MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Nửa triệu cô dâu đổ sang Đông Á

01-04-2015 - 14:28 PM | Tài chính quốc tế

Nhu cầu lấy vợ nước ngoài ngày càng tăng với cánh đàn ông tại Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Điều đó châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường “cô dâu ngoại”.

Kể từ đầu những năm 2000 tới nay, theo Foreign Policy, đã có hơn nửa triệu phụ nữ nhập cư khu vực Đông Á với mục đích kết hôn.

Chỉ tính riêng tại Hàn Quốc, nếu năm 1993 tỉ lệ đàn ông nước này lấy vợ người nước ngoài chỉ là 1,6% thì năm 2013 đã tăng lên 8%.

Các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang trở thành “ngành công nghiệp béo bở” tại châu Á, nhưng những mặt trái cũng phát lộ ngày càng rõ rệt.

Tình trạng buôn bán phụ nữ từ lâu đã trở nên báo động khiến nhiều quốc gia buộc phải ban hành quy định cấm hoạt động môi giới hôn nhân.

Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa

Nhu cầu lấy vợ nước ngoài đặc biệt phổ biến ở các quốc gia châu Á có kinh tế thịnh vượng hơn như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan.

Nghiên cứu “Chào bán các cô dâu: Những cuộc hôn nhân xuyên biên giới và tình trạng nhập cư của nữ giới” của hai nhà kinh tế học Daiji Kawaguchi và Soohyung Lee năm 2012 đã chỉ rõ tình trạng “thiếu” và “thừa” cô dâu tại những nước nói trên.

Theo đó, đàn ông tại các nước có kinh tế phát triển phải tìm vợ ở nước ngoài vì ngày càng nhiều phụ nữ trong nước kết hôn muộn hoặc không muốn lập gia đình.

Phụ nữ càng có trình độ học vấn cao và càng độc lập tài chính thì càng không muốn dính líu tới các mối quan hệ, trong đó thường người đàn ông rất gia trưởng.

Trung Quốc là một trong những tâm điểm của thị trường cô dâu ngoại vì tình trạng chênh lệch giới tính trầm trọng. Năm 2014, cứ 100 bé gái chào đời tại đây lại có 116 bé trai. Tỉ lệ bất tương xứng này phần lớn do hậu quả của chính sách một con.

Cộng thêm sự “giúp sức” của công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi hiện đại, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tỉ lệ sinh mất cân bằng giới tính lớn nhất thế giới. Tới năm 2020, ước tính số đàn ông Trung Quốc bước vào độ tuổi lập gia đình sẽ nhiều hơn số phụ nữ cùng độ tuổi này khoảng 30 triệu người.

Cái giá của hôn nhân

Chi phí cho một cuộc hôn nhân với cô dâu ngoại gồm các khoản phí môi giới, của hồi môn và lệ phí tiến hành các thủ tục pháp luật thường rơi vào khoảng cả chục ngàn USD. “Gói mai mối” được xem là rẻ nhất của công ty môi giới hôn nhân J&N (Singapore) cũng “ngốn” của chú rể tương lai khoảng 4.500 USD.

Tuy nhiên các thương vụ mối lái này không phải lúc nào cũng đàng hoàng, minh bạch. Theo thông tin từ nhiều tổ chức nhân quyền, đã có những phụ nữ bị chính một số người thân của họ lừa đảo, cưỡng ép hoặc thậm chí bán làm vợ cho người khác không hề theo ý nguyện của họ.

Tháng 1-2015, lực lượng chức năng Campuchia đã bắt ba nghi can bị cáo buộc buôn bán phụ nữ nước này đưa vào Trung Quốc làm vợ. Vụ việc xảy ra vài tháng sau khi hai nước đã công bố kế hoạch soạn thảo biên bản ghi nhớ về việc ngăn chặn nạn buôn bán cô dâu xuyên biên giới.

Đó là chưa kể rất nhiều cô gái mắc phải chiêu trò lừa đảo thông tin nên đã vỡ mộng khi gặp đức lang quân trong thực tế.

Nhiều phụ nữ tình nguyện xa xứ với hi vọng được đổi đời nhờ chú rể có thu nhập tốt, nhưng sang đến nơi mới biết sự thật đắng lòng: những kẻ mối lái đã cung cấp thông tin sai lạc hoàn toàn về nơi ăn chốn ở cũng như mức thu nhập của người chồng tương lai.

Để giảm thiểu những vấn đề tiêu cực phát sinh trong hoạt động môi giới hôn nhân, tại Hàn Quốc tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều phải có đăng ký kinh doanh.

Tỉ lệ chia tay cao

Tỉ lệ ly hôn của các cặp đôi nên duyên do mối lái của các công ty rất cao. Theo một nghiên cứu của Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc tại Seoul, ở Hàn Quốc có tới 4/10 cuộc hôn nhân kiểu này tan vỡ chỉ trong vòng năm năm đầu chung sống.

Để cải thiện tình hình, năm ngoái Hàn Quốc đã đặt thêm một số quy định mới như cô dâu nước ngoài phải thành thạo ít nhất một ngôn ngữ mà người chồng có thể nói được; công dân Hàn Quốc không được nộp đơn xin thị thực hôn nhân nhiều hơn một lần trong năm năm kể từ tháng 10-2013.

Hằng năm Hàn Quốc đã trích ngân sách hơn 100 triệu USD dành cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý và mở các lớp dạy tiếng cho người nước ngoài nhập cư.

Các chính quyền địa phương ở Đài Loan cũng đã tổ chức chương trình bồi dưỡng văn hóa cho cô dâu nước ngoài với mong muốn giúp họ mau chóng hòa nhập cuộc sống trong môi trường mới.

 

Theo D.KIM THOA

PV

Tuổi Trẻ

Trở lên trên