MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau việc Trung Quốc lùng mua đồng Yên.

22-09-2010 - 10:05 AM | Tài chính quốc tế

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với thị trường ngoại hối hiện nay là: người Trung Quốc muốn gì?

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc quyết định đầu tư 2,5 nghìn tỷ USD dự trữ của mình vào đâu sẽ tác động mạnh tới giá trị các đồng tiền trên thế giới.

Rắc rối hơn ở chỗ thường thì Bắc Kinh vẫn giữ bí mật các quyết định của mình và các giao dịch viên (trader) phải đoán mò dựa trên các biến động của thị trường quốc tế.

Nhưng gần đây, Trung Quốc đã hé lỗ chút ít về kho ngoại hối mình đang nắm giữ.

Nhưng chỉ một chút thôi cũng đủ chứng minh Trung Quốc, đúng hơn là cái công việc bảo vệ tài sản nhà nước đầy chông gai của họ, có quyền lực lớn đến thế nào đối với đồng tiền của các quốc gia.

Lấy ví dụ như mới đây họ chú ý tới đồng Yên. Bộ trường Tài chính Nhật thông báo Trung Quốc đã bổ sung 7 tỷ USD tài sản tài chính định giá bằng đồng Yên trong tháng 7.

Nhiều người cho rằng họ chủ yếu mua vào trái phiếu chính phủ Nhật. Dù sao thì Trung Quốc cũng đã mua một lượng kỷ lục các tài sản bằng đồng Yên. Vậy nghĩa là sao?

Tức là nhiều khả năng Trung Quốc đang cố đa dạng hóa kho ngoại hối của mình, đặc biệt là sau những biến động của đồng euro trong năm nay trong bối cảnh khủng hoảng nợ toàn khu vực.

Nhưng quan trọng hơn là việc Trung Quốc quan tâm đồng Yên sẽ tác động lớn tới nền kinh tế Nhật Bản.

Đồng Yên tuần này đã chạm mức cao nhất so với đồng USD trong vòng 15 năm. Đồng Yên lên giá sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật Bản và khiến quá trình phục hồi thêm khó khăn.

Động thái mua vào của Trung Quốc có lẽ là một lý do khiến đồng tiền này lên giá.

Theo tờ The Wall Street Journal, Trung Quốc mua chưa đủ mạnh để ảnh hưởng lớn tới giá trị đồng Yên, nhưng lại khiến các nhà quản lý quỹ lại nối gót Trung Quốc tăng cường nắm giữ đồng Yên.

Điều đó minh chứng rõ ràng cho tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với tiền tệ thế giới hiện nay. Bắc Kinh phần nào đó có thể quyết định sự biến động của các đồng tiền lớn trên thế giới.

Nhưng quyền lực ấy lại là con dao hai lưỡi. Kho ngoại hối của Trung Quốc quá lớn nên các nỗ lực đa dạng hóa chúng có lợi mà cũng có hại đối với việc bảo tồn giá trị.

Với đồng USD thì điều này đặc biệt đúng. Trung Quốc đang giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ từ 900 tỷ USD hồi tháng 4 xuống còn 844 tỷ USD vào tháng 6. (Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ).

Nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc đang dìm giá đồng USD. Điều đó nhiều khả năng sẽ không sớm diễn ra. Làm vậy sẽ khiến số USD Trung Quốc nắm giữ mất giá.

Nếu như một động thái tương đối nhỏ của Trung Quốc có thể góp phần quyết định giá trị của đồng tiền thì hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ diễn ra nếu trong ngắn hạn Trung Quốc mạnh mẽ thay đổi chính sách của mình đối với đồng USD.

Và vì thặng dư thương mại lớn nhất của Trung Quốc là với Mỹ nên USD sẽ tiếp tục đổ về nước này và buộc Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào các tài sản bằng USD.

Đó là lý do vì sao bất chấp các nỗ lực đa dạng hóa bền bỉ kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chủ yếu vẫn là USD. Thế giới mới chỉ biết rất ít về cơ cấu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đăng trong báo cáo mới đây trên tờ China Securities Journal.

Theo báo cáo này, 65% dự trữ ngoại hối là bằng đồng USD, tức khoảng 1,6 nghìn tỷ USD. Báo cáo này cho biết, phần còn lại gồm 26% bằng đồng euro, 5% bằng đồng Bảng Anh và 3% là Yên Nhật.

Do đó dù Trung Quốc có ưu tiên mua trái phiếu khác thì tài sản của họ vẫn chủ yếu được định giá bằng đồng USD. Vì thế quốc gia này sẽ chịu không ít ảnh hưởng nếu giá trị của đồng bạc xanh biến động mạnh.

Giải pháp của Trung Quốc đối với vấn đề này là đồng tiền của chính họ, đồng nhân dân tệ (RMB). Bắc Kinh đang nỗ lực hết mình để đồng RMB được sử dụng rộng rãi hơn trong giao dịch và tài chính quốc tế.

Mới đây Nga thông báo nước này sẽ tiến hành các giao dịch bằng đồng RMB và rúp Nga trước cuối năm nay. Đây là một động thái có phần mang tính biểu tượng.

Hiện vẫn chưa được phép tự do chuyển đổi nên đồng RMB còn cả một quãng đường dài phía trước nếu muốn trở thành một đồng tiền quốc tế quan trọng.

Nhưng chừng nào Bắc Kinh còn tiếp tục đi theo con đường ấy, chắc chắn một ngày nào đó đồng RMB sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Điều đó phản ánh một trong những xu hướng lớn trong 20 năm sắp tới, đó là sự nổi lên của các nước đang phát triển không chỉ với tư cách đầu tàu công nghiệp và tiêu dùng toàn cầu, mà còn cả trong lĩnh vực tiền tệ, đầu tư và tài chính nữa.

Minh Tuấn
Theo FT

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên