MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản trở thành đích đến mới của các dòng vốn Trung Quốc

16-04-2012 - 13:41 PM | Tài chính quốc tế

Các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh những thương vụ thâu tóm tại Nhật Bản – dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc của Nhật Bản vào dòng vốn từ Trung Quốc trong tái thiết nền kinh tế.

Trong vài tháng gần đây, các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào các công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn do thiếu vốn.

Quỹ đầu tư tư nhân Trung Quốc Hony Capital đang đàm phán với công ty quản lý quỹ TPG của Mỹ về thương vụ mua lại hãng chíp nhớ lớn nhất Nhật Bản, Elpida Memory. Tháng trước, tập đoàn Đài Loan Hon Hai, công ty mẹ của Foxconn đã đầu tư 10% cổ phần vào hãng điện tử Sharp. Gần đây, Panasonic cũng đã bán một số bộ phận sản xuất đồ gia dụng cho hãng điện tử Trung Quốc Haier. Năm ngoái, công ty sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo cũng đã thành lập một liên doanh sản xuất máy tính cá nhân tại Nhật với tập đoàn NEC.

Những thương vụ trên cho thấy một giai đoạn mới của những dòng đầu tư mạnh mẽ giữa hai nước. Hàng thập kỷ trước, dòng vốn chỉ chảy theo một chiều – từ Nhật Bản sang Trung Quốc – khi các công ty Nhật đổ tiền vào xây dựng nhà máy tại Trung Quốc. Những hoạt động như vậy vẫn tiếp diễn, thậm chí còn gia tăng khi các công ty Nhật cố tránh tình trạng chi phí sản xuất trong nước tăng lên.

Nhưng giờ đây, dòng vốn lại chảy theo hướng ngược lại, khi các công ty Nhật Bản gặp khó do doanh số suy giảm khi nhu cầu trong nước yếu ớt và một đồng yên mạnh tạo áp lực lên xuất khẩu, đang tìm cách cắt giảm những bộ phận kinh doanh không hiệu quả hay huy động vốn phục vụ tái cấu trúc.

Takashi Nomura, luật sư chuyên về các công ty Trung Quốc tại Nishimura Asashi cho biết. “Từ lâu, các công ty Nhật Bản không hề nghĩ tới việc bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng hiện tại việc nhận dòng vốn tứ các công ty Trung Quốc hay tìm kiếm sự giúp đỡ để thâm nhập thị trường Trung Quốc xem ra lại là một lựa chọn khả thi.”

Sakae Takatsuka, chủ tịch NEC Personal Computers, doanh nghiệp liên doanh trong đó Lenovo sở hữu 51% cổ phần, cho biết ban đầu, ban điều hành NEC khá lo ngại về việc hợp tác cùng công ty Trung Quốc, nhưng sau đó đã an tâm phần nào về sự hiện diện trên toàn cầu của công ty này. “Khi chúng tôi tiếp nhận sức mạnh từ những thương hiệu toàn cầu như Lenovo, các chuyên gia công nghệ Nhật Bản sẽ được thúc đẩy hơn nữa.”

Khó có thể tính toán chính xác tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Nhật Bản bởi phần lớn hoạt động đầu tư thường được thực hiện thông qua một quốc gia thứ ba, như Singapore, Quốc đảo Cayman Island và Hong Kong, nhằm phần nào tránh thu hút sự chú ý và những tranh cãi không đáng có.

Theo ước tính của Bộ Tài chính Nhật Bản, giá trị đầu tư ròng từ Trung Quốc đại lục đã đạt mức kỷ lục 27,6 tỷ yên (314,1 triệu USD) trong năm 2010, gấp hơn 20 lần con số của 5 năm trước đó.

Tuy vậy, con số này vẫn khá khiêm tốn so với 278 tỷ yên đầu tư từ Mỹ. Hoạt động đầu tư vào Nhật Bản đã giảm mạnh vào cuối năm ngoái do hậu quả từ thảm họa động đất – sóng thần, song cũng đang có những dấu hiệu phục hồi.

Theo dõi từ các chuyên gia cho thấy dòng tiền từ Trung Quốc vào Nhật Bản đã gia tăng đáng kể. Từ tháng 4/2003 đến tháng 3/2011, các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 89 trong tổng số 901 thương vụ đầu tư có sự phối hợp của Tổ chức ngoại thương Nhật Bản (Jetro), cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại của chính phủ, đưa Trung Quốc thành quốc gia đầu tư nhiều thứ hai vào Nhật Bản, sau Mỹ. Mikihiko Shimizu, giám đốc phụ trách xúc tiến đầu tư của Jetro cho biết ông kỳ vọng ngày càng nhiều dòng tiền từ Trung Quốc sẽ cập cảng Nhật Bản trong tương lai.

Theo Kotaro Masuda, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đầu tư và Thương mại Quốc tế, các công ty Trung Quốc thường bị hấp dẫn bởi danh tiếng và công nghệ hiện có của các doanh nghiệp Nhật Bản: “Họ muốn tận dụng công nghệ và hình ảnh thương hiệu của các công ty Nhật Bản, nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ trong nước và gia tăng thị phần trên sân nhà.”

Một số ngân hàng lớn của Nhật như Mitsubishi UFJ đang mở rộng dịch vụ nhằm hỗ trợ các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã bắt đầu đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, như việc giãn thuế cho các công ty nước ngoài thiết lập cơ sở nghiên cứu hay chi nhánh tại Nhật Bản.

Minh Quang

huongtd

WSJ

Trở lên trên