MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ không có cuộc cách mạng công nghiệp giải cứu nước Mỹ?

16-10-2012 - 11:14 AM | Tài chính quốc tế

Thời kỳ của các cuộc cách mạng công nghiệp với những cải tiến đột phá đã “lùi sâu vào dĩ vãng”.

Trong nghiên cứu mới đây, Robert J. Gordon, chuyên gia kinh tế tại đại học Northwestern đã vẽ ra 1 tương lai khá tăm tối cho nước Mỹ. Theo lập luận của ông, thời kỳ của cách mạng công nghiệp với những cải tiến đột phá đã “lùi sâu vào dĩ vãng”.

Theo Gordon, trong lịch sử, nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1750 và kết thúc vào năm 1830 với đầu máy hơi nước và đường ray. 

Cuộc cách mạng lần thứ 2 gắn liền với công nghiệp điện, nước, hóa chất, dầu mỏ và diễn ra từ năm 1870 đến 1900. Từ năm 1960 đến nay, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của máy tính, trang web và điệnt hoại di động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.
 
Đi kèm với mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là 1 thời kỳ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau cách mạng lần thứ 2. Nước Mỹ chứng kiến thời kỳ sản lượng tăng trưởng mạnh mẽ kéo dài tới 80 năm, từ năm 1890 đến 1972. 

Tuy nhiên, sau khi những phát minh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 (máy bay, máy điều hòa nhiệt độ, đường sắt liên bang) ra đời, tốc độ tăng trưởng sản lượng giảm mạnh so với trước đó. 

Trong khi đó, cuộc cách mạng lần thứ 3 chỉ tạo ra 1 thời kỳ tăng trưởng rất ngắn, từ năm 1996 đến 2004. Rất nhiều phát minh của cuộc cách mạng trước đó chỉ có thể xảy ra 1 lần, điển hình như công nghiệp hóa hay thay đổi tốc độ vận tải. 

Theo ông, không có gì có thể đảm bảo rằng không có điểm giới hạn cho tăng trưởng. Thậm chí, Gordon còn cho rằng sự tăng trưởng liên tục trong suốt 250 qua của nền kinh tế sẽ là giai đoạn duy nhất và không thể lặp lại trong lịch sử loài người. 

Những "làn gió ngược"

Nhà nghiên cứu này đã chỉ ra 1 số “làn gió ngược” đang đe dọa nền kinh tế Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ chỉ tăng trưởng 0,2%/năm, bằng 1/10 so với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 1860 – 2007. 

Thứ nhất, đó là sự bất lợi về dân số. Thời kỳ từ 1965 đến 1990, số lao động nữ tăng đột biến đã giúp nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, giờ đây, cơ cấu dân số già có nghĩa là số lượng người nghỉ hưu tăng lên, qui mô lao động bị thu hẹp.  

Thứ 2, tình trạng mất cân bằng đang ngày càng tăng lên. Khoảng cách giàu nghèo nới rộng có nghĩa là 1 bộ phận lớn dân số không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. 

Thứ 3, Mỹ đang mất đi lợi thế cạnh tranh có được nhờ vào trình độ của lực lượng lao động. Theo dữ liệu từ nghiên cứu của OECD được thực hiện trên 37 nước, Mỹ chủ đứng thứ 21 về kỹ năng đọc, 31 về kỹ năng làm toán và 34 về kỹ năng nghiên cứu khoa học. Chi phí giáo dục tăng cao, gánh nặng nợ sinh viên ngày càng lớn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng lựa chọn nghề nghiệp và cản trở người thu nhập thấp theo học đại học. 

Cuối cùng, toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy hoạt động thuê ngoài và tự động hóa – điều ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia có mức lương cao như Mỹ. 

Nhận định về quan điểm của Robert J. Gordon, Daron Acemoglu, chuyên gia kinh tế đến từ đại học MIT cho rằng công trình nghiên cứu này đã bỏ qua 1 nguyên lý khá cơ bản: thị trường luôn tìm đến những gì tạo ra nhiều lợi nhuận nhất, bất kể hiện nay chúng ta không thể nhìn thấy điều đó. 

Trong khi đó, Martin Wolf, nhà kinh tế học thường xuyên viết bài cho Financial Times, cho rằng trong gần 2 thế kỷ vừa qua, các quốc gia phát triển đã tận hưởng làn sóng cải tiến khiến họ hùng mạng và thịnh vượng hơn tất cả các nước còn lại. Giờ đây, cải tiến đang chậm lại và các nền kinh tế đang phát triển đang tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nước giàu có cần phải làm quen với điều này bởi sẽ không có bất cứ sự thay đổi lớn nào trong tương lai. 

Thu Hương

huongnt

NYT

Trở lên trên