MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phương pháp giảng dạy kinh tế học: Đi tìm con đường mới

20-02-2015 - 20:36 PM | Tài chính quốc tế

Khi khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 2007-08, nhiều sinh viên theo học ngành kinh tế nhận thấy họ được trang bị rất ít kiến thức để có thể trả lời câu hỏi nền kinh tế gặp vấn đề ở đâu và làm cách nào để sửa chữa những lỗ hổng trong nền kinh tế

Nội dung nổi bật:

- Phương pháp giảng dạy kinh tế học hiện đã tỏ ra không phù hợp vì lý thuyết không theo kịp được với thực tế

- Một số trường học đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới áp dụng nhiều bài học thực tiễn hơn

“Tôi không quan tâm ai viết nên các bộ luật quốc gia hay ai soạn thảo những hiệp ước tân tiến nếu tôi có thể biên soạn những cuốn sách giáo khoa kinh tế”. Nhà kinh tế học người Mỹ Paul Samuelson đã nói như vậy và có vẻ như ông đã đạt được mục tiêu khi trở thành tác giả của một cuốn sách kinh tế thuộc dạng bestseller (bán chạy nhất). Tuy nhiên, cuộc tranh luận về phương pháp giảng dạy bộ môn này đang trở nên gay cấn nhất ở nước Anh.

Khi khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 2007-08, nhiều sinh viên theo học ngành kinh tế nhận thấy họ được trang bị rất ít kiến thức để có thể trả lời câu hỏi nền kinh tế gặp vấn đề ở đâu và làm cách nào để sửa chữa những lỗ hổng trong nền kinh tế. Mặc dù các nhà nghiên cứu từ những trường đại học hàng đầu đã nghiên cứu về khủng hoảng tài chính, công việc của họ chưa đủ để tạo nên những kiến thức phù hợp với việc giảng dạy. Trong khi đó các khóa học ở trình độ cao hơn lại tập trung vào những vấn đề thậm chí khô khan hơn và không hề thay đổi dù nhiều thập kỷ đã trôi qua.

Trước thực trạng này, một số nhà kinh tế học đang cố gắng phân tích những vấn đề nóng bỏng như khan hiếm tín dụng, các gói cứu trợ dành cho các ngân hàng hay nới lỏng định lượng. Các ông chủ phàn nàn rằng những ứng viên nộp hồ sơ xin việc có năng lực nhưng rất yếu trong khâu liên hệ với thực tiễn.

Sinh viên cũng tỏ ra không hài lòng với phương pháp giảng dạy hiện nay. Những nhóm như Rethinking Economics đã xuất hiện. Các giáo viên cũng phản ứng. Đại học College London (UCL) đã sử dụng một chương trình học hoàn toàn mới là kết quả của dự án được dẫn dắt bởi giáo sư Professor Wendy Carlin. Vị giáo sư này cho rằng các cuốn sách giáo khoa kinh tế trước đây đều mắc sai lầm trong cách tiếp cận. Họ dạy về những khái niệm như cung và cầu với những ví dụ quá đơn giản. Chương trình mới sẽ đem đến những chủ đề giống với đời thực ngay từ những buổi học đầu tiên. Ví dụ, bài giảng về nguồn cung lao động được bắt đầu với lịch sử tăng trưởng của tiền lương thực tế. Chương trình mới cũng thừa nhạn những hạn chế của các mô hình cơ bản: sự đánh đổi giữa hiệu quả và công bằng được đề cập từ rất sớm.

Mặc dù giáo sư Carlin và các đồng nghiệp của bà đã thay đổi đáng kể phương pháp giảng dạy, nội dung của khóa học vẫn là những điều phổ biến và quen thuộc. Tuy nhiên, Rethinking Economics muốn chương trình học đề cập đến cả những trường phái kinh tế học không chính thống. Ví dụ, các mô hình kinh tế học phổ biến phụ thuộc quá nhiều vào khái niệm cân bằng – trạng thái mà trong đó không ai có lợi thế để thay đổi hành vi của họ. Nhiều người cho rằng không thể có trạng thái cân bằng trong thế giới thực và do đó các lý thuyết phát triển từ khái niệm này bị sai lệch. Rethinking Economics muốn thảo luận nhiều hơn về tâm lý học trên con đường đi tìm phương pháp tiếp cận tối ưu nhất.

Có hai câu hỏi nổi lên. Thứ nhất, liệu các khóa học này có thể trang bị cho sinh viên những điểm quan trọng nhất của các nghiên cứu hàn lâm chính thống? Thứ hai, các nhà kinh tế học trẻ tuổi có nên học những thứ phức tạp hơn? Bạn sẽ cảm thấy kỳ quặc nếu chương trình học quá khác biệt so với các kiến thức hàn lâm truyền thống. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc các học thuyết chính thống phải đuổi kịp nhu cầu của sinh viên.

Thu Hương

PV

Economist

Trở lên trên