MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Paul Krugman: Nước Mỹ đã để mất một tài sản quý

05-04-2009 - 15:11 PM | Tài chính quốc tế

Có lẽ thế giới đang nhìn nước Mỹ như siêu lừa Madoff của các nền kinh tế.

10 năm trước, tạp chí Time đưa Robert Rubin lên trang bìa, ông này sau đó trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ; Time sau đưa lên trang bìa ảnh Alan Greensapan – cựu chủ tịch FED và tiếp sau đó là Lawrence Summers.

 

Time vinh danh 3 người này thuộc nhóm anh hùng giải cứu thế giới, ngợi ca họ với việc lãnh đạo thành công hệ thống tài chính đứng đầu thế giới vượt qua khủng hoảng tài chính. Mặc dù nếu tính ra những khó khăn khi đó chỉ bằng một phần so với những gì chúng ta đang phải trải qua hiện nay.

 

Tất cả những người có vinh dự xuất hiện trên trang bìa đó đều là người Mỹ, thế nhưng dường như không ai nhận ra điều đó. Cuối cùng, vào năm 1999 Mỹ đứng đầu thế giới về ứng phó với khủng hoảng, đây là điều không ai nghi ngờ.

 

Mỹ có được vị thế đó bởi Mỹ giàu có. Điều đó cũng phản ánh Mỹ có vai trò kiểu mẫu trong việc này. Mọi người đều cho rằng Mỹ là nước làm tài chính giỏi.

 

Thời thế thay đổi

 

Nên nhớ rằng uy tín 2 người trong nhóm giải cứu thế giới trên từ đó đến nay đã sụt giảm rất nhiều, đây chính là chủ đề nóng của giới truyền thông. Chỉ riêng ông Summers, nay là trưởng Hội đồng kinh tế Quốc gia, vẫn có uy tín tốt. Điều quan trọng hơn là tuyên bố về một hệ thống tài chính mạnh, điều mà nước Mỹ vẫn đi rao giảng các nước khác về việc họ phải thay đổi ra sao, đã trở nên mất giá trị.

 

Có lẽ hiện nay thế giới nhìn nước Mỹ như siêu lừa Madoff của các nền kinh tế. Sau nhiều năm, họ nhận ra cái họ vẫn nể trọng cuối cùng thực chất tất chỉ là sự lừa đảo.

 

Hiện nay, việc đọc lại bài giảng của ông Summers năm 2000 khiến người ta không khỏi đau đớn, bài giảng này của ông nhận xét rằng khủng hoảng 1990 đang dịu bớt. Xét đến nguyên nhân của khủng hoảng, ông cho rằng những nước chịu khủng hoảng do họ thiếu vốn và những ngân hàng được quản lý tốt, như vậy khác nào ông khẳng định nước Mỹ đã làm được điều này.

 

Một trong những chuyên gia phân tích mà ông Summers nói đến trong bài giảng của mình chính là chuyên gia kinh tế học Simon Johnson. Trong một bài báo gần đây trên The Atlantic, ông Johnson trong vai trò cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và là giáo sư đại học MIT, tuyên bố những khó khăn hiện nay tại Mỹ khiến người ta nhớ tới khủng hoảng tại Nga hay Achentina.

 

Ông nhận xét tại Mỹ cũng như thế giới thứ ba chính những nhà tài chính là người gây ra khủng hoảng, họ nhận được hỗ trợ quá nhiều từ chính phủ và cuối cùng thất bại hoàn toàn. Đáng lo ngại hơn, họ đang dùng ảnh hưởng mà họ có được để ngăn những đổi mới cần thiết để cứu kinh tế khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

 

Công bằng mà nói, không phải chỉ ngân hàng ở Mỹ mới gặp khó khăn. Lãnh đạo nhiều nền kinh tế châu Âu cho đến nay vẫn phủ nhận về những vấn đề tồn tại trong hệ thống tài chính và nền kinh tế châu lục này dù trên thực tế vấn đề của họ cũng trầm trọng chẳng kém. Cho đến nay, cuộc khủng hoảng này đã tổn hại rất nhiều tới uy tín và khả năng đứng đầu thế giới của Mỹ.

 

Mọi chuyện thật tệ hại

 

Cũng giống như nhiều chuyên gia kinh tế khác, Paul Krugman đã xem lại những bài học thời Đại Khủng Hoảng để tìm ra lời giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Có một điều đáng chú ý là tác dụng của những kế hoạch giải cứu khi đó bị hạn chế bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới từ chối hợp tác.

 

Bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay khác rất nhiều so với trước đây, tuy nhiên yêu cầu các nền kinh tế lớn trên thế giới hợp tác không hề kém cấp bách. Tổng thống Obama đã đúng khi ông tuyên bố : “Tất cả chúng ta phải hợp tác với nhau để vực dậy nền kinh tế. Tất cả chúng tôi không muốn để xảy ra tình huống chính phủ một số nước nỗ lực cứu kinh tế còn các nước khác khoanh tay đứng nhìn.”

 

Câu chuyện hiện nay đúng như vậy. Theo Paul Krugman, ông không tin rằng những nỗ lực cứu kinh tế của Mỹ là đủ, tuy nhiên Mỹ đã đưa ra những biện pháp cứu kinh tế mạnh tay hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh G20 là cơ hội cho Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo kinh tế châu Âu hành động quyết liệt hơn.

 

Thực tế là hiện nay các nhà lãnh đạo các nền kinh tế không còn tâm trạng nào để nghe lời kêu gọi từ phía Mỹ dù phía Mỹ trong trường hợp này có nói đúng đi chăng nữa.

 

Khủng hoảng tài chính khiến nước Mỹ phải trả giá đắt. Và một trong những cái giá đó là uy tín của nước Mỹ đi xuống – một thứ tài sản quý giá mà nước Mỹ đã để mất trong thời điểm thế giới thật sự cần tài sản đó.

 

Ngọc Diệp

Theo Nytimes

ngocdiep

Trở lên trên