MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Philippines là phép màu tiếp theo của châu Á?

23-05-2014 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Trong những năm gần đây, Philippines là một trong những nước có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực Đông Á, được biết tới với những thành tựu đáng kinh ngạc trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2013, Philippines xếp hạng 59 trên 148 nước có môi trường cạnh tranh tốt nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn nhiều nước trong khu vực  như Thái Lan và Malaysia, đạt 7,2% năm 2013 và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở mức 9,5% năm 2015. Sự tăng trưởng này được cho là kết quả của việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Nửa đầu năm 2014, thống kê cho thấy chính phủ đã chi khoảng 49,8 tỷ peso cho lĩnh vực này, tăng hơn 16,4 tỷ peso so với cùng kỳ năm ngoái.

Một tín hiệu đáng mừng khác là việc Philippines được tổ chức xếp hạng tín dụng thế giới Standard & Poor's đánh giá cao, nâng từ mức BBB- trong quá khứ lên BBB. Điều này không chỉ giúp tăng cường thu hút các nhà đầu tư  nước ngoài mà còn giúp chính phủ hưởng nhiều ưu đãi trong các khoản vay quốc tế.

Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là liệu Philippines có thể tiếp tục mức tăng trưởng lâu dài và bền vững trong thời gian tới? Trong khi nước này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như tình trạng đói nghèo, thiếu hụt việc làm, bất bình đẳng giới.

Tại phiên thảo luận có chủ đề "Philippines: The next Asian miracle' (tạm dịch: Philippines: Phép màu tiếp theo của châu Á" diễn ra sáng 22/5, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Đông Á 2014.

Kevin Lu – đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng sự tăng trưởng ổn định kinh tế, chính trị sẽ  giúp Philippines thu hút thêm nhiều vốn FDI trong khoảng 2 - 4 năm tới. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn khá thận trọng bởi họ đã chứng kiến nhiều kinh nghiệm tăng trưởng “thần tốc” từ các nền kinh tế châu Á khác trong quá khứ như Trung Quốc, Singapore… và điều này luôn đi kèm với nhiều rủi ro khó dự đoán trước.

Karim Raslan – giám đốc điều hành tập đoàn KRA chia sẻ: việc tiếp cận thị trường Philippines ”hóc búa” hơn nhiều so với Indonesia bởi thị trường nhỏ và chứa nhiều rủi ro. Chúng tôi đánh giá cao nền dân chủ của Philippine, tuy nhiên những xáo trộn chính trị trong thời gian gần đây khiến nhiều hoạt động đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Manuel V. Pangilinan – đại diện cho doanh nghiệp tư nhân tại Philippines đưa ra lo ngại về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, giá cả năng lượng, phát triển nông nghiệp… Philippine phải chịu mức giá nhiên liệu gần như cao nhất trong khu vực, 30% than đá phải nhập khẩu. Vì vậy, lượng vốn đầu tư FDI ở Philippine khá khiêm tốn vào khoảng 2,1 tỷ USD (2013) so với Việt Nam – 8,9 tỷ USD hay Indonesia - 19 tỷ USD. Tuy vậy, Ramon R. Jimenez – Bộ trưởng bộ du lịch Philippine tỏ ra lạc quan khi cho rằng việc Phillippine cung cấp lao động cho thế giới trong các ngành công nghệ (IT), dịch vụ, y tá, đánh cá… chính là nguồn đầu tư FDI lớn nhất.

Bà Manuel V. Pangilinan – giám đốc điều hành tập đoàn Convergys cho rằng Philippine có lợi thế tiếng Anh giọng Mỹ khá chuẩn, vì vậy ngành BPO (Business Process Outsourcing – Dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh ) bao gồm phát triển Game, ủy thác nghiệp vụ kế toán… sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để tăng cường sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Myanmar, chính phủ Philippines cần “một chiến lược và tầm nhìn dài hạn”, chấp nhận rủi ro và có những động thái “mạnh tay” trong việc cải thiện môi trường cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giá cả năng lượng, tăng cường giáo dục, tập trung phát triển các ngành dịch vụ như du lịch để tận dụng lợi thế trung tâm của khu vực Đông Á.

Cùng với tiến trình hội nhập mở cửa ASEAN năm 2015, Philippines không chỉ có thêm nhiều cơ hội phát triển thị trường, thu hút đầu tư mà phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước trong khu vực. Tuy vậy, người dân Philippines rất lạc quan và tin tưởng chính phủ sẽ có những cải cách thích hợp để duy trì sự phát triển “thần kỳ” bền vững và ổn định, giúp Philippines trở thành “nước Mỹ của châu Á”. 

Thảo Phương

huongnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên