MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ruble lao dốc, người tiêu dùng Nga gặp khó

07-05-2014 - 19:40 PM | Tài chính quốc tế

Những người tiêu dùng Nga giờ đây phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với mấy tháng trước để chất đầy xe chở hàng khi đi mua sắm.

Trong khi NHTW Nga cố gắng bảo vệ đồng ruble khỏi mất giá trước khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Vasily Isaev nhận thấy đã quá trễ để cứu lấy kế hoạch đi nghỉ ở Italy. 

“Nếu bạn nhận lương bằng đồng ruble, sẽ khá khó khăn để thể trang trải cho một chuyến du lịch châu Âu. Chúng tôi sẽ tới Bulgaria thay vì Italy và phải thuê một căn hộ ở xa bờ biển hơn”, Isaev nói. Anh hiện 37 tuổi và là một giám đốc kinh doanh sinh sống ở vùng trung tâm của thủ đô Moscow.

Những người tiêu dùng như Isaev giờ đây phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với mấy tháng trước để chất đầy xe chở hàng khi đi mua sắm. Đồng ruble đang giảm giá trong khi tỷ lệ lạm phát tăng nhanh. Và, tiêu dùng sụt giảm đe dọa sẽ khiến một trụ cột khác của nền kinh tế đổ vỡ trong bối cảnh lệnh cấm vận khiến dòng vốn tháo chạy.

Bất chấp những tác động của NHTW Nga, đồng nội tệ của Nga đã giảm giá 7,2% kể từ đầu năm đến nay và trở thành đồng tiền có diễn biến tồi tệ thứ 3 trong số 24 đồng tiền mới nổi của thế giới. Tháng 4, đồng ruble giảm 0,5%. 

(Xem thêm: Kinh tế Nga ngấm đòn trừng phạt)

NHTW Nga đã nâng lãi suất cơ bản thêm 2 điểm phần trăm kể từ tháng 3 tới nay. Nga cũng can thiệp vào thị trường ngoại tệ để ngăn chặn “vòng xoáy giảm giá đồng nội tệ”. Theo thông tin đăng tải trên website của Ủy ban tiền tệ Nga, cơ quan này đã bán ra 22,3 tỷ USD và 2,3 tỷ euro trong tháng 3. 

Các hàng hóa được nhập khẩu vào Nga đã trở nên đắt đỏ hơn. Hiệu tóc của Narine Karapetyan của nằm ở Maloyaroslavets (cách Moscow 75 dặm về phía Tây Nam) đang phải chịu những tác động tiêu cực khi giá các sản phẩm chăm sóc tóc nhập khẩu tăng gấp đôi. 

“Quần áo, giày dép, thực phẩm … tất cả đều trở nên đắt đỏ hơn”, Karapetyan nói. Cô không thể đóng cửa hàng và chắc chắn sẽ buộc phải nâng giá dịch vụ. 

Những quyết định giống như quyết định mà Karapetyan đưa ra đã đẩy tăng lạm phát của Nga. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,3% trong tháng 4 – tăng nhanh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. 

Sức tiêu dùng sụt giảm càng làm vấn đề dòng vốn tháo chạy trở nên tồi tệ hơn. Chỉ trong quý I đã có 50,6 tỷ USD bị rút khỏi Nga trong khi con số của cả năm 2013 là 63 tỷ USD. 

“Mọi thứ đều đang ở tình trạng tồi tệ, thu nhập không tăng trưởng, nền kinh tế cũng không tăng trưởng và bởi vì đồng ruble mất giá, lạm phát đang leo thang’, Olga Sterina – chuyên gia kinh tế tại UralSib phát biểu hôm 21/4.

Các chuỗi siêu thị của Nga đã chuyển phần chi phí nhập khẩu đắt đỏ vào mức giá mà người tiêu dùng phải chịu. Khi các nhà cung cấp của X5 Retail Group tăng giá hàng hóa, siêu thị lớn thứ 2 ở Nga buộc phải tăng giá các mặt hàng nhập khẩu đang bày trên kệ thêm 15%.  

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tệ. Với khoảng một nửa thu ngân sách đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên, chính phủ Nga được hưởng lợi nhiều nhất khi đồng ruble giảm giá.  

Theo ước tính, doanh thu của các nhà xuất khẩu năng lượng sẽ nhận thêm 2.000 tỷ ruble (tương đương 56,5 tỷ USD) do đồng ruble giảm giá. Họ sẽ đóng góp thêm 900 tỷ ruble vào ngân sách khi nộp thuế.

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên