MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nouriel Roubini nói gì về gói giải cứu gần 1 nghìn tỷ USD của EU và IMF?

11-05-2010 - 11:27 AM | Tài chính quốc tế

Theo ông Roubini, những yêu cầu về thắt chặt tài khóa và tăng thuế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và có thể khiến kinh tế khó khăn trong thời gian dài hơn.

Ông Nouriel Roubini, chuyên gia kinh tế học từng dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua và còn là chủ tịch công ty nghiên cứu kinh tế tài chính Roubini Global Economics LLC, trong buổi họp mới đây tại Brussels, nhận xét về gói hỗ trợ trị giá gần 1 nghìn tỷ USD ngăn khủng hoảng tài khóa Hy Lạp lan rộng: “Dù người ta đã cam kết về số tiền lớn, tất cả số tiền này sẽ chỉ được đưa ra nếu các nước thực hiện tốt điều chỉnh chính sách tài khóa và cải tổ cơ cấu. Việc họ có thực hiện được những cam kết trên trong thời gian ngắn hay không vẫn còn là câu hỏi mở.”

Chịu áp lực từ việc đồng euro giảm giá sâu và lợi tức trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tăng vọt, Bộ trưởng Tài chính nhóm nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã nhóm họp vào cuối tuần qua tại Brussels. Từ buổi họp này, cam kết về gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro tương đương 962 tỷ USD bằng nguồn tiền từ EU và IMF được đưa ra.

Ngân hàng Trung ương châu Âu còn công bố mua trái phiếu chính phủ của một số nước thuộc châu Âu.

Theo ông Roubini, dù gói giải cứu từ 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đã phần nào giúp thị trường ổn định hơn về tâm lý, những yêu cầu về thắt chặt tài khóa và thuế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và có thể khiến kinh tế khó khăn trong thời gian dài hơn.

Ông nói: “Trong ngắn hạn, việc tăng thuế và giảm chi tiêu sẽ đồng nghĩa với suy thoái kinh tế kèo dài hơn và áp lực giảm phát trong nội bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng cao hơn.”

Ông Roubini cho rằng Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Ireland và một số nước khác thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu thắt chặt tài khóa và khôi phục tính cạnh tranh của nền kinh tế. Khả năng hành động của chính phủ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chịu hạn chế bởi trong châu Âu tồn tại quá nhiều thể chế chính trị phát triển theo hướng khác nhau.

Ông Roubini chỉ ra: “Vài tháng qua, Liên minh châu Âu dường như có vẻ chậm trễ, họ không thể cùng nhau hành động. Mọi chuyện nay đã khác, họ nhận ra họ cần phải cùng nhau hành động, hợp tác các nguồn lực. Nếu không họ sẽ mạo hiểm để đồng euro và khu vực đồng euro sụp đổ.”

Thanh Vân
Theo Dân Trí/Bloomberg

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên