MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Paul Krugman: Khi bong bóng vỡ ở Nga

21-12-2014 - 23:54 PM | Tài chính quốc tế

Theo Paul Krugman, Nga cần đến một phong cách cởi mở hơn đòi hỏi ít tham nhũng hơn, ít nợ hơn và tăng cường khả năng thích ứng với giá dầu giảm để có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại.

Tác giả bài viết này là Paul Krugman – nhà kinh tế học nổi tiếng đã đạt giải Nobel và hiện là cây bút xuất sắc của tờ New York Times. Chuyên nghiên cứu về kinh tế học vĩ mô, ông đã từng phê phán mô hình tăng trưởng của các nước Đông Á trong khi lúc đó thế giới coi các mô hình này là điều thần kỳ. Nhiều người coi những phê phán của ông là dự báo chính xác về khủng hoảng Đông Á thời kỳ cuối những năm 1990. 

Nếu bạn là loại người bị ấn tượng bởi những cử chỉ mang tính đại trượng phu, Tổng thống Nga Vladimir Putin là người mà bạn sẽ thích. Chắc chắn, nhiều người Mỹ bảo thủ cũng có chung suy nghĩ này. “Đó mới đúng là một người lãnh đạo”, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani đã nói như vậy về ông Putin sau những diễn biến ở Ukraine. 

Tuy nhiên, ông Putin dường như chưa bao giờ có đủ nguồn lực hậu thuẫn phía sau. Nền kinh tế Nga có quy mô tương đương với Brazil. Và, những gì đang diễn ra cho thấy kinh tế Nga quá mong manh trước khủng hoảng tài chính. Sự mong manh ấy ít nhiều có liên quan đến tính chất của hệ thống chính trị Nga. 

Đối với những ai không quan tâm kỹ đến vấn đề này, xin nhắc lại rằng đồng ruble đã từ từ giảm giá kể từ tháng 8, khi ông Putin công khai thừa nhận rằng có quân đội Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, cách đây một vài tuần, đà giảm biến thành đà lao dốc không phanh. Các biện pháp can thiệp mạnh mẽ (bao gồm tăng mạnh lãi suất cũng như gây áp lực buộc các doanh nghiệp tư nhân ngừng nắm giữ USD), không thể ngay lập tức giúp cải thiện tình hình (mất một vài ngày để đồng ruble ổn định trở lại). Tất cả các chỉ số đều cho thấy kinh tế Nga đang hướng đến suy thoái. 

Tất nhiên, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những khó khăn của Nga là giá dầu giảm sâu không liên quan gì đến ông Putin. Giá dầu gây thiệt hại lớn cho một nền kinh tế không có gì đáng kể ngoài cung cấp dầu cho phần còn lại của thế giới. Các lệnh cấm vận khiến tình hình thêm tồi tệ. 

Tuy nhiên, những khó khăn của Nga không cân xứng với quy mô của cú sốc: mặc dù đúng là giá dầu giảm, đồng ruble giảm mạnh hơn rất nhiều và những tổn thất của nền kinh tế vượt ra ngoài phạm vi ngành dầu mỏ. Tại sao lại như vậy? 

Thực chất đây không phải là một câu hỏi quá hóc búa và điều này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử: ở Argentina năm 2002, Indonesia năm 1998, Mexico 1995 và Chile năm 1982. Kiểu khủng hoảng mà Nga đang đối mặt xảy ra khi những điều tồi tệ xảy đến với một nền kinh tế trở nên mong manh vì vay nợ quy mô lớn từ nước ngoài, đặc biệt khi đó là nợ của khu vực tư nhân và nợ bằng ngoại tệ. 

Trong trường hợp này, một cú sốc đảo chiều như xuất khẩu giảm mạnh có thể khơi mào cho khủng hoảng. Khi tiền tệ của một nước giảm giá, bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp nước đó – những doanh nghiệp có tài sản bằng nội tệ nhưng có nợ bằng ngoại tệ - gặp rắc rối lớn. Điều này lại gây ra những tổn thất to lớn cho nền kinh tế trong nước, xói mòn niềm tin và càng khiến đồng nội tệ giảm giá sâu hơn. Những điều đang diễn ra ở Nga rất đúng với trường hợp này. 

Tuy nhiên ở Nga có một ngoại lệ. Thông thường một nước có quá nhiều nợ nước ngoài sẽ có thâm hụt cán cân thương mại và sử dụng nguồn vốn đi vay để nhập khẩu. Nga không có thâm hụt cán cân thương mại mà ngược lại còn có thặng dư khá vững chắc nhờ giá dầu cao. 

Vậy thì tại sao Nga lại đi vay nhiều đến vậy và tiền đã chảy đi đâu? 

Bạn có thể trả lời câu hỏi thứ hai bằng cách đi dạo quanh khu Mayfair ở London hay khu Thượng Đông của Mahattan, đặc biệt là vào buổi tối. Bạn sẽ nhìn thấy những “công dân” cao cấp: con cháu quan chức Trung Quốc, những ông hoàng dầu khí của Trung Đông và các bố già Nga. Giới nhà giàu Nga thường cất giữ tài sản ở bên ngoài quốc gia, trong đó bất động sản hạng sang chỉ là ví dụ dễ nhìn thấy nhất. Đổi lại là những khoản nợ ngày càng tăng cao ở quê nhà.
 
Bộ phận này lấy tiền ở đâu? Đó là những người thân cận với Tổng thống Putin. Mọi sự đều ổn thỏa khi giá dầu cao. Tuy nhiên giờ đây khi bong bóng đã vỡ, điều này khiến nước Nga khốn đốn. 

Chấm dứt tình trạng này bằng cách nào? Câu trả lời thường thấy là sử dụng chương trình của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong đó có những khoản vay khẩn cấp đi kèm với điều kiện cải cách. 

Rõ ràng đây không phải là điều đang xảy ra ở nước Nga và Nga sẽ cố gắng “tự thân vận động”. Có vẻ lần này chính hành động quyết đoán mạnh mẽ của ông Putin đã gây nên rắc rối. Một phong cách cởi mở hơn đòi hỏi ít tham nhũng hơn, ít nợ hơn và khả năng thích ứng với giá dầu giảm. Tất nhiên, cách này không thể gây ấn tượng mạnh cho ông Giuliani.

Thu Hương

huongnt

New York Times

Trở lên trên