MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ lấy lại “ngôi vương”

13-01-2015 - 09:29 AM | Tài chính quốc tế

Sau 15 năm “ngồi nhìn” Trung Quốc và các thị trường mới nổi dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, nước Mỹ đang trở lại với vai trò cầm lái.

Mới đây, một nhóm các chuyên gia phân tích đến từ các ngân hàng JPMorgan Chase & Co., Deutsche Bank AG và BNP Paribas SA vừa đưa ra dự báo cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 3,2% trong năm nay – cao nhất kể từ năm 2005. Họ nhận định thị trường lao động cải thiện sẽ dẫn đến chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1999 nước Mỹ không bị bỏ lại ở phía sau trong guồng máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu (dựa trên số liệu của IMF).

“Nước Mỹ một lần nữa trở thành cỗ máy tăng trưởng toàn cầu”, Allen Sinai – CEO của Decision Economics – nhận định. “Giờ đây Mỹ là ngôi sao sáng với nền kinh tế ở trong trạng thái tốt nhất kể từ những năm 1990”.

Trong dấu hiệu mới nhất, hôm 9/1 Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy đã có thêm 252.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 12, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,6% - thấp nhất kể từ tháng 6/2008. Đặc biệt hơn, số việc làm mới trong ngành xây dựng tăng mạnh nhất trong gần 1 năm. Trong khi đó các nhà máy, công ty y tế và doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ tiếp tục tuyển thêm nhiều lao động.

Có thêm khoảng 3 triệu người Mỹ tìm được việc làm trong năm 2014, nhiều nhất trong 15 năm và đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp tự tin rằng lực cầu sẽ đủ mạnh bất chấp các thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Một phần nguyên nhân lý giải tại sao Mỹ có thể đột phá trong bức tranh kinh tế thế giới nằm ở chỗ nước này đã thành công hơn trong việc “giũ bỏ” những điều thái quá vốn là nguồn gốc của khủng hoảng. Tỷ lệ nợ quá hạn trong các khoản vay tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,5% trong quý III, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,3% của 15 năm trước đó.

Các hộ gia đình Mỹ được hưởng lợi lớn từ thị trường lao động khỏe mạnh hơn và giá dầu giảm khiến giá xăng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009. Họ mua những chiếc xe hơi mới, sắm các đồ gia dụng trong nhà cũng như quần áo. Chi tiêu tiêu dùng tăng 0,6% trong tháng 11, cao gấp đôi so với tháng 10.

Theo số liệu từ IMF, với mức 11.500 tỷ USD trong năm 2013, chi tiêu tiêu dùng cá nhân của người Mỹ lớn hơn GDP của bất kỳ nước nào, trong đó có Trung Quốc.

Ngân hàng Deutsche Bank dự báo GDP của nước Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm nay sau khi tăng 2,5% trong năm 2014. Nước Mỹ sẽ đóng góp khoảng 18% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn so với tỷ trọng 11% của các nước công nghiệp khác cộng lại.

Trong khi Mỹ đang dần mạnh lên, nhóm các nước mới nổi BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đang đối mặt với thời kỳ khó khăn sau khi có 15 năm là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu.

Năm ngoái, nợ của Brazil bị hạ xếp hạng lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, trong khi Nga đang hướng đến suy thoái và tăng trưởng ở Trung Quốc cùng Ấn Độ đều giảm tốc.

Kể cả Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs Group Inc. và được coi là “cha đẻ” của khái niệm BRIC, cũng cho rằng ông muốn loại bỏ Brazil và Nga ra khỏi nhóm này nếu họ không thể hồi sinh nền kinh tế.

Paul Mortimer – Lee, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại ngân hàng BNP Paribas – lại cho rằng Mỹ vượt trội so với các quốc gia công nghiệp khác bởi có chính sách tốt. Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi cùng các đồng nghiệp vẫn đang cân đo đong đếm việc mua trái phiếu để chống lại nguy cơ giảm phát trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ đã làm điều này từ năm 2009.

Ngân sách của Mỹ cũng được quản lý hiệu quả hơn so với chính sách thắt lưng buộc bụng mà Eurozone vẫn duy trì.

Trong khi đó, Nhật Bản lại “thành công” trong việc đẩy nền kinh tế quay trở lại với suy thoái bằng cách tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% hôm 1/4.

Thu Hương

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên