MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Olympic – cơ hội kinh doanh trị giá nhiều tỷ USD

08-08-2008 - 15:04 PM | Tài chính quốc tế

Những sự kiện thể thao mang tầm quốc tế bắt đầu có từ thế kỷ 19 và ngành kinh doanh thể thao còn có lịch sử từ trước đó. Olympic Bắc Kinh không là ngoại lệ.

Thể thao đã trở thành một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD trên toàn thế giới.

Người Trung Quốc đã chờ đợi sự kiện này từ hơn một thế kỷ qua. Năm 1908, khi Thế Vận Hội Olympic diễn ra tại London, Anh, một tạp chí của Trung Quốc có tên Tianjin Youth đã đặt ra ba câu hỏi : Khi nào vận động viên Trung Quốc sẽ tham gia vào Thế Vận Hội? Khi nào Trung Quốc được gửi hẳn một đoàn vận động viên đến Olympic? Khi nào Trung Quốc sẽ đăng cai Thế Vận Hội?

Mong muốn của người Trung Quốc đã trở thành sự thật vào năm 1932 khi Liu Changchun, một vận động viên chạy nước rút từ miền Đông – Bắc Trung Quốc đã đến Los Angeles để thi đấu. Tuy anh không giành được giải thưởng nào, nhưng người ta luôn nhớ đến anh như một anh hùng.

Trung Quốc đã cử đoàn vận động viên của mình đi tham dự các Olympic vào các năm 1936, 1948, 1952 nhưng sau đó không tham dự cho đến Thế Vận Hội mùa đông năm 1980. 4 năm sau đó, vận động viên bắn súng ngắn Xu Haifeng đã mang lại cho nước này huy chương vàng thế giới đầu tiên.

Và đến nay, mong muốn lớn nhất của người Trung Quốc đã trở thành sự thật. Sự kiện thể thao nổi tiếng nhất thế giới chuẩn bị diễn ra tại Bắc Kinh và những người tổ chức đã cố gắng hết sức chuẩn bị mọi thứ thật sẵn sàng. Xét đến yếu tố ngày tháng, họ đã sắp xếp để lễ khai mạc bắt đầu vào lúc 8 giờ 08 phút ngày 08 tháng 08 năm 2008, họ đã đưa tối đa con số 8 may mắn vào sự kiện này.

Khi ngọn đuốc Olympic được thắp lên, Trung Quốc chờ đợi 17 ngày của những trận đấu thể thao đỉnh cao và tình thân hữu quốc tế. Việc đăng cai Thế Vận Hội cho thấy Trung Quốc không chỉ nổi lên như một nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc mà còn là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Ngọn đuốc Olympic có thể coi như một điểm sáng trong năm nay của Trung Quốc với đầy thiên tai, lũ lụt, bão tuyết, động đất cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người dân.

Đây là Thế vận hội quy mô nhất từ trước đến nay, với 10.700 vận động viên đến từ hơn 200 nước, thi đấu 28 môn thể thao. Tháng 9 tới, Trung Quốc cũng là nước chủ nhà của Paralympics, quy tụ khoảng 4.000 vận động viên khuyết tật đến tham gia thi đấu.

Trung Quốc mong muốn trở thành một cường quốc về thể thao bên cạnh một cường quốc về kinh tế và các vấn đề quốc tế. Một số nhà phân tích cho rằng họ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại Thế vận hội này.

Thế Vận Hội nhìn từ góc độ kinh doanh

Nhìn từ góc độ kinh doanh, Thế Vận Hội có thể được coi như một cơ hội kinh doanh lớn. Những người thật sự tin vào Olympic sẽ không đồng ý với điều này. Vận động viên đến đây không nhận được những khoản tiền thưởng, họ thi đấu với nhau để giành được những tấm huy chương vàng, bạc và đồng. Ban Tổ chức Thế Vận Hội cũng tuyên bố họ là một tổ chức phi lợi nhuận. Lợi nhuận của Thế Vận Hội đến từ quảng cáo xung quanh khu vực thi đấu.

Khi một vận động viên chiến thắng, người đó sẽ nhận được rất nhiều tiền thưởng. Nhiều công ty thể thao sẽ sẵn sàng cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ mọi cách cho người chiến thắng. Đối với các công ty, đặc biệt là những công ty sản xuất và kinh doanh đồ thể thao, đây là cơ hội quảng bá tốt. Họ sẽ thu hút được nhiều người chú ý đến sản phẩm của mình bởi tổng dân số Trung Quốc lên tới 1,3 tỷ người, đó là chưa kể đến hàng tỷ người khác sẽ xem qua truyền hình.

Olympic có 12 nhà tài trợ chính, từ Kodak đã tài trợ từ Olympic đầu tiên năm 1896 cho đến Cocacola chính thức tài trợ từ năm 1928. Tại Trung Quốc năm nay, có một nhà tài trợ mới tham gia là Lenovo.

Trong vòng 4 năm tính đến năm 2008, họ đã tài trợ tổng số tiền, hàng và dịch vụ có giá trị lên tới 866 triệu USD. Tổng cộng khoảng hơn 60 công ty cả Trung Quốc và nước ngoài tham gia tài trợ cho Thế Vận Hội lần này.

Một yếu tố chính làm nên thành công về mặt thương mại của Olympic lần này là quan hệ giữa thể thao và truyền thông. Phương tiện chủ yếu người hâm mộ thể thao sử dụng để theo dõi Olympic sẽ là tivi, và còn rất nhiều người khác sẽ theo dõi Olympic bằng máy tính.

Thể thao đã trở thành một ngành kinh doanh toàn cầu, đặc biệt là từ khi toàn cầu hóa lan rộng ra toàn thế giới. Những sự kiện thể thao mang tầm quốc tế bắt đầu có từ thế kỷ 19 và ngành kinh doanh thể thao còn có lịch sử từ trước đó. Điểm mới ở đây là mức độ thương mại hóa của các sự kiện đó và tầm ảnh hưởng của nó lan rộng thế nào tới thế giới đang phát triển.

Nguồn vốn đổ vào thể thao tăng rất nhiều so với trước đây và xóa nhòa ranh giới địa lý. 9 trong số 20 câu lạc bộ bóng đá của giải Ngoại hạng Anh đang do người nước ngoài sở hữu. Một hoặc hai câu lạc bộ có thể là thú tiêu khiển của các đại gia, nhưng hầu hết được mua lại nhằm vào quyền truyền thông, bán vé và trị giá cổ phiếu.

Thị trường sản phẩm thể thao đang trở nên có tính toàn cầu cao hơn khi doanh nghiệp phương Tây tập trung sự chú ý vào phát triển thị phần tại những nước đang phát triển. Các nước này đang nỗ lực tổ chức sự kiện thể thao của riêng nước họ.

Cuộc “hôn phối” giữa truyền thông và thể thao đã chứng minh được sự vững bền của mình bởi đây là mối quan hệ hai chiều. Ngành kinh doanh thể thao dựa trên ý tưởng người ta sẵn sàng trả tiền để theo dõi những người khác thi đấu, và các phương tiện truyền thanh, truyền hình giúp mở rộng lượng khán giả từ vài nghìn ở sân vận động lên đến hàng triệu người ở bên ngoài.

Ngọc Diệp
Theo Economist,AFP

ngocdiep

Trở lên trên