MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập Cận Bình đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong 30 năm qua?

24-09-2012 - 14:26 PM | Tài chính quốc tế

Thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc sẽ phải “kế thừa” tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu ớt nhất kể từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế 30 năm trước đây.

Theo dự báo, vào tháng tới, Tập Cận Bình cùng với Lý Khắc Cường sẽ chính thức được bổ nhiệm vào 2 vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, những số liệu tiêu cực về nền kinh tế, từ xuất khẩu cho đến hoạt động sản xuất, đều phát đi những tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phải chật vật để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho dù con số chỉ khiêm tốn ở mức 7,5%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trong nhiệm kỳ của 2 thế hệ lãnh đạo trước lần lượt là 9% và 14%. 

Nền kinh tế ẩn chứa nhiều bất ổn 

Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu – yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua – đang dần phai nhạt trong khi lực lượng lao động trẻ tuổi cũng bắt đầu sụt giảm. 

Thậm chí, theo cảnh báo của chuyên gia kinh tế Roubini, trừ khi Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường có thể hạn chế các doanh nghiệp nhà nước và khơi thông dòng vốn cho khu vực tư nhân đồng thời đẩy mạnh tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể giảm xuống chỉ còn 4% vào năm 2014. 

Còn theo Ramin Toloui, người quản lý danh mục thị trường mới nổi tại PIMCO – quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới – Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. 

Cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng lại đến cùng lúc với thời điểm nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng suy giảm mang tính chất cấu trúc. Mô hình tăng trưởng hiện hành đã không còn phù hợp trong khi Trung Quốc vẫn chưa tìm ra được mô hình mới để thay thế. 

Quá trình chuyển đổi không suôn sẻ

Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc sẽ phải vượt qua những phản đối gay gắt khi áp dụng các thay đổi, đặc biệt là trong khu vực các doanh nghiệp và ngân hàng trực thuộc nhà nước. 

Dưới thời cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, ông đã tiếp tục tuân theo lý tưởng của Đặng Tiểu Bình, đóng cửa 1 loạt doanh nghiệp nhà nước và sa thải hàng triệu nhân công. Tuy nhiên, đến thời Ôn Gia Bảo, chính sách lại thay đổi hoàn toàn. Kể từ năm 2003, chính sách chuyển sang hướng hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và xây dựng khu vực này thành thế mạnh của Trung Quốc. 

Theo Minxin Pei, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Claremont McKenna, California, hệ thống chính trị Trung Quốc hiện đang bị chi phối bởi những nhóm lợi ích. Nếu như muốn thay đổi tình trạng hiện nay, Trung Quốc phải loại bỏ những nhóm lợi ích vẫn đang tồn tại trong hệ thống. 

Tiêu dùng yếu ớt

Từ năm 2006, Trung Quốc đã coi tiêu dùng nội địa là cỗ máy tăng trưởng. Tuy nhiên, theo Capital Economics, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực này lại giảm từ 44% trong 1 thập kỷ trước xuống chỉ còn 35% trong năm nay. 

Fred Smith, CEO của hãng vận chuyển FedEx, đã nhận định chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã không tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ như kỳ vọng. Đầu máy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn nằm ở xuất khẩu và với tình hình kinh tế quốc tế hiện nay thì xuất khẩu đã trở thành vấn đề rất đáng lo ngại. 

Trong tháng 8, tăng trưởng xuất khẩu lại tiếp tục ở mức dưới 3%. Sản lượng công nghiệp tăng chậm nhất trong vòng 3 năm và lượng vốn FDI có tháng giảm thứ 9 trong 10 tháng trở lại đây.  

Sự lạc quan biến mất

Các nhà sản xuất và bán lẻ ngày càng kém lạc quan về tình hình kinh doanh và đẩy mạnh cắt giảm việc làm. Theo khảo sát được công ty nghiên cứu CBB International LLC thực hiện, số lượng các công ty tăng cường nhân sự trong quý này đã giảm 9%, xuồng chỉ còn 32%.

Lực lượng lao động cũng là 1 thách thức khác. Theo Liên hợp quốc, đến năm 2015, số dân từ 15 đến 24 tuổi – nguồn nhân lực chính cho các nhà máy sản xuất quần áo, đồ chơi và đồ điện tử giá rẻ - sẽ sụt giảm khoảng 67 triệu người. Thêm vào đó, do nền kinh tế thiên về ngành dịch vụ, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Credit Suisse dự báo đến năm 2017 Trung Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 18 triệu lao động. 

Kể cả khi không có những thách thức về kinh tế, bộ đôi lãnh đạo mới vẫn gặp phải rất nhiều rắc rối về chính trị và xã hội. Trung Quốc sẽ phải bỏ ra ít nhất là 680 tỷ nhân dân tệ để dọn sạch rác công nghiệp. Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng, thậm chí Liên hợp quốc đã cảnh báo mức chênh lệch sắp chạm đến ngưỡng gây nên bất ổn xã hội. Thêm vào đó, tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản cũng đe dọa đến nền kinh tế. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên