quy mô của họ quá lớn so với thị trường trong nước.”

 

Theo Mai Trâm

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên