MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những mảng tối nguy hiểm tại Fukushima

27-10-2013 - 10:57 AM | Tài chính quốc tế

Reuters đã khám phá những mảng tối: lương thấp, nhiều nguy hiểm, quản lý lỏng lẻo và các băng nhóm xã hội đen.

Ông Hayashi, 41 tuổi, từng hai lần làm việc tại Nhà máy Fukushima trong điều kiện tồi tệ, bị lừa gạt và chiếm dụng lương. Ông được tuyển dụng làm giám sát sự phơi nhiễm phóng xạ của các công nhân nhưng lại phải mặc đồ bảo hộ hai lớp và mang theo một bình dưỡng khí đến nơi nóng nhất của nhà máy. Thậm chí nhà thầu quản lý ông còn cảnh báo phóng xạ rất cao, có thể phá vỡ giới hạn phơi nhiễm hằng năm trong chưa đầy một giờ. “Tôi cảm thấy bị lừa gạt và bế tắc. Tôi chưa từng đồng ý với bất kỳ điều gì như điều này” - ông Hayashi chia sẻ.

Lương bèo bọt, nguy hiểm chực chờ

Ông Hayashi phản ảnh sự việc lên một công ty chịu trách nhiệm cao hơn trong hệ thống kim tự tháp các nhà thầu lấy Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) làm đỉnh quanh dự án khử xạ và đóng cửa Nhà máy Fukushima. Ông bị sa thải. Trong vòng một năm, ông Hayashi đã nộp đơn khiếu nại đến tám công ty liên quan, bao gồm cả TEPCO, nhưng không phòng quản lý lao động nào từ các công ty này phản hồi ông.

Ông tìm kiếm công việc thứ hai cũng tại Fukushima. Lần này là một công ty xây dựng các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng bằng bêtông. Người chủ mới ăn chặn gần 1/3 tiền lương của ông, khoảng 1.500 USD/tháng.

Theo Reuters, nền công nghiệp hạt nhân Nhật dựa vào lao động giá rẻ từ những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong thập niên 1970. Trong hàng chục năm qua, ngành công nghiệp này có truyền thống sử dụng công nhân lưu động - những công nhân vô gia cư di chuyển theo công trình/nhà máy điện hạt nhân khắp vùng ngoại ô Sanya của Tokyo đến Kamagasaki thuộc Osaka.

Do mức lương bèo bọt nên khan hiếm người lao động, những nhà môi giới thường tuyển dụng những người mắc bệnh nan y hoặc trình độ thấp, khó tìm công việc khác. “Điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân luôn tồi tệ” - phó giám đốc Bệnh viện Hannan Chuo (Osaka) là ông Saburo Murata nhận xét. “Những vấn đề về tiền bạc, tuyển dụng ngoài luồng, thiếu hợp đồng bảo hiểm thích đáng đã tồn tại hàng thập kỷ” - ông Murata chỉ rõ.

Trong những trường hợp đặc biệt, một số nhà môi giới đã “mua” công nhân bằng cách trả tiền nợ cho những người này. Những công nhân này sẽ làm việc cho các ông chủ mới đến khi trả hết nợ trong điều kiện lương bị chiếm dụng nghiêm trọng, điều kiện làm việc cũng như y tế rất tồi tệ.

Mức lương của người lao động tương đối thấp, thường là 12 USD/ giờ lao động - thấp hơn mức lương trung bình trong ngành công nghiệp xây dựng tại Nhật 1/3 lần, thậm chí có người chỉ được nhận khoảng 6 USD/giờ lao động.

Ngoài ra công nhân làm việc cho các nhà thầu phụ trong khu vực nguy hiểm bên ngoài Nhà máy Fukushima sẽ nhận thêm trợ cấp nguy hiểm từ chính phủ khoảng 100 USD/ngày, dù phần lớn công nhân tại đây cho biết họ không nhận được số tiền này.

Tội phạm có tổ chức len lỏi vào

Thông qua khiếu nại của ông Hayashi, Reuters đã tiếp cận hơn 80 công nhân, người tuyển dụng và quan chức có liên quan đến chương trình khử xạ. Một khiếu nại phổ biến là: dự án phụ thuộc vào một mạng lưới các nhà thầu nhỏ thiếu kinh nghiệm trong vấn đề hạt nhân và một số nhà thầu có quan hệ với các tổ chức tội phạm.

Khi Quốc hội Nhật thông qua luật tài trợ cho việc khử xạ tại Nhà máy Fukushima hồi tháng 8-2011, luật này đã không áp dụng những quy định hiện hành trong ngành công nghiệp xây dựng. Kết quả là các nhà thầu làm việc khử xạ không bị yêu cầu cung cấp thông tin quản lý hay trải qua bất kỳ đợt thanh tra nào. Điều này, theo Reuters, có nghĩa bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà thầu chỉ trong một đêm.

Theo đó, khoảng 800 công ty nhỏ đã ồ ạt đăng ký làm thầu phụ bên trong Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong đó rất nhiều công ty nhỏ chưa từng có kinh nghiệm vội vàng chào giá cho các hợp đồng làm việc tại Fukushima và giao cho các nhà môi giới tuyển công nhân.

Sự phức tạp trong hợp đồng thầu khoán và thiếu hụt nhân công đã làm lợi cho nhóm tội phạm có tổ chức Yakuza vốn kiếm tiền trên người lao động qua nhiều thế hệ tại Nhật. Cảnh sát địa phương cho biết gần 50 băng nhóm xã hội đen với 1.050 thành viên hoạt động tại tỉnh Fukushima được điều hành bởi ba tổ chức Yakuza chính: Yamaguchi - gumi, Sumiyoshi - kai và Inagawa - kai.

Dù vậy, các bộ, công ty liên quan đến hoạt động khử nhiễm cùng cảnh sát đã thiết lập lực lượng đặc nhiệm nhằm nhổ cỏ tận gốc các băng nhóm tội phạm đang trục lợi trong việc khử xạ tại Fukushima. Tuy nhiên cảnh sát cho biết không thể trấn áp các băng nhóm tội phạm khi không nhận được đơn khiếu nại.

Đến nay chỉ một vụ khởi tố hiếm hoi liên quan đến một nhân vật cao cấp trong Yakuza là ông Yoshinori Arai. Theo Reuters, Arai là trùm băng đảng thuộc Yakuza Sumiyoshi - kai đã bị kết tội vi phạm luật lao động. Tháng 3 vừa qua, một tòa án tuyên Arai 8 tháng tù treo vì ông ta hứa sẽ từ bỏ băng đảng và rất hối hận về những việc đã làm.

Arai thừa nhận trong hai năm qua đã bỏ túi khoảng 60.000 USD bằng cách ăn chặn 1/3 tiền lương trả cho công nhân làm trong khu vực thảm họa. Ông ta cũng bị cáo buộc đã cung cấp công nhân cho trang mạng quản lý bởi Obayashi - một trong những nhà thầu hàng đầu Nhật.

Trả lời báo giới, phát ngôn viên của Obayashi cho biết công ty đã “không để ý” rằng một trong những nhà thầu phụ đã thuê công nhân từ một băng nhóm tội phạm. “Trong hợp đồng với các nhà thầu phụ, chúng tôi có điều khoản không hợp tác với tội phạm có tổ chức”, phát ngôn viên của Obayashi tuyên bố. Công ty này hiện đang hợp tác với cảnh sát và các nhà thầu phụ nhằm đảm bảo những vi phạm như vậy không xảy ra nữa.

Sơ tán công nhân khỏi Fukushima do sóng thần

Một đợt sóng thần cao 30m đã ập vào bờ biển phía đông Nhật ngày 26-10 sau khi xảy ra trận động đất mạnh có cường độ 7,3 độ Richter ngoài khơi nước này, theo Reuters. Khi động đất xảy ra, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã ra lệnh cho công nhân làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima di tản lên vùng đất cao. Phát ngôn viên TEPCO khẳng định trận động đất, sóng thần này không gây thiệt hại nào cho Nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng như không gây thêm sự rò rỉ nào.


Theo Anh Thư

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên