MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá giá tiền tệ: Bước đường cùng của Chủ tịch Tập Cận Bình

23-08-2015 - 15:08 PM | Tài chính quốc tế

Từ đầu tuần đến nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm ròng 150 tỷ Nhân dân tệ (23 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để hỗ trợ thanh khoản do ảnh hưởng từ tỷ giá. Vậy lý do thực sự khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải tốn hàng tỷ USD cho hệ thống tài chính là gì?

Trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối thập niên 90, hàng loạt các nền kinh tế đã đua nhau giảm giá đồng tiền để kích thích kinh tế. Trung Quốc khi đó trở thành một điểm sáng khi neo tỷ giá Nhân dân tệ vào đồng USD.

Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lại diễn ra, Trung Quốc một lần nữa cố định tỷ giá Nhân dân tệ vào đồng USD, đồng thời đưa ra các chính sách kích thích khổng lồ, theo đó thúc đẩy nhu cầu đối với mọi thứ, từ quặng sắt của Úc tới ô tô của Mỹ.

Vậy tại sao hiện nay ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) lại phá giá đồng tiền dù chưa có cuộc khủng hoảng lớn nào xảy ra? Tại sao PBOC không điều chỉnh giảm dần tỷ giá tham chiếu vào những khoảng thời gian khác nhau, điều mà các nền kinh tế khác đã làm, thay vào đó lại thay đổi hoàn toàn cách điều hành thị trường tiền tệ?

Các chuyên gia phân tích và một số quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết nước này đã không còn đủ các công cụ tài chính để đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng lớn dần tại chính Trung Quốc.

Wigram Capital - một trong những hãng dự đoán đúng đầu tiên về cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á - nhận định quyết định điều chỉnh tỷ giá của PBOC tuần trước phản ánh nền kinh tế thực tế của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với những con số chính thức mà chính quyền Bắc Kinh công bố. Sau 30 năm, mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc đã bị phá vỡ và tăng trưởng thực tế của nước này đang thấp hơn nhiều so với tất cả các dự báo trước đó. Vấn đề lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện nay là họ không có nhiều công cụ chính sách có thể lựa chọn như trước đây.

Từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa để lại được nhiều dấu ấn về kinh tế. Thay vào đó, người ta chỉ thấy một thị trường chứng khoán quá nóng, một bong bóng bất động sản đang xì hơi và một nền kinh tế giảm tốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn giữ tăng trưởng, nhưng làm thế nào để tăng trưởng khi nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc không tăng, người dân đang cố gắng tiết kiệm để giảm chi phí. Trong khi đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã không còn hiệu quả. Trung Quốc hầu như không thể ngày càng xây nhiều cầu đường, nhà ở, sân bay... mà không sử dụng do thừa công suất.

Khoản nợ 28 nghìn tỷ USD

Dự án Thành phố mới Kinh Tân là một ví dụ điển hình cho hàng trăm thành phố ma tại Trung Quốc, nơi mà nhiều khu vực cơ sở hạ tầng được phát triển nhưng người dân lại quá nghèo để có thể mua các căn hộ tại đây.

Trong khu vực dự án Kinh Tân, khách sạn Hyatt Regency xa hoa xây dựng theo phong cách Châu Âu với công suất 800 phòng nhưng chỉ dưới 10% số phòng được thuê mỗi đêm. Khu vực sân tennis trong nhà và các phức hợp khác bị đóng cửa và rỉ sét. Sau 7 năm mở cửa khai trương, khách sạn này ngày càng xuống cấp với nhiều cỏ dại mọc trên ban công các phòng.

Cổng chào tại khu dự án Kinh Tân

Khách sạnHyatt Regency tại Kinh Tân

Những căn biệt thự dở dang tại Kinh Tân Ký

Trong bán kính 15 km2 xung quanh đó, khoảng 2.000 biệt thự đã được xây, hàng trăm căn nhà khác đang được thi công và sẽ có khoảng 4.000 căn biệt thự được hoàn thành thêm trong tương lai. Ngân sách xây dựng những công trình này vay từ các ngân hàng quốc doanh, nhưng hầu hết các biệt thự ở đây đều bỏ trống, thậm chí bỏ hoang.

