MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "cuộc chiến" của Paul Krugman

03-07-2015 - 10:03 AM | Tài chính quốc tế

Krugman cũng chỉ trích các Thống đốc NHTW quá chậm chạp trong việc cắt giảm lãi suất để phản ứng với khủng hoảng nhưng sau đó lại tăng lãi suất quá nhanh khi nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, ông bị cả cánh tả và cánh hữu chán ghét và gán cho nhiều tội danh.

Kể từ khủng hoảng tài chính, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel là Paul Krugman đã viết tổng cộng 74 bài báo đăng trên chuyên mục đặc biệt của New York Times và trên trang blog cá nhân của ông để chỉ trích nhóm “austerians” – những người ủng hộ việc chính phủ mạnh tay cắt giảm ngân sách để đối phó với suy thoái kinh tế.

Ông cho rằng các điều chỉnh nào về chính sách tài khóa được các nước phát triển thực hiện đều mang tính chất dài hạn trong khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng chỉ mang tính chất ngắn hạn. Krugman cũng chỉ trích các Thống đốc NHTW quá chậm chạp trong việc cắt giảm lãi suất để phản ứng với khủng hoảng nhưng sau đó lại tăng lãi suất quá nhanh khi nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, ông bị cả cánh tả và cánh hữu chán ghét và gán cho nhiều tội danh.

Krugman buộc tội NHTW Thụy Điển Riksbank đã sai lầm khi tăng lãi suất trong năm 2010 và 2011 trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao chót vào và lạm phát ở mức quá thấp dù nền kinh tế đang tăng trưởng. Ông cho rằng có Thụy Điển đứng trước nguy cơ “biến hình” từ một “ngôi sao mới nổi của làn sóng hồi phục” thành một Nhật Bản già cỗi và trì trệ. Phó Thống đốc Riksbank phản pháo bằng câu hỏi châm biếm: “Không biết ông ấy đã nhìn vào các con số hay chưa?”. Tuy nhiên, cuối cùng thì Thụy Điển đã sai. Nước này một lần nữa phải hạ lãi suất xuống mức gần 0 và mua vào trái phiếu chính phủ để giảm lãi suất dài hạn và gọi lạm phát quay trở lại.

Trong một bài báo được đăng tải trên tờ báo Anh Guardian số ra ngày 6/1 vừa qua, giáo sư đến từ ĐH Columbia Jeffrey Sachs đã chỉ trích Krugman: “Không có bài bình luận nào của ông ấy trên tờ New York Times trong 6 tháng đầu năm 2013 dự báo được tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm mạnh hoặc tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục. Thế mà bây giờ ông ấy lại nói rằng mọi thứ đang diễn biến đúng dự đoán của mình”.

“Nếu ông nghĩ rằng tôi nói dóc hay thiếu trung thực, có lẽ ông không có kỹ năng đọc hiểu”, Krugman đáp trả.

Tháng 12/2013, Krugman so sánh các chính sách thắt lưng buộc bụng của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne với những gì đã diễn ra với bộ phim “Ba chàng ngốc”: liên tục dồn nền kinh tế vào chân tường và tất cả mọi người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi bạo lực tạm ngưng.

Krugman đã tấn công vào chính sách duy trì thặng dư thương mại của nước Đức, đặc biệt là thặng dư với các nước láng giềng phía Nam trong eurozone. “Chính sách này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng và thị trường việc làm của thế giới”, Krugman nói.

Georg Erber đến từ Viện nghiên cứu kinh tế Đức khẳng định Krugman đã sai. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng nguyên nhân khiến Đức có thặng dư thương mại lớn không phải là do chính sách của chính phủ mà do xuất khẩu tới các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Mỹ Benn Steil cho rằng Krugman đã sử dụng các số liệu không chính xác. Kiểm tra lại các số liệu đã được Krugman sử dụng để chứng tỏ rằng Iceland (nước có chính sách tiền tệ độc lập) có diễn biến tốt hơn các nền kinh tế Baltic, Steil khẳng định các lập luận của Krugman không hợp logic nếu chuỗi số liệu được chạy sớm hơn hoặc muộn hơn 3 tháng. “Ông ấy đã rất tinh tế trong việc chọn số liệu và đã điều chỉnh để cho ra kết quả theo ý muốn”.

Đáp lại, Krugman cho biết ông đã chọn quý IV của năm 2007 làm cơ sở so sánh bởi đó là khi khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ. “Tôi viết 2 – 3 bài trên blog mỗi ngày, vì thế tôi không có thời gian “chọn anh đào”!, ông nói.

Sau đó Krugman đã thay đổi cách tiếp cận sau khi nhận ra rằng đúng là số liệu có vấn đề. Tuy nhiên ông vẫn tuyên bố rằng mình đã chiến thắng. Trong bài viết đăng trên tờ Guardian ngày 27/4, ông viết: “Tư tưởng thắt lưng buộc bụng xuất hiện 5 năm trước đã sụp đổ”. Tuy nhiên, một vài ngày sau, đối thủ của ông đã có lý do để vui mừng. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 7/5, thể hiện nước Anh chọn thắt lưng buộc bụng.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên