MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật: Cảnh báo nguy hiểm tại các lò phản ứng hạt nhân cũ kỹ đã bị lờ đi?

22-03-2011 - 10:17 AM | Tài chính quốc tế

1 tháng trước thảm họa sóng thần khủng khiếp, thời gian hoạt động của 6 lò phản ứng hạt nhân đã được quyết định kéo dài bất chấp mọi lời cảnh báo.

Chỉ 1 tháng trước khi động đất và sóng thần khủng khiếp gây ảnh hưởng tồi tệ đến nhà máy điện Fukushima tại trung tâm hạt nhân của Nhật, các nhà hoạch định chính sách Nhật đã chấp thuận kéo dài thời gian hoạt động của 6 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện này bất chấp cảnh báo về độ an toàn.

Theo thông tin trên website của cơ quan hạt nhân Nhật, Ủy ban đã xem xét kéo dài thời gian hoạt động của lò dù một số vết rạn đã xuất hiện tại động cơ của lò phản ứng số 1 thuộc nhà máy điện hạt nhân Daiichi.

Các vết rạn này khiến động cơ dễ chịu tác động từ nước biển và nước mưa. Người ta cho rằng động cơ của lò đã bị sóng thần đánh hỏng, hệ thống làm mát ngừng hoạt động.

Công ty điện lực Tokyo Electric, công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân này, từ đó đến nay đã cố gắng đảm bảo an toàn cho lò phản ứng hạt nhân và ngăn lõi hạt nhân nóng lên, gây rò rỉ phóng xạ.

Vài tuần sau khi các nhà hoạch định chính sách Nhật chấp thuận kéo dài thời gian sử dụng, công ty buộc phải thừa nhận rằng đã không thể kiểm tra được 33 hệ thống làm mát, bao gồm hệ thống bơm nước và máy phát điện chạy dầu diesel tại 6 lò phản ứng hạt nhân. Lời thừa nhận này được công bố trên website của công ty không lâu trước khi động đất.

Điều tra viên nói rằng: “Công việc bảo trì không được hoàn thành đầy đủ và chất lượng kiểm tra không tốt.”

Không đầy 2 tuần sau đó, động đất và sóng thần gây ra khủng hoảng tại nhà máy điện này.

Quyết định kéo dài thời gian hoạt động của lò phản ứng hạt nhân và việc không kiểm tra được lỗi tại 6 lò phản ứng hạt nhân đã cho thấy cái mà giới phân tích gọi rằng mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa công ty vận hành lò phản ứng hạt nhân và nhóm nhà chức trách Nhật chịu phận sự giám sát nó.

Bởi công chúng thường phản ứng dữ dội với việc xây thêm nhà máy điện hạt nhân, các công ty quản lý lò phản ứng hạt nhân thường cố gắng vận động hành lang để kéo dài thời gian hoạt động của lò phản ứng dài hơn 40 năm bất chấp các tiêu chuẩn an toàn và vụ việc đã từng xảy ra trước đó.

Chính phủ Nhật, trong khi đó muốn phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Xu thế này diễn ra trên khắp thế giới khi các lò phản ứng hạt nhân thường được cho phép hoạt động quá thời hạn.

Trong thập kỷ tới, tại Nhật có 13 lò phản ứng hạt nhân và 5 lò thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ bước sang năm hoạt động thứ 40, chi phí thay thế sẽ lên rất cao.

Giới phân tích cho rằng Ủy ban an toàn hạt nhân và công nghiệp chịu trách nhiệm kiểm tra các nhà máy điện hạt nhân có thể đã không đánh giá cao kết quả kiểm tra của chính họ.

Không chỉ chấp thuận cho lò tiếp tục hoạt động vào đầu tháng 2/2011, các bên quản lý đã yêu cầu Tokyo Electric kiểm tra tác hại từ phóng xạ lên vỏ lò phản ứng hạt nhân, mức nước vào lò phản ứng…và nhiều vấn đề kỹ thuật khác.

Ủy ban, sau 6 lần thu thập kết quả điều tra của lò phản ứng số 1, cho rằng Tokyo Electric đã đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật để bảo vệ được lò trong trường hợp động đất. Hoạt động kiểm tra lò số 1 đã diễn ra chỉ trong 3 ngày, thời gian quá ngắn bởi việc đánh giá rủi ro động đất lên một nhà máy điện hạt nhân thuộc loại vấn đề kỹ thuật khó nhất thế giới.

Dù tồn tại một số nghi ngờ như trên, Ủy ban cho rằng Tokyo Electric cần được phép tiếp tục vận hành lò số 1, vốn được xây dựng bởi General Electric và đi vào hoạt động từ năm 1971, thêm 1 thập kỷ nữa.

Trong quá trình xét duyệt, công ty tuyên bố lò sẽ có thể hoạt động trong 60 năm, gấp rưỡi thời gian cho phép.

Kỹ sư Mitsuhiko Tanaka, người từng làm việc trong nhóm thiết kế lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima Daiichi, cho rằng lò này đã lỗi thời, nhiều chức năng hoạt động trong lò không còn hiệu quả. Lỗi này không xuất hiện tại các lò được xây mới hơn.

Từ khi sóng thần xảy ra, kỹ thuật viên tại nhà máy điện Fukushima đã cố gắng làm giảm áp lực bên trong lò phản ứng hạt nhân, vài lần xả phóng xạ vào không khí và dẫn đến thức ăn và nước trong khu vực lân cận bị nhiễm độc.

Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách trong quá trình chấp thuận kéo dài thời gian hoạt động của một lò phản ứng hạt nhân cũng đương đầu rất nhiều vấn đề khó khăn. Không nhiều thông tin được cung cấp trước khi các nhà chức trách chấp thuận.

Ông Chihiro Kamisawa, nghiên cứu viên về an toàn hạt nhân tại Trung tâm thông tin hạt nhân Nhật, cơ quan giám sát hạt nhân rất có tiếng nói tại nước này, chỉ ra chính phủ chỉ xem xét báo cáo nộp lên từ phía các nhà máy và không thực hiện kiểm tra riêng về độ chính xác của các báo cáo.

Ngọc Diệp
Theo Nytimes

ngocdiep

Trở lên trên