MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái điều tiết: một bước đi nguy hiểm (Phần 1)

22-05-2011 - 08:18 AM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng khiến xu hướng giải điều tiết trong ngành tài chính bị đảo ngược, ở các nước đang phát triển, khủng hoảng biến thành lý do để bóp nghẹt nhu cầu mở cửa ngành tài chính.

Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về hệ thống ngân hàng toàn cầu.

“Cấm trước hỏi sau”

Một anh lính khom người bên khẩu súng máy hạng nặng. Họng súng hướng về phía cửa trước. Ở bên ngoài, lính canh cảnh giác với bất kỳ chiếc xe nào lảng vảng xung quanh. Trụ sở của phần lớn các NHTW đều giống như một pháo đài, nhưng hiếm có “pháo đài” nào lại “bất khả xâm phạm” như Ngân hàng dự trữ Ấn Độ.

Cơ quan giám sát ngân hàng này cũng canh chừng hệ thống tài chính nước mình nghiêm ngặt chẳng kém gì mấy tay lính canh. “Nếu có khủng hoảng, nhà nước sẽ phải can thiệp,” Phó Thống đốc KC Chakrabarty nói. “Nếu kiểu gì rồi cuối cùng nhà nước cũng phải can thiệp, thế thì sao không can thiệp ngay từ đầu?”

Ở Ấn Độ, cơ quan điều tiết ngân hàng có ghế trong ủy ban lựa chọn giám đốc ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và có tiếng nói quyết định liệu ứng cử viên ghế giám đốc cho một ngân hàng tư nhân có “xứng đáng và phù hợp” hay không. Thậm chí họ còn “quyết” hộ xem thành viên HĐQT không tham gia quản lý bao nhiêu tuổi là vừa và trả lương cho họ bao nhiêu là đủ.

NHTW cũng quyết định ngân hàng được cung cấp sản phẩm nào và cấm tất cả chứng khoán phái sinh, trừ một vài loại đơn giản nhất. Họ nói nên cho ai vay và ở đâu thì được mở chi nhánh (kể cả ngân hàng nước ngoài). “Cái loại ngân hàng mà chúng tôi đang bảo vệ là cái loại tồn tại ở Scotland từ 150 năm trước,” ông Chakrabarty nói.

Trên thế giới số quốc gia chọn cách điều tiết chặt chẽ đến như thế lớn hơn nhiều so với những nước theo đường lối tự do. Ở Trung Quốc, khó mà phân biệt được đâu là chính quyền, đâu là ngân hàng. Ở Nga, ngân hàng nhà nước Sberbank thống trị thị trường. Phần lớn ngân hàng ở vùng Vịnh có cổ đông lớn nhất là nhà nước.

Ở các nước Châu Á và Châu Phi có cả ngân hàng nhà nước và tư nhân, cơ quan giám sát luôn điều tiết chặt chẽ. “Ở nhiều nước Châu Á, người ta nhìn nhận vấn đề điều tiết ngân hàng với thái độ tích cực trong khi người Mỹ lại nhìn nhận nó với thái độ tiêu cực,” Tab Bowers từ McKinsey nói. “Ở Châu Á, họ nói với bạn những gì bạn được làm chứ không nói những gì bạn không được làm.”

Đời nay khác rồi …

Trước khủng hoảng tài chính, điều tiết kiểu ấy bị xem là lỗi thời. Nhìn chung, thị trường vốn và ngân hàng toàn cầu khi ấy đang tự do hóa dàn dần. Những hạn chế về quyền sở hữu ngân hàng và những giao dịch mà người nước ngoài được thực hiện đang dần được dỡ bỏ.

Các nước giàu có thị trường tương đối mở cửa giải điều tiết nhanh hơn các nước khác. Năm 1999, Mỹ bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall tách biệt ngân hàng đầu tư với ngân hàng thương mại. Ngân hàng ở các nước giàu được trao nhiều tự do hơn trong việc quyết định họ nên có bao nhiêu vốn và chấp nhận bao nhiêu rủi ro. Tỷ lệ an toàn vốn giảm xuống và bảng cân đối kế toán phình lên.

Khủng hoảng đã chấm dứt tất cả.

Cơ quan điều tiết ở nhiều nước đang phát triển nay cho rằng điều tiết chặt đã giúp họ thoát được khủng hoảng. (Dù sao thì các ngân hàng của họ có thể cũng đã dùng tiền vào những việc có ý nghĩa hơn là mua số trái phiếu bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp mua nhà vô giá trị của Mỹ).

Dù ở nhiều mức độ khác nhau, các cơ quan điều tiết nay có một lý do hoàn hảo đề trì hoãn hay thậm chí đảo ngược tiến trình mở cửa thị trường tài chính. Tuy vậy, làm thế là họ đang ngăn chặn nhiều sáng tạo tài chính hữu dụng.

Ví dụ như Ấn Độ có thể dùng chứng khoán hóa để huy động số vốn khổng lồ cần cho cảng biển, đường bộ và đường sắt. Nhưng nay các cơ quan điều tiết lại thường “cấm trước hỏi sau”.

Đứng lại! Không tôi “điều tiết”

Thời trước, khi lo ngại nguy cơ ngân hàng phá sản, cơ quan điều tiết thường dựa trên các biện pháp đơn giản, tập trung vào việc bảo đảm họ có đủ giấy tờ cần thiết, một quan chức cao cấp nói.

“Làm thế chỉ thấy rừng mà không thấy cây,” một quan chức khác nói. “Bạn có thể lọc ra một danh sách 45 điều ngân hàng nên chấn chỉnh, nhưng bạn không biết 5 điểm quan trọng nhất có thể đe dọa ngân hàng là gì?'”

Dưới hệ thống điều tiết hiện nay, cơ quan điều tiết vẫn đang làm những gì họ đã làm trước đây. Họ đang thắt chặt các yêu cầu về vốn và nghiên cứu chặt chẽ hơn bản chất công việc của ngành ngân hàng và tìm hiểu xem các ngân hàng liên kết với nhau dưới hình thức nào.

“Cơ quan điều tiết từ chỗ hỏi “hệ thống thanh toán của anh ổn cả chứ” nay chuyển sang “hãy cho tôi biết chúng vận hành thế nào”,” Simon Bailey từ công ty công nghệ Logica nói. “Họ đang đưa nhiều bộ phận cực kỳ phức tạp trong hệ thống ngân hàng ra ánh sáng.”

Cơ quan điều tiết nay đang ngập ngừng bước qua ranh giới giữa thực thi luật pháp và góp phần đưa ra quyết định kinh doanh. Nói theo cách của các cơ quan điều tiết là ranh giới giữa “điều tiết hoạt động” và “điều tiết bảo đảm”.

Minh Tuấn
Theo Diễn đàn doanh nghiệp/Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên