Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow
Jones tăng 13,02 điểm tương đương 0,12% lên 10.607,85 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,93 điểm tương đương 0,08% lên
1.125,59 điểm.
Chỉ số Nasdaq tăng 12,36 điểm tương đương 0,54% lên 2.315,61
điểm.
Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,38%;
S&P 500 tăng 1,44% còn Nasdaq tăng 3,25%.
Từ đầu tháng 9/2010 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng được
7%.
Từ đầu quý 3/2010 đến nay, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng
8,5% và S&P 500 tăng 9,2%.
Phiên ngày cuối tuần, cổ phiếu công nghệ thuộc chỉ số
S&P 500 tăng phiên thứ 8 liên tiếp và có chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất
từ tháng 7/2010 nhờ lạc quan về triển vọng lợi nhuận và cổ tức.
Sự lạc quan về ngành công nghệ át đi nỗi lo về việc kinh tế
Mỹ đang gặp khó khăn trong duy trì đà phục hồi.
Diễn biến chỉ số công nghiệp Dow Jones tuần qua (Nguồn:FT)
Cổ phiếu Oracle, hãng sản xuất phần mềm lớn thứ 2 trên thế
giới và hãng RIM, hãng sản xuất điện thoại di động Blackberry tăng mạnh trong
phiên giao dịch ngày hôm qua.
Ông Jack Ablin, trưởng bộ phận đầu tư tại Harris Private
Bank – tổ chức quản lý lượng tài sản giá trị khoảng 55 tỷ USD, nhận xét: “Thật
đáng vui mừng khi các công ty công nghệ công bố kết quả kinh doanh tốt. Tình
hình nợ của châu Âu đang diễn biến xấu và sẽ
mất nhiều năm mới có thể giải quyết được mọi vấn đề.”
Thị trường chứng khoán Mỹ như vậy đã hoàn thành tuần tăng
điểm thứ 3 liên tiếp.
Cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ tăng 4,4% trong tuần
này và có mức tăng mạnh nhất so với cổ phiếu các nhóm ngành khác. Thị trường
lạc quan khi Microsoft công bố có thể phát hành nợ để trả thêm tiền cho cổ
đông, Cisco thông báo trả cổ tức và RIM công bố lợi nhuận quý đạt 5,55 tỷ USD
tương đương 1,70USD/cổ phiếu, cao hơn mức dự báo 4,82 tỷ USD tương đương
1,39USD/cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch trên các sàn của Mỹ vọt lên mức 8,3 tỷ cổ phiếu. Mức khối lượng giao dịch trung bình của năm 2009 đạt 9,65 tỷ cổ phiếu.
Diễn biến chỉ số Nasdaq tuần qua (Nguồn:FT)
‘Quadruple Witching’
Trên các sàn giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ, các
chỉ số chính trên thị trường dao động giữa tăng và giảm điểm nhiều lần trong
ngày giao dịch bởi các hợp đồng tương lai và quyền chọn cổ phiếu hết thời hạn
khiến giá cổ phiếu biến động mạnh. Hoạt động ‘Quadruple Witching’ diễn ra 3
tháng 1 lần.
Cổ phiếu các công ty sản xuất phần mềm thuộc chỉ số S&P
500 tăng 1,3%. Cổ phiếu Oracle tăng 8,4%. Chỉ số cổ phiếu của công ty thuộc
lĩnh vực công nghệ tăng 4,4% trong tuần và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong
hơn 2 tháng.
Chỉ số cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng 0,9% trong
phiên cuối tuần. Chính phủ Nga công bố hỗ trợ những dự án sản xuất máy móc. Cổ
phiếu công ty máy xây dựng Caterpillar tăng 1,6% sau thông tin doanh số bán lẻ
máy móc tăng 37% trong khoảng thời gian 3 tháng kết thúc ngày 10/08/2010.
Niềm tin người tiêu
dùng Mỹ tháng 9/2010 xuống mức thấp nhất trong 1 năm
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 9/2010 do Thomson
Reuters/ University
of Michigan khảo sát đã
rơi xuống mức 66,6 từ mức 68,9 trong tháng 8/2010. Các chuyên gia kinh tế đã dự
doán chỉ số tăng lên mức 70.
Thị trường Mỹ phiên cuối tuần còn lo lắng về việc Ireland và Bồ
Đào Nha có thể cần thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài để giải quyết vấn đề thâm hụt,
khủng hoảng nợ châu Âu có khả năng cản đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Ông John Carey, chuyên gia quản lý tiền tệ tại Pioneer
Investment Management - tổ chức quản lý khoảng 230 tỷ USD tài sản, nhận xét: “Tín
hiệu tốt xấu đan xen. Người tiêu dùng và các công ty đã không lạc quan đúng mức.
Hiện vẫn còn nhiều vấn đề tại châu Âu. Kinh tế Mỹ hiện không suy thoái lần 2
nhưng phục hồi rất chậm.”
Bộ Lao động Mỹ công bố chi phí cuộc sống tại Mỹ tháng 8/2010
tăng 0,3% và ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Loại bỏ giá thực phẩm và
nhiên liệu, chỉ số giá tiêu dùng lõi không tăng trong khi các chuyên gia đã dự
báo chỉ số tăng 0,1%.
Diễn biến chỉ số VIX tuần qua (Nguồn:WSJ)
Chỉ số VIX, chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ,
đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tăng 0,29 điểm lên 22,01 điểm.
Ngọc Diệp
Theo Reuters