MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ vỡ nợ, 11 ngân hàng "ngầm" của Trung Quốc cầu cứu lãnh đạo tỉnh

20-08-2015 - 14:57 PM | Tài chính quốc tế

Theo Financial Times, vừa qua 11 ngân hàng "ngầm" của Trung Quốc đã gửi thư ngỏ đến cơ quan lãnh đạo tỉnh Hà Bắc yêu cầu cung cấp gói cứu trợ bảo lãnh tín dụng. Nếu không, vỡ nợ xảy ra là một điều tất yếu. Rất có thể, khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra.

Sự sụp đổ của một công ty bảo lãnh tín dụng quốc doanh báo hiệu những rủi ro nợ xấu và rủi ro đạo đức của hệ thống ngân hàng “ngầm” ở Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, lo lắng vỡ nợ đang gia tăng, đặc biệt là đối với các khoản nợ lãi suất cao đến từ các tổ chức phi ngân hàng.

11 ngân hàng ngầm của Trung Quốc đã viết một bức thư ngỏ gửi đến các lãnh đạo tỉnh Hà Bắc. Theo đó, 11 ngân hàng này kêu gọi chính phủ cung cấp gói cứu trợ bảo lãnh tín dụng phá sản để có thể tiếp tục hỗ trợ vốn cho người vay. Nếu không, sẽ có những vụ vỡ nợ xảy ra.

Trước sự kiện này, các nhà phân tích lo ngại rằng những gói hỗ trợ trong những năm gần đây đã khiến cho nhà đầu tư trở nên vô trách nhiệm hơn bởi họ quan niệm rằng chính phủ sẽ không nỡ để cho vỡ nợ. Giới chức Trung Quốc đang phải lựa chọn giữa việc ổn định tài chính trong ngắn hạn hoặc áp đặt kỷ luật thị trường cho các nhà đầu tư, mà biện pháp thứ hai sẽ cải thiện thông lệ cho vay trong lâu dài.

Nhóm bảo lãnh đầu tư tài chính Hồ Bắc đã bảo lãnh 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,8 tỷ USD) cho các khoản vay của gần 50 tổ chức tài chính, theo tờ Caixin. Hơn một nửa khoản vay đến từ các tổ chức phi ngân hàng, chủ yếu là các công ty tín thác đầu tư, người đi vay là những công ty bất động sản và các công ty hoạt động trong các ngành sản xuất đang đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung. 11 ngân hàng ngầm hiện đang phát hành 24 gói WMPs (sản phẩm quản lý tài sản) riêng biệt, có giá trị 5,5 tỷ nhân dân tệ.

Nếu các ngân hàng ngầm này vỡ nợ, hiệu ứng domino gây ra vỡ nợ liên tiếp và chồng chéo nhau đến từ các tài khoản tín thác. Trong đó, tác nhân gây ra là vô số tổ chức tài chính với công cụ là một khoản tiền khủng lồ. Khi đó lợi ích công sẽ bị ảnh hưởng trên diện rộng.

Trong bức thư gửi đến ông Zhao Kezhi - bí thư tỉnh Hà Bắc có viết, “Chúng tôi đại diện cho hơn 1.000 nhà đầu tư và hơn 1.000 hộ gia đình yêu cầu một giải pháp cho vấn đề này, để ngăn chặn kích động bạo loạn xảy ra cũng như tạo ra những ảnh hưởng cho xã hội không cần thiết.”

Hầu hết các tài khoản tín thác đều được phát hành bởi hệ thống ngân hàng quốc doanh, khiến cho các nhà đầu tư ngây thơ đều ngầm hiểu rằng có sự chống lưng của chính phủ đằng sau.

Vài năm gần đây ở Trung Quốc xảy ra nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu và tín thác lãi suất cao. Nhưng sự xuất hiện đúng lúc của gói cứu trợ chính phủ đã che chở cho hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi thua lỗ.

Cho vay tín thác bùng nổ từ năm 2010, khi các ngân hàng truyền thống thu hẹp hoạt động sau khủng hoảng tài chính. Các nhà đầu tư được vay WMPs thông qua tín thác, trong khi sản phẩm này được tiếp thị trở thành một sản phẩm thay thế hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng truyền thống mà lại có lãi suất cao hơn. Khoản tiền nhàn rỗi từ đó được sử dụng cho các nhà phát triển bất động sản, công ty khai thác mỏ và các nhà sản xuất dư thừa. Thời điểm cuối tháng 6/2011, các gói nợ tín thác tăng vọt lên từ 1,7 tỷ nhân dân tệ lên 6,9 tỷ nhân dân tệ.

Dự án biệt thự tại khu ngoại ô của Thạch Gia Trang, thành phố lớn nhất tỉnh Hà Bắc là dự án điển hình được đảm bảo tài chính. Vào tháng 9/2013, tổ chức quản lý tài sản Shanghai Goldstate Brilliance đã bán khoảng 200 triệu nhân dân tệ tín dụng WMPs để tài trợ cho dự án, hứa hẹn lợi nhuận đầu tư lên đến 11,5% cho các nhà đầu tư trong 2 năm. Nhưng thị trường bất động sản giảm tốc đã khiến dự án biệt thự bị đình trệ từ cuối năm ngoái. 120 triệu nhân dân tệ tiền trợ cấp bị rơi vào thế nguy hiểm trong khi mà WMP dần tới kì hạn thanh toán vào tháng tới.

Thảo Trang

FT

Trở lên trên