Dự án Kinh Tân chỉ là một phần trong khu dự án “Cuộc sống trong mơ tại Châu Âu” với tổng diện tích 105 km2, gần gấp đôi khu Manhattan-New York, hiện đang bị tạm đóng băng với nhiều giai đoạn xây dựng khác nhau. Theo một nhân viên của công ty xây dựng tại đây, họ đã phải ngừng xây dựng do không có người mua và hiện vẫn chưa rõ liệu công trình có được hoàn tất hay không.

Những thành phố ma là hậu quả của việc chính quyền Bắc Kinh cố gắng duy trì mức tăng trưởng mục tiêu thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong hơn một thập kỷ, kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi 2 động lực tăng trưởng chính là phân khúc sản xuất định hướng xuất khầu và tăng cường xây dựng các khu đô thị lớn, kể cả khi chẳng ai muốn sống ở đó.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu PBOC thực hiện một làn sóng cho vay khổng lồ, được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định như là chính sách nới lỏng tiền tệ lớn nhất trong lịch sử.

Hậu quả là tổng nợ của kinh tế nước này tăng từ 7 nghìn tỷ USD năm 2007 lên 28 nghìn tỷ vào giữa năm 2014, theo số liệu của McKinsey.

Nới lỏng định lượng kiểu Trung Quốc

Đa số các khoản tín dụng được doanh nghiệp vay được đưa vào ngành bất động sản và những ngành công nghiệp liên quan như sản xuất thép, xi măng, thủy tinh hay những ngành sản xuất đồ gia dụng cần thiết cho căn hộ mới như tủ lạnh, tivi, bóng đèn.

Phần lớn những khoản tài chính trên được chính quyền địa phương vay nợ và thực hiện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP theo chỉ đạo của Bắc Kinh và duy trì tình trạng thất nghiệp thấp bằng bất cứ giá nào. Tình trạng bùng nổ vay nợ và xây dựng trên thậm chí vẫn tiếp tục khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt hơn việc cho vay mua nhà nhằm kiềm chế bong bóng tín dụng cũng như bất động sản.

Khi đầu tư vào bất động sản bắt đầu suy giảm từ đầu năm đến nay, Trung Quốc lại bắt đầu đảo ngược các hạn chế đối với hoạt động vay mua nhà, đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất cho vay.

Trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc liên tục đưa ra những chính sách kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2015. Nỗ lực nổi bật đầu tiên là việc ngăn chặn đà sụp đổ của thị trường chứng khoán trong tháng 7/2015, bao gồm từ quyết định cấm các nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần đến việc các quỹ đầu tư nhà nước mua vào cổ phiếu.

Trong tháng trước, PBOC đã bơm gần 100 tỷ USD vào 2 ngân hàng quốc doanh để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương. Những ngân hàng này cũng được PBOC cho phép phát hành hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu nhằm tăng cường tín dụng.

Chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một kế hoạch lớn được nhiều chuyên gia mô tả như “chương trình nới lỏng định lượng kiểu Trung Quốc”, nhằm chuyển đổi các khoản nợ ngắn hạn chi phí cao sang các khoản nợ trái phiếu có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, hãng JP Morgan Chase cho biết ngay cả khi đảo nợ thành công, chính quyền địa phương nước này vẫn phải trả khoản tiền lãi khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (156 tỷ USD) từ những khoản vay nợ cũ trong năm nay.

Trớ trêu thay, doanh thu bán bất động sản, chiếm 40% khoản thu ngân sách của chính quyền địa phương, lại giảm mạnh trong năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương các cấp tại Trung Quốc đang phải vật lộn để thanh toán các khoản nợ ngày càng tăng của họ, đồng thời phải duy trì chi phí cho các dịch vụ công cơ bản. Hay hiểu theo cách khác, họ đã không còn đủ khả năng thực hiện một chương trình kích thích kinh tế như năm 2008.

Hãng JP morgan Chase cho rằng những khó khăn của chính quyền địa phương là nguyên nhân chính cho tình trạng giảm tốc từ đầu năm đến nay, đồng thời hạn chế hiệu quả của các biện pháp ổn định tăng trưởng kinh tế từ chính phủ.

Từ đầu năm 2015 đến nay, chính quyền trung ương đã cố gắng khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của nhà nước. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đã đổ hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ và các dự án lớn như xây dựng hệ thống đường sắt và đường bộ, cơ sở xử lý nước thải hay cải tạo những khu ổ chuột.

Tuy nhiên, những biện pháp này không thể bù đắp sự suy giảm đầu tư trong ngành công nghiệp sản xuất và vào các căn hộ chung cư. Vào tháng 7/2015, đầu tư tài sản cố định trên toàn quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 15 năm qua.

Chiến tranh tiền tệ

Mặc dù giao dịch và giá nhà trong những tháng gần đây tại các thành phố lớn đã có sự hồi phục nhưng thị trường bất động sản Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm bởi 70% các khoản đầu tư tài sản cố định được tập trung vào những thành phố nhỏ, hoặc khu vực không có nhu cầu cao như dự án Kinh Tân.

Ngân hàng UBS nhận định, ngay cả khi thị trường bất động sản tại các thành phố lớn hồi phục, lĩnh vực này vẫn sẽ khiến tăng trưởng GDP bị mất đi 1,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Tình trạng giảm tốc trong ngành xây dựng không chỉ khiến giá hàng hóa toàn cầu giảm mà còn suy giảm sản lượng sản xuất các lĩnh vực khác tại Trung Quốc như sắt thép, xi măng, thủy tinh và nguyên vật liệu xuống mức thấp kỷ lục trong những tháng gần đây. Cùng với tình hình dư thừa năng suất trong các ngành công nghiệp khác, chi phí sản xuất bình quân tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua.

Ngoài ra, UBS cho rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ Trung Quốc có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP trong tương lai gần nhưng không còn nhiều hiệu quả trong dài hạn. Nói theo cách khác, chính quyền Bắc Kinh cần phải tăng gấp đôi mức đầu tư cơ sở hạ tầng mới để có thể giữ tổng tăng trưởng đầu tư toàn quốc ổn định.

Hãng tin Financial Times nhận định khả năng này là không thể trong bối cảnh đầu tư quá mức vào bất động sản, tạo thành những thành phố ma như Kinh Tân hiện nay. Như vậy, với tình trạng tín dụng cao, dư thừa năng suất, bùng nổ bong bóng trên cả thị trường bất động sản và chứng khoán, Trung Quốc đã không còn nhiều lựa chọn để kích thích tăng trưởng kinh tế như họ đã làm trong đợt khủng hoảng lần trước.

Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền Bắc Kinh phải sử dụng loại vũ khí tài chính mà họ đã không triển khai trong hơn 2 thập kỷ. Tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng hiểu rằng hành động phá giá tiền tệ này có thể kích thích một cuộc chiến tiền tệ và kết quả cuối cùng chưa chắc đã là tươi sáng cho chính nước này. Trước động thái giảm giá Nhân dân tệ, đồng Ringgits của Malaysia và Rupiah của Indonesia đề giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ cuộc khủng hoảng Châu Á năm 1998.

Rõ ràng, Trung Quốc không còn nhiều lựa chọn, đặc biệt là khi ngành xuất khẩu quan trọng của nước này từ đầu năm đến nay hoạt động tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Quyết định giảm giá Nhân dân tệ của Bắc Kinh được đưa ra chỉ một ngày sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 7/2015 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hãng JL Warren Capital tin rằng đồng Nhân dân tệ phá giá là nhằm mục đích kích thích xuất khẩu khi các nhà hoạch định chính sách gần đây nhận ra một mình nhu cầu tiêu dùng nội địa là không đủ để ổn định nền kinh tế.

Trong các tuyên bố gần đây, PBOC đã công khai phủ nhận khả năng phá giá Nhân dân tệ 10% so với đồng USD. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng chậm lại và không còn nhiều công cụ kích thích có thể lựa chọn, một số cựu quan chức Trung Quốc cho rằng đây là điều sẽ xảy ra trong những tháng tới.

Theo Financial Times, đối mặt với sự tình trạng giảm tốc và không có nhiều công cụ kinh tế để lựa chọn, Trung Quốc không còn đủ sức thể hiện sức mạnh của mình như đã làm trong thập niên 90 và năm 2008. Thay vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo dường như đã quyết định mạo hiểm với nước cờ “chiến tranh tiền tệ.”

Theo Hoàng Nam

Người đồng hành

Trở lên trên