MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tây Ban Nha – ác mộng kinh khủng nhất của khủng hoảng nợ châu Âu

25-11-2010 - 10:33 AM | Tài chính quốc tế

Châu Âu có đủ tiền để giải quyết vấn đề của Ireland, Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha là trường hợp khác, Tây Ban Nha quá lớn để sụp đổ.

Châu Âu cho đến nay đã tồn tại vững kể cả sau khi cứu Hy Lạp. Châu Âu cũng giải quyết được vấn đề Ireland. Và nếu cả Bồ Đào Nha trở thành nước thứ 3 xin giải cứu, theo dự báo của nhiều người, châu Âu cũng không rơi vào thảm họa tài chính.

Thế nhưng bất kỳ kế hoạch giải cứu nào dành cho Tây Ban Nha, với quy mô kinh tế gấp đôi so với tổng quy mô của 3 nền kinh tế kể trên, sẽ khiến nước giàu châu Âu khốn khổ nếu muốn giúp nước nghèo hơn. Việc giải cứu Tây Ban Nha, nếu có, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đồng euro.

Hiện nay, ngay cả khi chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra kế hoạch thắt chặt chi tiêu giống như Ireland để tránh phải xin giải cứu, Tây Ban Nha thật sự vẫn cần hỗ trợ bởi hệ thống ngân hàng nước này thực tế mong manh hơn so với tính toán của chính phủ.

Khả năng trên đã khiến các bên cho vay trở nên căng thẳng, chi phí lãi vay của Tây Ban Nha không ngừng tăng ngay cả khi chính phủ đã áp dụng biện pháp hạn chế thâm hụt ngân sách và chính phủ nước này không ngừng tuyên bố họ có đủ tiền trang trải cho nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Pablo Vázquez, chuyên gia kinh tế tại viện nghiên cứu Fundación de Estudios de Economía Aplicada, cho rằng: “Châu Âu hoàn toàn có đủ khả năng tài chính để giải quyết vụ sụp đổ của Ireland, thậm chí cả Bồ Đào Nha, thế nhưng Tây Ban Nha là câu chuyện hoàn toàn khác. Tây Ban Nha quá lớn để sụp đổ và tiềm ẩn rủi ro hệ thống lớn.”

Phiên ngày thứ Tư, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha thời hạn 10 năm và trái phiếu chính phủ Đức cùng thời hạn lên tới 2,59%, mức cao nhất trong lịch sử đồng euro.

Bà Elena Salgado, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, trong ngày thứ Tư khẳng định Tây Ban Nha không cần giải cứu. Bà nói: “Chúng tôi đang ở vị trí tốt nhất để chống lại các hành động tấn công.”

Tình hình ngành ngân hàng Tây Ban Nha tồi tệ đến đâu?

Thế nhưng trên thực tế, các chuyên gia chỉ ra sức mạnh thực tế của Tây Ban Nha ở chỗ một phần lớn nợ chính phủ Tây Ban Nha hiện nay khoảng 203,3 tỷ euro tương đương 271,1 tỷ USD lại có chủ nợ chính là nhóm ngân hàng nước này chứ không phải các ngân hàng ngoại.

Như vậy nếu tình hình tài chính của Tây Ban Nha xấu đi, các ngân hàng sẽ dễ dàng nới lỏng điều kiện các khoản vay hơn so với các chủ nợ nước ngoài.

Tất nhiên, bởi phải hỗ trợ chính phủ, các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ phải chịu thiệt thòi lớn hơn.

Khả năng Tây Ban Nha bước vào vòng xoáy khắc nghiệt trên sẽ đến vào năm sau khi Tây Ban Nha dự kiến phải trả cho các chủ nợ 192 tỷ euro tương đương 1/5 tổng nợ. Theo kế hoạch ngân sách của chính phủ, chi phí các khoản nợ của Tây Ban Nha có thể tăng tới 18%.

Sự tăng thẳng của nhà đầu tư tăng lên ở thời điểm chính phủ Tây Ban Nha cố gắng hạn chế thâm hụt ngân sách hiện đã lên mức 11,1% GDP, và rất chậm ứng phó với khủng hoảng.

Tháng trước Quốc hội Tây Ban Nha thông qua chương trình tiết kiệm ngân sách 15 tỷ euro. Thâm hụt ngân sách của chính phủ trung ương giảm 47% trong 10 tháng của năm 2010.

Chính phủ Ireland cũng hạ mạnh chi tiêu ngân sách mà vẫn cần giải cứu. Nguyên nhân chính là bởi ngân hàng nước này đương đầu với nhiều vấn đề hơn so với tính toán của chính phủ và chính phủ vì thế không thể hỗ trợ cho ngân hàng mà không cần tiền từ châu Âu.

Hiện nay, thị trường đặt câu hỏi, liệu ngân hàng Tây Ban Nha thực sự tốt như chính phủ và ngân hàng nước này vẫn tuyên bố hay không?

Tháng 7/2010, ngân hàng Tây Ban Nha thoát khỏi đợt kiểm tra toàn ngành ngân hàng châu Âu. 5 ngân hàng Tây Ban Nha thuộc diện không đủ vốn. Tuy nhiên chất lượng đợt thanh tra này đã đi xuống rất nhiều khi ngân hàng Ireland sụp đổ.

Ngân hàng Tây Ban Nha tránh được thảm họa dưới chuẩn mà ngân hàng Ireland và ngân hàng châu Âu mắc phải thế nhưng họ lại đang nắm khoản vay 180,8 tỷ euro trong lĩnh vực bất động sản và chịu tác động tiêu cực từ việc lĩnh vực xây dựng Tây Ban Nha sụp đỏ.

Hơn thế nữa các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ chịu hậu quả không nhỏ nếu tình hình tài chính tại Bồ Đào Nha xấu đi. Tây Ban Nha không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Bồ Đào Nha mà còn là chủ nợ lớn nhất với tổng nợ nắm giữ lên tới 78 tỷ USD.

Ngọc Diệp
Theo Nytimes

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên