MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore thành công nhờ tiêu chuẩn 3T

21-08-2011 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Công thức thành công của Singapore thật ra không có gì bí hiểm. Những người tham gia guồng máy quản trị của quốc gia phải là những tài năng đã được khẳng định, được người dân tín nhiệm và tin tưởng.

Họ được đãi ngộ và trả công sòng phẳng để phục vụ lợi ích chung của đất nước Singapore. ĐTTC giới thiệu bài viết của chuyên gia Lê Hữu Huy để bạn đọc tham khảo.

Mặc dù có nhiều khác biệt về bối cảnh lịch sử, địa lý và văn hóa, Việt Nam và Singapore có một số điểm tương đồng khá thú vị. Về thể chế chính trị, tuy Singapore tiếp thu di sản của người Anh nhưng kể từ lúc là một quốc gia tự chủ, độc lập vào năm 1959, Singapore vẫn chỉ có một chính đảng lãnh đạo đất nước là Đảng Hành động Nhân dân (PAP), với triết lý lãnh đạo “dân chủ xã hội chủ nghĩa” ghi rõ trên trang web chính thức của PAP.

Vai trò lãnh đạo đất nước của đảng cầm quyền tại Singapore tuy không được ghi rõ trong Hiến pháp, nhưng cương lĩnh hành động của PAP về bản chất không khác gì mục tiêu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra: “PAP là một phong trào quốc gia tận tụy phục vụ đất nước vì sự thịnh vượng của người dân Singapore”.

Có lẽ vì thế trong suốt hơn 50 năm qua, PAP luôn luôn được đa số người dân Singapore tín nhiệm và chiến thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội tiến hành 5 năm một lần. Chính phủ mới được hình thành từ các nghị viên trúng cử, Thủ tướng là người đứng đầu nội các và chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội.

1/ Talent (Tài năng)

Thật ra, nếu chỉ căn cứ theo Điều 44 của Hiến pháp, một công dân Singapore muốn trở thành đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng không có gì khó khăn: “Trên 21 tuổi, có mặt trên lãnh thổ Singapore vào thời điểm ứng cử, có khả năng tham gia vào nghị trình quốc hội; nếu không bị thương tật mù lòa thì có khả năng đọc và viết một trong bốn ngôn ngữ chính thức của Singapore là tiếng Anh, Hoa, Mã Lai và Ấn Độ”.

Hiến pháp Singapore còn “thoáng” đến nỗi cho ứng viên đối lập (mặc dù thua trong kỳ bầu cử) nhưng đạt phiếu bầu cao nhất cũng được trở thành ĐBQH bán chính thức (NCMP). Các NCMP này có quyền tham gia nghị trường nhưng không được biểu quyết các vấn đề liên quan đến ngân sách.

Ngoài ra, Hiến pháp Singapore còn có cơ chế cho phép mỗi nhiệm kỳ Quốc hội có 9 ĐBQH được chỉ định (NMP), không cần qua bầu cử nhưng là những cá nhân đã thành đạt trong các lĩnh vực đa dạng trong xã hội như luật sư, giáo sư, nhà kinh doanh, nghệ sĩ và cả hoa hậu. Các NMP này chỉ có nhiệm kỳ 2 năm và có thể được gia hạn nếu tiếp tục chứng tỏ khả năng đóng góp vào hoạt động của Quốc hội.

Lắm lúc người dân Singapore không hoàn toàn đồng ý với cách điều hành của Quốc hội, bởi lẽ hầu như đề nghị nào của Chính phủ cũng được Quốc hội thông qua, theo cách nói của giới chuyên môn phía hành pháp có vẻ như luôn lấn lướt phía lập pháp. Người dân Singapore cũng cảm thấy bực mình vì lương của bộ trưởng không có vị nào dưới 1 triệu đô la Singapore (SGD) mỗi năm, còn lương của ĐBQH chính thức hay bán chính thức (NCMP) cũng trên 15.000SGD mỗi tháng.

Nhưng nói gì thì nói, không ai phủ định rằng ĐBQH Singapore là những tài năng của đất nước và họ được giao trọng trách lắng nghe và thể hiện tiếng nói của người dân tại diễn đàn Quốc hội.

2/ Test (Thử thách)

Nhìn vào guồng máy Quốc hội và Chính phủ Singapore toàn những người có trình độ học vấn cao, người ta dễ lầm tưởng bằng cấp là tiêu chí quyết định nhân tài. Nhưng thật ra bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ, vì đối với đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên và hơn phân nửa nguồn nước phải nhập khẩu từ Malaysia, thì nhân tài chỉ có thể được thừa nhận nếu như người này đã qua thực tiễn, chứng tỏ được năng lực và tạo ra giá trị mới cho cộng đồng và xã hội.

Nguyên tắc trui rèn trong thực tiễn và chứng tỏ được năng lực đã giúp bộ máy Nhà nước Singapore giải quyết được nhiều vấn đề tế nhị, trong đó có cả chuyện “con ông cháu cha”, cụ thể là trường hợp Lý Hiển Long, con trai trưởng của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu.

Năm 2004, ông Lý con lúc đó đang ở cương vị Phó Thủ tướng được tiến cử làm Thủ tướng thay người tiền nhiệm là ông Goh Chok Tong. Tuy nhiên tài năng của ông Thủ tướng mới mang họ Lý chỉ được khẳng định sau khi PAP tiếp tục chiến thắng trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2006 và kinh tế Singapore tăng trưởng ổn định, thậm chí mạnh hơn sau khi vượt qua khủng hoảng.

Ngoài Thủ tướng đương nhiệm, họ Lý còn có thêm ông Lý Hiển Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn nước giải khát Fraser and Neave; bà Lý Vĩ Linh, Giám đốc Trung tâm Thần kinh học Singapore và người làm hao tốn giấy mực của báo chí nhất là bà phu nhân Thủ tướng Ho Ching làm Tổng giám đốc Tập đoàn Temasek.

Đáng ghi nhận là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu không ngại ngùng khi được phóng viên nước ngoài cắc cớ đặt câu hỏi về những thành viên trong dòng tộc họ Lý tại một số cuộc phỏng vấn. Ông khẳng định những người này được thăng tiến nhờ tài năng thực sự và họ được thực tiễn chứng minh trong định nghĩa tiếng Anh với từ Mecritocracy.

3/ Trust (Lòng tin)

Bộ máy nhà nước Singapore không phải lúc nào cũng vận hành trơn tru, thỉnh thoảng cũng gặp một số “sự cố”, thậm chí cả tham nhũng hay biển thủ công quỹ của một vài con sâu. Tuy nhiên, không người dân Singapore nào nghi ngờ tính liêm khiết của bộ máy nhà nước. Cần lưu ý là trong suy nghĩ của người Singapore, lòng tin không phải là một cái gì cho sẵn mà phải giành được. Có thể nói không ngoa:

Singapore là một trong rất ít quốc gia trên thế giới mà ĐBQH định kỳ tiếp dân hàng tuần để lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng thiết yếu của người dân. Ai đó nói Singapore làm được điều này vì đây là một quốc gia nhỏ nên dễ quản lý, nhưng không nên quên đảo quốc này có rất nhiều sắc tộc, tôn giáo; vị trí địa lý Singapore ở ngay cạnh 2 quốc gia Hồi giáo đông dân là Indonesia và Malaysia.

Cá nhân tôi cũng cảm nhận được ý nghĩa của chữ T thứ 3 sau một thời gian sinh sống và làm việc trên đảo Sư Tử. Lòng tin vào thể chế và hoạt động guồng máy nhà nước của người dân thể hiện qua việc chấp hành luật pháp nghiêm minh từ đường phố cho đến khu dân cư, từ cộng đồng cho đến xã hội. Và nó còn thể hiện qua chỉ số chứng khoán, cách ứng xử của doanh nhân trong hoạt động kinh doanh.

Một bộ phận không nhỏ người dân Singapore thỉnh thoảng kêu ca về chuyện lương bổng quan chức nhà nước quá cao, nhưng người ta tin rằng Chính phủ Singapore có trách nhiệm giải trình trước dân với từng đồng tiền thuế chi tiêu sao cho hiệu quả và đã mang đến lợi ích cụ thể cho toàn xã hội.

Theo Lê Hữu Huy

Công ty tư vấn Vietnam Global Network

thuthuy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên