MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nước giật mình nhìn lại về điện hạt nhân

15-03-2011 - 11:50 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản sau động đất, với liên tiếp các vụ nổ trong lò phản ứng, đang khiến các nước từ châu Âu đến châu Á xem lại những dự án về điện nguyên tử.

Nguy cơ đối mặt với thảm hoạ ô nhiễm phóng xạ tại Nhật sau động đất và sóng thần vẫn chưa dứt, khi hôm qua lại xảy ra vụ nổ thứ ba trong vòng 4 ngày tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, cách Tokyo 250 km về phía đông bắc. Sự kiện này đang được nhìn nhận như hồi chuông cảnh báo đối với các dự án điện nguyên tử trên khắp thế giới.

Cả châu Âu xem lại điện hạt nhân

Liên minh châu Âu (EU) hôm qua triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các biện pháp an toàn cho những nhà máy điện hạt nhân của khu vực này, sau khi chứng kiến những gì đang xảy ra tại Nhật Bản.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sau đó tuyên bố sẽ cho xem lại một cách tổng thể việc sử dụng điện nguyên tử tại nước này. Bà cũng lệnh đình chỉ kế hoạch kéo dài thời gian hoạt động của 17 nhà máy hạt nhân trên khắp nước Đức. Các nước Anh, Thụy Sĩ và Phần Lan cũng thông báo đánh giá lại các chương trình điện nguyên tử của họ.

"Mọi thứ sẽ được đánh giá lại. Nếu một nước phát triển cao như Nhật Bản với tiêu chuẩn an toàn khắt khe không thể ngăn chặn các hậu quả của điện hạt nhân trong động đất và sóng thần, thì điều này sẽ để lại hậu quả cho cả thế giới", tờ Christian Science Monitor dẫn lời thủ tướng Đức khi họp báo tại Berlin.

Điển hình về mối lo ngại của Đức là tại ngôi làng Biblis bên bờ sông Rhine, nơi có lò phản ứng lâu đời nhất nước này. Đa phần người địa phương làm việc trong nhà máy, nhưng nhiều người vẫn nổi giận vào năm ngoái khi bà Merkel cam kết kéo dài thời gian hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân trên cả nước thêm 12 năm, sau thời hạn ngừng vận hành vào năm 2021 theo thiết kế ban đầu.

Sự cố hạt nhân tại Nhật sau động đất một lần nữa khuấy lại mối lo ngại của người Đức về điện nguyên tử. Họ đang lên kế hoạch tập hợp tới 50.000 người vào thứ bảy này, tạo thành hàng rào người dài hơn 50 km từ nhà máy hạt nhân ở Stuttgart tới Neckarwestheim để kêu gọi chính phủ đóng cửa các cơ sở điện nguyên tử.

Vấn đề hạt nhân đang đẩy Thủ tướng Đức Merkel vào thế khó vì các cuộc thăm dò đều cho thấy người Đức phản đối điện hạt nhân. Bà sẽ mời thủ hiến 16 bang tới Berlin để bàn thảo về an toàn hạt nhân. "Sự kiện tại Nhật đã làm thay đổi tình hình, bao gồm cả tình hình tại Đức. Chúng ta đang đứng trước tình hình mới và điều này cần phải được phân tích một cách kỹ lưỡng", bà Merkel nói thêm.

Triển vọng điện hạt nhân châu Á có thể bị tổn thương

Giới phân tích cho rằng, các vụ nổ trong nhà máy hạt nhân của Nhật sẽ tác động không mấy tốt đẹp tới triển vọng phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân đang hứa hẹn tại châu Á. Nhiều nước trong khu vực đang coi đây là giải pháp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng chóng mặt trong nước, như Indonesia, Philippines và Malaysia.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản được dự đoán sẽ đặt ra yêu cầu an toàn bổ sung đối với các dự án điện hạt nhân ở nhiều nơi khác. Đây sẽ là một vấn đề lớn vì điều này đồng nghĩa với việc phải đội chi phí đối với ngành công nghiệp vốn đã ngốn một khoản tiền "khủng" mới có thể xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Bên cạnh đó, BBC dẫn lời nhà nghiên cứu Antony Froggatt cho rằng, trong bối cảnh giá thành các công nghệ sản xuất điện năng khác như từ gió và địa nhiệt đang giảm xuống, các nước có thể sẽ cân nhắc việc tạm hoãn những dự án điện hạt nhân của mình cho đến khi việc áp dụng các biện pháp đảm bảo trở nên rõ ràng.

Một trong những nước châu Á đầu tiên có hành động cụ thể về lo ngại sau sự cố hạt nhân Nhật Bản là Philippines. Phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino là Abigail Valte hôm qua cho rằng, hiện không phải là lúc để bàn về tính khả thi của điện nguyên tử. "Vào lúc này, tốt hơn là tập trung tìm hiểu các nguồn nhiên liệu thay thế khác ít gây tranh cãi hơn", AFP dẫn lời người phát ngôn.

Cựu nghị sĩ và là doanh nhân có thế lực của Philippines Mark Cojuangco, anh em họ của Tổng thống Aquino, người từng hết lòng ủng hộ điện hạt nhân thì bình luận: "Với các sự kiện ở Fukushima, tôi muốn nói rằng đây là thời điểm để toàn bộ ngành năng lượng hạt nhân thế giới thanh kiểm tra".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận định đây sẽ không phải là cách tiếp cận ở tất cả các nước châu Á. Hai nước đang có nhu cầu cực lớn về năng lượng phục vụ cho sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc được cho là sẽ không thay đổi kế hoạch điện hạt nhân của họ, sau những gì xảy ra tại Nhật Bản.

"Tôi không nghĩ các nước đã khai thác điện hạt nhân có kế hoạch thay đổi đường lối. Đó là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển. Vì vậy Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân", chuyên gia về chính sách năng lượng Benjamin Sovacool thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Ấn Độ đang có kế hoạch giúp điện hạt nhân cung cấp 25% năng lượng cho nước này vào năm 2050, so với mức 2,5% hiện nay. Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng có hơn 25 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng và 50 nhà máy khác trong giai đoạn lập kế hoạch. Nước này dự tính sẽ nâng sản lượng điện hạt nhân lên gấp 10 lần hiện nay vào năm 2050.

Tuy vậy, các cuộc thăm dò dư luận về công nghiệp hạt nhân tại châu Á được cho là sẽ bị tác động mạnh sau những gì xảy ra tại Nhật Bản. "Hình ảnh những em bé được xét nghiệm phóng xạ có sức lay động lớn. Ngay cả khi chúng ta thấy rằng các nguy cơ đã bị thổi phồng, thì mọi người cũng sẽ nhớ họ đã cảm thấy sợ như thế nào. Về mặt lịch sử, khi xảy ra các vụ tai nạn lớn đồng nghĩa với việc gia tăng sự phản đối của công chúng và sự huỷ bỏ các dự án", chuyên gia Sovacool nói thêm.

Theo Đình Nguyễn

VnExpress


ngocdiep

Trở lên trên