MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài chính thế giới đi ngược xu hướng toàn cầu hóa?

25-12-2012 - 15:58 PM | Tài chính quốc tế

Kể từ khi khủng hoảng diễn ra, xu hướng này bị đảo ngược: cho vay xuyên quốc gia giảm mạnh trong khi tham vọng vươn lên toàn cầu của các ngân hàng châu Âu và Mỹ bị thu hẹp

25 năm trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra, thế giới đã chứng kiến xu hướng toàn cầu hóa tăng lên mạnh mẽ. Luồng vốn chu chuyển giữa biên giới các quốc gia tăng lên chóng mặt. Các nhà đầu tư đến từ phương Tây háo hức rót tiền vào Trung Quốc và các nước mới nổi khác trong khi các quỹ tài sản ở châu Á và Trung Đông ồ ạt thâu tóm tài sản. 

Tuy nhiên, mảng tăng trưởng mạnh nhất chính là hoạt động cho vay xuyên quốc gia của các ngân hàng. Tham vọng của Citibank có thể được nhìn thấy trên mọi góc phố từ Manhattan cho tới Manama. HSBC tự hào nhận họ là “ngân hàng toàn cầu am hiểu địa phương”. 

Tuy nhiên, kể từ khi khủng hoảng diễn ra, xu hướng này bị đảo ngược: cho vay xuyên quốc gia giảm mạnh trong khi tham vọng của các ngân hàng châu Âu và Mỹ bị thu hẹp. HSBC đã rút khỏi một số nước trong khi Citibank và Barclay bị vướng vào những mối bận tâm khác. Các ngân hàng lớn của châu Âu phải chật vật tăng vốn.

Liệu có phải chúng ta đang bước vào thời kỳ mới trong đó xu hướng toàn cầu hóa của ngành tài chính bị đảo ngược? Và, nếu đúng như vậy, tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến điều đó? 

Không thể chối bỏ sự thực là thu hẹp là điều phù hợp và không thể tránh khỏi. Do đó, thậm chí chúng ta nên chào đón xu hướng này. Qui mô của các ngân hàng đã bị thổi phồng lên quá mức cần thiết. “Sự tham lam” của các ngân hàng vượt quá cả khả năng chịu đựng của hệ thống. Người ta không cần tiếc nuối trước sự co hẹp của hệ thống ngân hàng của Iceland và Ireland bởi chính qui mô quá lớn cũng là một phần nguyên nhân khiến hệ thống này sụp đổ. 

Tuy nhiên, cũng có một vài dấu hiệu cho thấy các ngân hàng rút lui vì muốn trốn tránh các qui định luật pháp và hình thành chế độ bảo hộ trong tài chính. Đây là điều hết sức nguy hiểm, tương tự như chủ nghĩa bảo hộ trong giao dịch hàng hóa vật chất thông thường. 

Trong một số trường hợp, đặc biệt là ở châu Âu, các cơ quan quản lý đã yêu cầu các định chế tài chính phải rút bớt hoạt động ở nước ngoài để tăng thanh khoản và bảo vệ cho ngân hàng mẹ. Có lẽ, họ đã học được nhiều bài học từ đống hỗn độn sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers.

Các nhà làm luật ở Mỹ cũng đang gây sức ép buộc các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở đây phải thành lập các chi nhánh ở địa phương với nguồn vốn riêng rẽ. Kể cả ở Liên minh châu Âu, nơi các ngân hàng được phép tự do hoạt động ở các nước còn lại trong khối, họ bắt buộc phải thành lập chi nhánh. Không ai muốn lặp lại điều tương tự như vụ sụp đổ của hệ thống ngân hàng Iceland, khi chính phủ Anh và Hà Lan phát hiện ra rằng họ đang chi tiền cứu trợ cho cả các khoản tiền gửi tại những ngân hàng họ chưa bao giờ cấp phép. 

Tuy nhiên, đây không phải là những biện pháp không mất đồng nào để thực hiện. Chúng khiến nguồn vốn bị kẹt ở nơi không cần vốn. Điều này cũng có nghĩa là vốn không được sử dụng tối ưu và do đó chi phí tín dụng gia tăng. Kết quả là, các ngân hàng rút vốn khỏi các thị trường nước ngoài, sức cạnh tranh bị suy giảm. Trong khi đó, các nhà điều hành ở địa phương phản ứng lại bằng cách bóp méo các qui định nhằm tạo lợi thế cho các định chế trong nước. Vòng tròn luẩn quẩn tạo nên tình trạng phân biệt đối xử.

Ủy ban ổn định tài chính (FSB) cũng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều đã nhận thức được mối nguy hiểm và lo ngại về các xu hướng này. Liệu các NHTW và nhà điều hành có thể tìm ra được một thế cân bằng mới trong đó phát huy được các thế mạnh của môi trường tài chính quốc tế mở hay không? 2013 chính là năm quyết định.

Minh Anh

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên