MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Apple vẫn lãi lớn dù kinh tế Mỹ tăng trưởng kém?

22-07-2011 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Báo cáo việc làm của Mỹ và báo cáo quý của Apple cho thấy hai thông tin trái chiều về cùng một nền kinh tế nội địa Mỹ.

Trong khi chính quyền tại Washington tiếp tục khốn khổ với việc kinh tế Mỹ tăng trưởng kém, cách đó 3.000 dặm, trong tuần này, Apple tiếp tục công bố lợi nhuận khiến cả thế giới choáng váng.

Apple bán được 9,3 triệu chiếc iPad và 20,3 triệu chiếc iPhone, cao hơn bao giờ hết. Doanh thu quý 2/2011 lên tới 28 tỷ USD, cao hơn 80% so với cùng kỳ năm 2011; lợi nhuận tăng 125%.

Và không chỉ Apple kinh doanh tốt, trong tuần, IBM cũng khiến chuyên gia phân tích phố Wall ngạc nhiên khi hoạt động kinh doanh của họ vẫn tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ việc các công ty hoạt động trên toàn cầu đẩy mạnh mua sản phẩm và dịch vụ mà IBM cung cấp. Ngay cả American Express, vốn liên quan mật thiết đến kinh tế nội địa Mỹ, vẫn công bố doanh thu và lợi nhuận cao, doanh thu quý vừa qua lên tới 7,5 tỷ USD.

Rõ ràng, hiện đang tồn tại khoảng cách lớn giữa một công ty như Apple và hàng chục triệu người Mỹ hiện đang kẹt trong vấn đề kinh tế. Lời giải thích cho việc lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao vừa đơn giản vừa phức tạp.

Các công ty thực ra sống trong thế giới riêng của họ. Thế giới hiện nay mang đến cho các công ty nhiều lợi ích khác nhau: lực lượng lao động toàn cầu cho phép các công ty tìm kiếm nguồn nhân lực giá rẻ và hiệu quả nhất; công nghệ giúp sản xuất hiệu quả; phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm phức tạp; tầng lớp trung lưu Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ và nhiều nước khác chi tiêu mạnh tay; vốn giá rẻ; khả năng tận dụng môi trường thuế thấp nhất; không phải chi tiêu quá nhiều cho phúc lợi của người lao động.

Tất cả những lý do trên giúp họ kinh doanh tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng kém.

Hãy nhìn vào thách thức mà chính phủ nhiều nước phải đương đầu: họ phải giải quyết chi phí y tế và giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội của người dân; đảm bảo an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng công.

Nếu không làm như vậy, như trong trường hợp Nigeria và Pakistan, họ không thể hút được vốn đầu tư và cuộc sống của người dân nghèo khổ mãi.

Dù nước Mỹ giàu hơn nhiều so với các nước khác, nhưng ngay cả Mỹ cũng không thể cạnh tranh được với cộng đồng doanh nghiệp. Chưa có yếu tố nào hứa hẹn sớm cải thiện được mọi chuyện.

Nhiều khả năng nước Mỹ đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình cộng đồng doanh nghiệp phát triển bùng nổ và sự tương phản với kinh tế Mỹ sẽ ngày một rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định sự phát triển của doanh nghiệp cũng mang lại không ít lợi ích cho nước Mỹ: nhiều doanh nghiệp mạnh và kinh doanh có lãi nhất vẫn thuộc về người Mỹ và mang lợi nhuận về Mỹ.

Apple mang đến công ăn việc làm và IBM cũng vậy, dù con số này thấp hơn nhiều so với thế kỷ 20. Và nhìn từ phương diện khác, các công ty như Apple vẫn làm ăn tốt tại Mỹ bởi ngay cả trong một nền kinh tế khó khăn, hàng triệu người vẫn giàu có và sẵn sàng chi tiêu.

Cần chú ý đến hai bản báo cáo việc làm tương phản. Chúng ta thường quan tâm đến báo cáo việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố mà không chú ý mấy đến báo cáo hàng quý của Apple.

Báo cáo thứ nhất, tất nhiên tổng quan hơn báo cáo thứ hai nhưng nó nói cho chúng ta thấy một câu chuyện khác.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ nói đến bức tranh u ám của lao động và tiền lương trong khi báo cáo còn lại vẽ ra một thế giới của thiết bị hùng mạnh và đẹp đẽ mà người ta đua nhau vung tiền để sở hữu.

Apple có thể coi như một sức mạnh nội địa đang sáng chói trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng này có thể không có chỗ trong Liên hợp quốc nhưng đang thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người.

Ngọc Diệp
Theo Time

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên