MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Putin sẽ dùng tiền trợ cấp để “cứu” các doanh nghiệp Nga?

19-10-2014 - 14:45 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều khả năng điện Kremlin của ông Putin sẽ dùng quỹ trợ cấp quốc gia để cứu nguy cho các doanh nghiệp Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Trước nguy cơ giá dầu thế giới giảm sâu và tăng trưởng kinh tế chậm, Nga đã rót hơn 80 tỷ USD ngân sách để tài trợ cho quỹ trợ cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhiều khả năng điện Kremlin của ông Putin sẽ dùng quỹ này để cứu nguy cho các doanh nghiệp Nga.

Sau hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây, vốn đầu tư và giá trị đồng Rúp đều giảm mạnh, hạn chế khả năng đầu tư và trả nợ của các doanh nghiệp Nga. Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng Nga đang lâm vào tình trạng xếp hàng chờ trợ cấp. 

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Itar-TASS , Bộ trưởng Bộ tài chính Nga - Anton Siluanov cho biết, hai công ty dầu khí lớn nhất của Nga là Rosneft và Novatek – “con cưng” của ông Putin và cũng là hai công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt, sẽ được tài trợ khoảng 4 tỷ USD cho mỗi công ty để chi trả nợ.

Mặc dù số tiền chính xác để chi trả cho hai công ty này chưa được tiết lộ, Phó Thủ tướng  Arkady Dvorkovich cũng cho biết chính phủ Nga sẵn sàng dùng tiền ngân quỹ để cứu hai công ty có vốn sỡ hữu nhà nước và tư nhân này. “Chúng tôi sẽ cung cấp viện trợ dài hạn cho 2 công ty” – Phó Thủ tướng Arkady nói.

Theo một phân tích trên tạp chí Bloomberg vào giữa tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt nắm giữ hơn 45 tỷ USD trái phiếu và nợ vay đáo hạn trong thời hạn 12 tháng tới. Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản doanh nghiệp Nga tiếp cận với thị trường vốn phương Tây trong việc tái kêu gọi tài trợ nợ đáo hạn.

Trả lời phỏng vấn tại điện Kremlin, Igor Sechin – lãnh đạo Rosneft , thuộc phe đồng minh của ông Putin cho biết Rosneft cần viện trợ khoảng 42 tỷ USD, và riêng trong năm 2015 Rosneft có 27 tỷ USD nợ đến hạn. Trong khi đó, Gennady Timchenko – nhà đồng sở hữu Novatek và là một người bạn lâu năm của ông Putin tiết lộ, Novatek không gặp vấn đề về nợ đáo hạn; nhưng công ty này cần tiền để thực hiện các dự án đầu tư đã lên kế hoạch.

Tim Ash, Chuyên gia kinh tế nghiên cứu các thị trường mới nổi thuộc Standard Bank tại London cho biết “Các doanh nghiệp Nga đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn. Họ đã tìm kiếm nhiều giải pháp, kể cả kêu gọi viện trợ từ châu Á. Tuy nhiên, tất cả đều đã bị từ chối vì không quốc gia nào dám đăt niềm tin vào kinh tế Nga trong thời điểm này”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nga không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh trừng phạt cũng bị siết chặt khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đồng Rúp sụp giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán của các công ty. Theo một nguồn tin từ Bloomberg, dự án xuất khẩu của Công ty Techsnabexport có giá trị khoảng 500 triệu USD đã bị các nhà đầu tư rút xuống còn khoảng 150 triệu USD sau khi đồng Rúp mất giá.

Chính vì vậy, Tim Ash dự đoán rằng chính phủ Nga sẽ dùng đến nguồn quỹ trợ cấp quốc gia để mua cổ phần trong các công ty và các ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản. Theo Phó thủ tướng Dvorkovich, chính phủ Nga sẽ xem xét dùng tiền trong quỹ trợ cấp để đầu tư vào chứng khoán, bao gồm chứng khoán của các công ty dầu mỏ.

Nguồn quỹ này sẽ sớm được sử dụng khi nguồn thu ngân sách chính của Nga là doanh thu từ thuế ga và dầu mỏ bị cạn kiệt. Giá dầu thô Brent đã giảm thấp hơn so với mức giá từ 2 năm trước khoảng 90,76USD/thùng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì Nga sẽ sớm phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách 1,2% vào năm tới.

Nguyệt Quế 

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên