MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phép thử cho kinh tế Thái Lan

02-12-2013 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực Đông Nam Á vốn luôn tỏ ra bền vững trước bất ổn chính trị, rõ ràng là môi trường kinh doanh ở Thái Lan đang trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi các cuộc biểu tình chống chính phủ sôi sục ở Bangkok, chủ tịch của tập đoàn hóa dầu lớn nhất Thái Lan đã nhận thấy công việc kinh doanh đang bị gián đoạn.

 “Chúng tôi đã tính đến khả năng khủng hoảng chính trị sẽ kéo dài và tôi cho là bất ổn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của tập đoàn trong năm tới”, Bowon Vongsinudom – Chủ tịch của PTT Global Chemical Pcl nhận định sau khi biểu tình đã kéo dài nhiều ngày, trong đó có sự kiện Bộ Tài chính bị chiếm đóng.

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực Đông Nam Á vốn luôn tỏ ra bền vững một cách kỳ lạ trước bất ổn chính trị, rõ ràng là sự kiện lần này có thể khiến môi trường kinh doanh ở Thái Lan trở nên tồi tệ hơn. 

Ở Thái Lan, chi tiêu tiêu dùng đã sụt giảm kể từ đầu năm đến nay. Xuất khẩu – đóng góp 60% cho nền kinh tế 366 tỷ USD – đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lực cầu trên toàn thế giới yếu ớt. Chính phủ đã phải hạ dự báo tăng trưởng và hi vọng ngành du lịch (vốn tăng trưởng cao kỷ lục 22,3% trong 10 tháng đầu năm) sẽ có thể bù đắp những thiếu sót. 

Hình ảnh những con phố chật cứng người biểu tình thổi còi đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức tương phản với slogan "Amazing Thailand" của ngành du lịch Thái Lan. Theo Bộ Du lịch nước này, chỉ riêng trong tháng 11 (là tháng mà mùa du lịch bắt đầu lên đến cao trào), ngành du lịch đã thiệt hại khoảng 16 tỷ baht (tương đương 497,82 triệu USD).  

Các cuộc biểu tình cũng khiến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bị “đóng băng” trong nhiều tháng. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ sử dụng các dự án này để bơm 2.000 tỷ baht vào nền kinh tế. Thêm vào đó, Trong một báo cáo mới đây, Santitarn Sathirathai – chuyên gia kinh tế đến từ Credit Suisse – cho rằng mối nguy thực sự đến từ việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bị trì hoãn và ảnh hưởng đến ngành du lịch. Đây là hai nhân tố lớn chi phối GDP năm 2014 của Thái Lan. 

Đồng baht yếu cũng là một nhân tố. Kể cả trước khi biểu tình, đồng tiền này cũng đã rất mong manh trước những đồn đoán cho rằng Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ cắt giảm gói kích thích trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng.

Chỉ số tương quan giữa đồng baht và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã ở mức cao kỷ lục. Điều này có nghĩa là chắc chắn đồng baht sẽ lao dốc khi Fed thu hẹp biện pháp kích thích. Bởi vậy, các nhà đầu tự ngoại vốn đã ồ ạt đổ vốn vào Thái Lan nhằm tránh rắc rối ở Indonesia và Ấn Độ giờ đây có 2 lựa chọn để rời bỏ Thái Lan: lãi suất ở Mỹ tăng lên và bất ổn chính trị. 

Lâu nay, bất ổn chính trị không phải là cản trở lớn đối với kinh tế Thái Lan. Suốt 8 năm qua, nước này liên tục chứng kiến chính phủ bị lật đổ, biểu tình rầm rộ trên phố, sân bay và trung tâm mua sắm bị người biểu tình vây hãm. Mỗi lần như vậy, thị trường tài chính Thái Lan đều chao đảo nhưng sẽ sớm hồi phục. 

Thái Lan sẽ đứng vững?

Cuộc biểu tình đẫm máu nhất diễn ra vào tháng 4 và 5/2010, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài của năm 2010 tăng gần gấp đôi. TTCK tăng vọt 40,6% và GDP tăng trưởng 7,8% - mạnh nhất trong 15 năm. Đầu tư tư nhân tăng 14% và xuất khẩu cũng tăng tới 30%. Lượng khách du lịch quay trở lại các bờ biển của Thái Lan cao kỷ lục, tăng 12%. 

Theo Teeranan Srihong – chủ tịch của Kasikornbak Pcl, phần lớn dòng vốn không tập trung ở Bangkok. “Trái tim” của kinh tế Thái Lan ngành sản xuất có các nhà máy ở các tỉnh lân cận. Ông nhận định về dài hạn thì Thái Lan vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn. 

“Những người theo dõi sát Thái Lan sẽ nhận thức được nền kinh tế này phục hồi như thế nào”, Rahul Bajoria – chuyên gia kinh tế đến từ Barclays Capital nhận định. Tuy nhiên, Bajoria vẫn phải thừa nhận một số rủi ro. Trong trường hợp Quốc hội phải giải tán và bầu cử sớm, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn. 

Báo cáo kinh tế mới nhất cho thấy những kết quả tồi tệ hơn dự báo. Sản lượng công nghiệp của Thái Lan giảm tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 10. Xuất khẩu giảm 0,7% so với năm ngoái và chính phủ đã phải hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 3,7% xuống còn 3%. 

Động thái bất ngờ cắt giảm lãi suất cũng gây sức ép lên đồng baht. Tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán 1,5 tỷ USD trên TTCK Thái Lan. 

Thu Hương

huongnt

Reuters

Trở lên trên