MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quân đội Mỹ sẽ do Hàn Quốc chỉ huy nếu Kim Jong Un tấn công

04-04-2013 - 15:40 PM | Tài chính quốc tế

Tăng quyền lực là tăng trách nhiệm (tức phải chi thêm). Hàn Quốc đang lo không biết kiếm đâu ra tiền.

Lính Hàn Quốc sẽ ở tuyến đầu nếu Triều Tiên tấn công sau khi Mỹ trao quyền chỉ huy quân đội thời chiến cho Hàn Quốc vào năm 2015. Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un gần đây liên tục gây hấn, từ thử hạt nhân, đe dọa tấn công hạt nhân tới tuyên bố “tình trang chiến tranh.”

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sẽ phải chi thêm cho quốc phòng giữa lúc tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi tiêu phúc lợi tăng thêm.

Khả năng quân sự có thể cũng là một vấn đề nữa: trong số 9 lính Hàn Quốc theo học khóa huấn luyện tấn công đường không gần đây, chỉ có một người đạt.

Quyền chỉ huy thời chiến

“Hàn Quốc đã và sẽ đảm nhận nhiều vai trò trong trường hợp chiến tranh thông thường, nhưng muốn ngăn chặn toàn diện Triều Tiên thì họ vẫn phải dựa vào Mỹ,” cựu Giám đốc CIA tại Hàn Quốc và nay là nhà phân tích tại Quỹ di sản tại Washington, ông Bruce Klingner, nói.

“Quân đội Hàn Quốc lúc nào cũng có vô số nhược điểm cần khắc phục.”

Người Mỹ vẫn giữ quyền chỉ huy quân đội Hàn Quốc trong trường hợp có xung đột kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Đến ngày 1/12/2015, quyền này sẽ được trao trả lại cho Hàn Quốc, còn Mỹ chỉ giữ vai trò hỗ trợ.

Thêm quyền lực là thêm trách nhiệm, Hàn Quốc sẽ phải tăng cường năng lực do thám và tình báo, khả năng tiến hành tấn công chính xác, theo GS Kwon Heon Chul từ ĐH Quốc phòng Hàn Quốc.

Kiếm đâu ra ngân sách mà chi là câu hỏi khó. Hai đời TT gần đây đều từ chối đưa ra con số cụ thể, nhưng thời TT Roh Moo Hyun, người ta đã dự tính chi phí trong vòng 15 năm là 556 tỷ USD, tức mỗi năm chi quốc phòng phải tăng khoảng 10%, gấp đôi con số hiện nay.

Tiền đâu mà chi?

Ngân sách quốc phòng Hàn Quốc năm nay sẽ tăng 4,2% lên 34,3 nghìn tỷ Won, tức 10% tổng ngân sách.

Đồng thời, TT Park Geun Hye hứa sẽ chi 135 nghìn tỷ Won trong vòng 5 năm tới cho các chương trình phúc lợi mà không tăng thuế trong khi năm nay thu ngân sách hụt mất 12 nghìn tỷ Won.

TT Park vừa mới hối thúc chính phủ nước này “nhanh chóng” trình dự thảo một đạo luật kích thích kinh tế nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Tăng trưởng kinh tế tiềm năng đang trong xu hướng giảm,” No Hoon, nhà phân tích tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nói. “Tăng chi phúc lợi xã hội sẽ tạo áp lực cắt giảm ngân sách quốc phòng.”

Áp lực ấy gia tăng đúng lúc nước Mỹ cũng phải vật lộn vì ngân sách quốc phòng bị Quốc hội cắt thêm 41 tỷ USD.

Căng thẳng leo thang

Bán đảo Triều Tiên hiện căng thẳng nhất kể từ năm 2010. Hồi tháng 2, Triều Tiên vừa thử vũ khí hạt nhân và tuyên bố cuộc tập chân trung thường niên Mỹ-Hàn kéo dài tới cuối tháng 4 đã đẩy cả khu vực tới bờ vực chiến tranh.

Hôm qua, Bình Nhưỡng đã ngăn không cho người Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung của hai miền, một ngày trước đó, Triều Tiên tuyên bố tái khởi động tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Triều Tiên có trên 250 hệ thống pháo tầm xa đủ khả năng oanh tạc Seoul. Quân đội 1,2 triệu người của Triều Tiên đông gần gấp đôi Hàn Quốc.

Để đối phó với mối đe dọa kể trên, Mỹ đã cử chiến đấu cơ F-22 Chim ăn thịt tới Hàn Quốc cùng các máy bay ném bom B-2 và B-52, cả hai đều có khả năng tấn công hạt nhân.

Theo hai nhà phân tích Thomas Byrne và Steffen Dyck của Moody, có liên minh với Mỹ, Hàn Quốc mới đảm bảo giữ được xếp hạng tín dụng ổn định.

Seoul nao núng?

Những động thái leo thang gần đây làm xuất hiện nhiều lời kêu gọi trì hoãn chuyển giao quyền chỉ huy quân đội thời chiến từ nhiều tướng lĩnh Hàn Quốc đã nghỉ hưu và cả đương kim Giám đốc Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc Nam Jae Joon.

Hàn Quốc và Mỹ đã lùi thời hạn chuyển giao quyền chỉ huy ban đầu vào tháng 4/2012 sau vụ tàu chiến Hàn Quốc bị đắm làm 46 thủy thủ thiệt mạng hồi năm 2010.

“Không phải là quá nếu nói tất cả ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc kể từ cuộc chiến cách đây 6 thập kỷ đều là để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao này,” nghiên cứu viên cao cấp tại Diễn đàn Quốc phòng an ninh Hàn Quốc, ông Yang Uk, nói.

“Nếu thế đã là đủ, thì có lẽ hai bên đã chuyển giao xong rồi.”

Đại úy Hàn Quốc Jeong Yi Hun nói anh tin chắc nước mình đã đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ đó.

“Người Mỹ có thể sở hữu những vũ khí ấn tượng, nhưng chúng tôi có thứ họ không có: chúng tôi không sợ,” Jeong nói. “Vì đất nước, nhảy vào chỗ chết cũng đáng.”

Hương Giang

tuannm

Bloomberg

Trở lên trên