MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Saudi Arabia muốn thoát khỏi dầu

23-04-2015 - 15:22 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Saudi Arabia đang đổ khá nhiều tiền vào việc thực thi các chính sách kinh tế, khi đầu tư hơn 70 tỷ USD để xây dựng tới 6 thành phố mới với cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường kinh doanh thân thiện.

Tháng 12 năm ngoái, khi Mars, nhà sản xuất kẹo Hoa Kỳ, mở nhà máy đầu tiên ở Saudi Arabia, những người nghiện đồ ngọt nơi đây đã nhiệt liệt vỗ tay hoan hô. Các nhà hoạch định chính sách của nước này cũng vui mừng không kém.

Đây được coi là dấu hiệu của tiến bộ trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chế tạo phát triển hơn về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa khi ngành này chiếm tới 45% GDP và 80% nguồn thu của chính phủ. Lâu nay, tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo chỉ chiếm khoảng 10% GDP, phần lớn số đó chỉ giới hạn trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cơ bản như hóa chất công nghiệp. Với trữ lượng dầu thô khổng lồ giá rẻ, việc giá dầu giảm mạnh gần đây càng khiến mục tiêu trên trở nên hợp lý.

Nhà máy của Công ty Mars được xây dựng ở King Abdullah, một trong số 6 “thành phố kinh tế” nằm ven bờ biển Đỏ. Saudi Arabia hy vọng việc đổ hơn 70 tỷ USD để xây dựng 6 thành phố này sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế tạo. Thực tế, nhiều nhà sản xuất nhôm lớn đã thành lập cơ sở sản xuất tại đây, trong đó có Tập đoàn Alcoa của Hoa Kỳ.

Một số công ty chế biến thực phẩm lớn Saudi Arabia cũng đã có sản phẩm xuất khẩu ra khu vực. Giờ đây chính phủ muốn thu hút nhiều công ty chế tạo chất dẻo thành vật liệu đóng gói, biến nhôm thành linh kiện ô tô, thậm chí một chiếc xe hoàn thiện. Một số hãng sản xuất ô tô lớn của thế giới đang chuyển từ vật liệu thép sang nhôm dùng cho khung xe và đang có ý định lấy Saudi Arabia làm căn cứ sản xuất chính, như Tập đoàn Jaguar Land Rover của Ấn Độ.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế là đất nước có người tiêu dùng giàu, có vị trí trung tâm, nằm giữa châu Á và châu Âu và có nguồn lao động nước ngoài dồi dào, giá rẻ, nhiều nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia rất khó cạnh tranh với Trung Quốc về quy mô và giá thành sản xuất. Hơn nữa, Saudi Arabia là nơi khó để hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cần thu hút nhân công lành nghề từ nước ngoài, nhưng lại bị hạn chế bởi những quy tắc xã hội nghiêm khắc, đặc biệt với phụ nữ, những người bị cấm lái xe và phải mặc abaya - một loại áo choàng đen chùm kín hết người - ở nơi công cộng. Trong khi đó, chính phủ Saudi Arabia đưa ra nhiều hợp đồng lớn để dụ nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại có xu hướng chỉ dành những hợp đồng đó cho những tập đoàn chiếm vị trí hàng đầu trong từng ngành công nghiệp.

Và doanh nghiệp nước ngoài buộc phải sử dụng một tỷ lệ người Saudi Arabia nhất định, nên rất khó tìm được người có chuyên môn. Nhiều công ty phụ thuộc vào chi tiêu công nên có rất ít động lực để sáng tạo. Saudi Arabia cũng đụng phải một đối thủ trên con đường nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất, chế tạo của khu vực: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). UAE  không dư dả tiền bạc, nhưng có nhiều lợi thế hơn Saudi Arabia. Các vùng thuộc UAE được quản lý tốt hơn, mở cửa thông thoáng hơn với thế giới bên ngoài. Cụ thể, Boeing đang lên kế hoạch sản xuất một số bộ phận máy bay tại Abu Dhabi.

Theo các chuyên gia, thay vì nhắm đến mục tiêu thu hút các nhà máy công nghiệp lớn, Saudi Arabia nên làm tốt hơn việc khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ ở các ngành nghề như viễn thông và dịch vụ công nghệ thông tin. Và hơn lúc nào hết, quan chức Saudi Arabia có thể tham khảo những nỗ lực của các nước trong việc tạo ra các tổ hợp công nghiệp đã thành công, như ngành điện tử ở Đài Loan hay đóng tàu ở Hàn Quốc.

Theo Ngọc Trang

PV

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên