MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ từ thiện của Somaly Mam đổi tên

18-06-2014 - 18:33 PM | Tài chính quốc tế

Trong một thông báo được đưa ra thứ 6 tuần trước (13/6), giám đốc điều hành của Somaly Mam Foundation (SMF) là Gina Reiss-Wilchins cho biết tổ chức này “đang làm việc không ngừng nghỉ để tìm ra giải pháp tốt nhất’.

Sau sự kiện gây chấn động về Somaly Mam – hình ảnh biểu tượng về đấu tranh cho phụ nữ và nhân quyền ở Campuchia, tổ chức phi chính phủ mang tên cô là Somaly Mam Foudation đã đưa ra cam kết sẽ đổi tên. Tháng trước, Somaly Mam vừa xin rút lui khỏi tổ chức từ thiện mang tên cô, giữa những cáo buộc cho rằng cô đã nhào nặn nên những tình tiết trong câu chuyện của mình. 

Trong một thông báo được đưa ra thứ 6 tuần trước (13/6), giám đốc điều hành của Somaly Mam Foundation (SMF) là Gina Reiss-Wilchins cho biết tổ chức này “đang làm việc không ngừng nghỉ để tìm ra giải pháp tốt nhất’. SMF sẽ được "đổi tên, tái định vị thương hiệu và ra mắt lại”, bà nói. 

Sự kiện nhà hoạt động chống buôn người nổi tiếng nhất ở Campuchia từ chức diễn ra chỉ vài ngày sau khi Newsweek xuất bản bài viết cho rằng những phần chủ chốt trong câu chuyện của Mam là bịa đặt. Trong đó, những câu chuyện về trại trẻ mồ côi và làm nô lệ tình dục thời niên thiếu gây ra nhiều nghi vấn. 

Hồi tháng 3, SMF đã từng thuê công ty luật Goodwin Proctor của Mỹ thực hiện một cuộc điều tra độc lập đối với những cáo buộc dành cho Mam. Một nhân vật khác trong vụ scandal này là Long Pros. Pros là nạn nhân xuất hiện trong các chiến dịch truyền thông gây quỹ của SMF. 

Tổ chức của Mam cho biết Pros bị bán vào một nhà thổ, bị lạm dụng và tra tấn. Cây bút Nicholas Kristof của New York Times là người đầu tiên mang câu chuyện ra ánh sáng. Sau những phát hiện của Goodwin Proctor, SMF ngay lập tức cắt đứt mọi mối quan hệ với Pros.

Mam cũng bị buộc tội đã bóp méo câu chuyện của một người phụ nữ khác là Meas Ratha trong một bộ phim tài liệu của Pháp năm 1998.

Năm 2012, Mam từng thú nhận đã bịa chuyện khi nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng tám cô gái trẻ mà cô giải cứu từ nhà thổ bị quân đội Campuchia sát hại hồi năm 2004.

SMF cũng đưa ra thông báo đây là một tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký và được kiểm toán hàng năm. Kết quả kiểm toán năm 2013 sẽ được công bố trước ngày 15/11.

 “Chúng tôi cần phải làm nhiều việc quan trọng. Cam kết đấu tranh cho phụ nữ và nhân quyền chắc chắn sẽ không bị lung lay”.

Thu Hương

huongnt

Phnompenh Post

Trở lên trên