MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Temasek thay ngựa giữa dòng

23-02-2009 - 16:52 PM | Tài chính quốc tế

Bà Ho Ching, một trong những người phụ nữ được xem là quyền lực nhất châu Á và trên thế giới, sẽ rời chức Tổng giám đốc điều hành Công ty Đầu tư nhà nước Temasek.

Cộng đồng kinh doanh và đầu tư tại Singapore và người dân đảo quốc Sư Tử khá bất ngờ khi được biết bà Ho Ching - phu nhân của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, một trong những người phụ nữ được xem là quyền lực nhất châu Á và trên thế giới - sẽ rời chức Tổng giám đốc điều hành Công ty Đầu tư nhà nước Temasek kể từ tháng 10 sắp tới.

 

Có lẽ giờ đây mọi người đã có thông tin rõ hơn khi nghe bà Lim Hwee Hua, Bộ trưởng Quốc vụ khanh phụ trách tài chính, thay mặt Chính phủ Singapore chính thức báo cáo trước Quốc hội rằng trị giá các khoản đầu tư của Temasek đã giảm 31%, từ 187 tỉ đô la Singapore (SGD) xuống còn 127 tỉ SGD (tương đương 85 tỉ đô la Mỹ) chỉ trong vòng tám tháng - từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm ngoái.

 

Temasek đã bỏ ra hơn 12 tỉ SGD để mua cổ phần của các định chế tài chính ngân hàng lớn như Merrill Lynch và Barclays và giờ đây giá trị sổ sách của các khoản đầu tư đã giảm phân nửa. Trong khi đó, tập đoàn đầu tư chính phủ Singapore (GIC) cũng đã chi hàng tỉ đô la Singapore vào các ngân hàng Citibank và UBS, nhưng con số mất mát cụ thể thì bà Lim Hwee Hua chưa công bố.

 

Điều thú vị là nếu trước đây vai trò điều hành Temasek của bà Ho Ching được đề cao bao nhiêu thì giờ đây nó lại càng nhạt nhòa bấy nhiêu. Vô tình hay hữu ý, nhật báo chính thống duy nhất tại Singapore là tờ The Straits Times (TST) thậm chí còn cho biết phần lớn giới học giả, các nhà phân tích, giới kinh doanh đầu tư đều đồng ý rằng, cho dù có hay không có bà Ho Ching, Temasek vẫn luôn là một “đại gia doanh nghiệp toàn cầu” (Global Corporate Titan).

 

Ý tại ngôn ngoại, không ai muốn nhắc đến lý do cụ thể về việc bà Ho Ching đột ngột ra đi nhưng chuyện thay ngựa giữa dòng trong thời điểm khó khăn này lại được giải thích bằng việc điều chỉnh định hướng chiến lược đầu tư của Temasek trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Theo tuyên bố của Chủ tịch Temasek, ông Dhanabalan, trong cuộc họp báo ngày 6-2, thời điểm xem xét lại này có lẽ là phù hợp để có một lãnh đạo mới.

 

Người kế nhiệm của bà Ho Ching không phải là người Singapore: ông Charles Goodyear, quốc tịch Mỹ, từng là tổng giám đốc tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton và vừa tham gia Hội đồng quản trị của Temasek chỉ vài tuần. Đây là người nước ngoài thứ hai trong bộ máy điều hành mới của Temasek, sau ông Simon Israel, quốc tịch New Zealand - cựu chủ tịch phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn thực phẩm Danone (Pháp).

 

Theo bà Gillian Koh, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu chính sách Singapore thuộc trường Đào tạo chính sách công Lý Quang Diệu, hai nhân vật mới này có thể sẽ làm giảm nhẹ những lời chỉ trích trước đây rằng Temasek, với cổ đông duy nhất là Bộ Tài chính Singapore, là cánh tay đắc lực của chính phủ trong việc mua lại tài sản của các quốc gia khác; và hoạt động của Temasek từ nay sẽ chủ yếu dựa trên cơ sở thương mại thuần túy.

 

Nói cách khác, việc bổ nhiệm những khuôn mặt mới trong ban lãnh đạo sẽ giúp Temasek tránh những điều tai tiếng mang màu sắc chính trị trong bối cảnh khủng hoảng, nhất là người đứng đầu của Temasek dù thế nào đi chăng nữa cũng là phu nhân của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, và là con dâu của Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu.

 

Nhưng có lẽ giờ đây sự âu lo về chủ quyền của các nước về hoạt động các quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund - SWF) đã nhường chỗ cho những thông tin chẳng mấy tốt đẹp về khả năng sinh lợi của chúng. Temasek và GIC không phải là trường hợp cá biệt trong hoạt động kinh doanh đầu tư của các SWF.

 

Quỹ đầu tư chính phủ Kuwait (KIA) cách đây hai tuần cũng cho biết tài sản của họ đã “bay hơi” hết 30,73 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12 năm ngoái.

 

Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu SFW độc lập có trụ sở tại New York, một SWF khác lớn nhất thế giới là của Abu Dhabi cũng mất 125 tỉ đô la trong năm 2008. Tuy nhiên, do đặc thù của các SWF là hướng đến các lợi suất đầu tư lâu dài (long-term expected investment rate of return) chứ không chỉ một vài năm cho nên việc đánh giá chúng cũng chỉ mang tính chất tương đối và đa phần các thông tin của các SWF đều không hoàn toàn công khai.

 

Theo nghiên cứu gần đây của ngân hàng Hà Lan ABN Amro Bank về các thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn một thế kỷ, từ năm 1990, tỷ suất lợi nhuận đầu tư cổ phiếu - sau khi điều chỉnh theo lạm phát - bao giờ cũng cao hơn đầu tư trái phiếu. Trong vòng 20 năm qua, tỷ suất lợi nhuận đầu tư trung bình hàng năm của Temasek là 13%, của GIC là 5,8%.

 

Thế nhưng, tình hình suy thoái khắp nơi trên toàn cầu sẽ không cho phép các SWF dựa vào các chỉ số tham chiếu (benchmark) để đánh giá hiệu quả đầu tư. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, cuộc khủng hoảng lần này là tệ hại nhất từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và cũng có thể còn tệ hơn cả thời kỳ Đại khủng hoảng năm 1930.

 

Trả lời phỏng vấn của TST, ông Tony Tan, Phó giám đốc điều hành của GIC, cho rằng nếu suy thoái tiếp tục kéo dài đến năm 2010, nó sẽ không còn là chu kỳ kinh tế đình trệ mà là dấu hiệu của một thay đổi mang tính hệ thống của kinh tế thế giới. Và nếu chuyện này xảy ra thì các chính phủ, các nhà đầu tư cần phải xem xét lại các giả định của mình và chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới mới.

 

Thật vậy, sau khi nhật báo TST đăng tải nhận định của Quốc hội Singapore và các nhà phân tích cho rằng mặc dù đầu tư thua lỗ nhưng mức tụt giảm của Temasek và GIC đều thấp hơn chỉ số tham chiếu trên các thị trường khác, độc giả Samuel Owen đã đặt câu hỏi rằng, Temasek đã làm gì để thẩm định lại mức thất thoát đã phát sinh, bài học gì có thể rút ra được từ những khoản đầu tư kém hiệu quả này, nếu sáng suốt hơn có thể tránh không bị thua lỗ không và cần phải thay đổi gì để giúp Temasek và GIC có thể chuẩn bị tốt hơn trong cuộc đua tranh mới.

 

Trả lời những câu hỏi này quả thật không đơn giản bởi lẽ dự trữ ngoại tệ của Singapore là 100 tỉ SGD còn con số lỗ của Temasek và GIC cộng lại cũng đã gần 60 tỉ.

 

Theo Lê Hữu Huy

Thời báo kinh tế Sài Gòn

ngocdiep

Trở lên trên